image banner
Hội nghị chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và quán triệt triển khai Luật thực hiện dân chủ cơ sở
Lượt xem: 109
(Cổng ĐT HND) – Sáng nay (27/8), tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giáo dục liêm chính và quán triệt, triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Nguyễn Văn Thể- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì Hội nghị.  

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Nguyễn Văn Thể- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì và phát biểu tại Hội nghị

 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 239 điểm cầu trong cả nước, với sự tham dự của 30.305 cán bộ, đảng viên.

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) có đồng chí Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN; đồng chí Phan Như Nguyện- Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN; các đồng chí Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN: Phạm Tiến Nam, Đinh Khắc Đính; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan; Trưởng, Phó các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội NDVN cùng toàn thể cán bộ, đảng viên cơ quan…

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên Trung ương truyền đạt 2 chuyên đề về: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính trong Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương; quán triệt, triển khai Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin, nội dung chuyên sâu về lý luận và thực tiễn, giúp nâng cao nhận thức, hành động, trang bị những kiến thức về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giáo dục liêm chính, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở cho các cán bộ, đảng viên.

 

Anh-tin-bai

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 239 điểm cầu trong cả nước

 

Trong chuyên đề thứ nhất, TS. Nguyễn Xuân Trường- Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương đã trình bày chuyên đề “Một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Công tác giáo dục liêm chính để phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

 

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bước đột phá, toàn diện, rõ rệt, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm; từ đó, góp phần quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

 

“Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, đó là, chúng ta đã phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công tác này được tập trung quyết liệt, kết hợp giữa xử lý hành chính, kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự, nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đây là bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực”- TS. Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Xuân Trường nêu 7 vấn đề đặt ra đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trên cơ sở đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới như: Phòng chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm phòng ngừa từ xa, từ sớm, cả gốc lẫn ngọn; kiên trì xây dựng văn hoá liêm chính, đẩy mạnh giáo dục liêm chính; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói, đã nói là làm của người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích…

 

Anh-tin-bai

Các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tham dự Hội nghị từ điểm cầu kết nối trực tuyến

 

Hội nghị cũng nghe đồng chí Đặng Hữu Ngọ- Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương quán triệt Luật Thực hiên dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022.

 

Cụ thể, Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, Luật đã cụ thể hoá đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát dân thụ hưởng”.

 

Theo đồng chí Đặng Hữu Ngọ, thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng; từ đó, góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

 

Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.

 

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự từ điểm cầu kết nối trực tuyến tại cơ quan Trung ương Hội Nông dân Việt Nam

 

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể cho biết: Thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trưng ương đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt.

 

Do đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hoá, tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và người lao động.

 

Trên cơ sở các nội dung quán triệt tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Thể đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đầy đủ và tham gia thực hiện hiệu quả Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giáo dục liêm chính, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng; thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tài chính, tài sản cơ quan hằng năm theo đúng quy định...

 

Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối cũng lưu ý, trong thời gian tới, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, đảng viên trong việc thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiền phong gương mẫu và quyết tâm chính trị cao của tổ chức Đảng và đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung xây dựng văn hóa công vụ đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động; trong đó, tập trung vào giáo dục liêm chính, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vừa hồng, vừa chuyên, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.

 

Đặc biệt, thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cần giáo dục liêm chính, thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của cá nhân cán bộ, đảng viên; mỗi cán bộ, Đảng viên phải “tự soi”, “tự sửa” mình thường xuyên; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt với phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; tập trung các giải pháp phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

 

Thúy Hằng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1