image banner
Hội Nông dân Việt Nam qua các kỳ Đại hội
Lượt xem: 1430
(Cổng ĐT HND) - Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đó đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua VIII kỳ Đại hội.
 
1. Sự ra đời của Nông Hội đỏ - tổ chức tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay.
 
Vào những năm 1920, Phong trào đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, chống sưu thuế tô tức nặng nề,...của nông dân còn mang tính tự phát và bước đầu có sự hướng dẫn của Quốc dân Đảng, về sau có sự lãnh đạo của các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đấu tranh, giai cấp nông dân được tôi luyện trưởng thành và xuất hiện, hình thành nhiều tổ chức như: Phường lợp nhà, Phường hiếu hỉ, Phường tương tế...để bảo vệ quyền lợi của nông dân.
 
Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân ''Đảng phải đoàn kết được đại đa số nông dân, phải dựa vững vào nông dân nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời Đảng nhấn mạnh “Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng'', vì vậy phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.
 
Hội nghị trung ương Đảng, tháng 10/1930 thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều nêu rõ mục đích nhằm ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để đấu tranh, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Nghị quyết đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Mặc dù, trên thực tế Hội nông dân chưa tổ chức Đại hội thành lập, nhưng các phong trào nông dân điều đặt dưới sự hướng dẫn của tổ chức Nông hội đỏ (tổ chức tiền thân của Hội nông dân Việt Nam hiện nay). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự chỉ đạo trực tiếp của Nông hội, nông dân cả nước đã vùng lên đấu tranh cùng với công nhân giành thắng lợi từng bước làm nên Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
 
2. Hội Nông dân Việt Nam và cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc 1930 - 1945.
 
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ II tháng 3/1931 nhấn mạnh ''cần phải đẩy mạnh việc tổ chức Nông Hội làng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, trong điều kiện địch khủng bố trắng, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống chiến tranh''. Thực hiện Nghị quyết TW II của Đảng, các tổ chức Nông hội được củng cố và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân. Dưới sự lãnh đạo của Nông hội, phong trào nông dân diễn ra mạnh mẽ trong những năm 1932 - 1935, 1936. Tháng 3/1937 Trung ương Đảng họp, đề ra đường lối chính trị và phương pháp tổ chức mới và tên của các tổ chức. Tổ chức Hội nông dân phản đế gọi tắt là Nông hội thay Nông hội đỏ. Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng đã giúp cho Nông hội khắp nơi trong nước phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
 
Hình thức tổ chức của Nông hội rất đa dạng: hội cấy, hội gặt, hội hiếu hỉ, hội góp họ, phường đi săn, hội chèo, nhóm học quốc ngữ...đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình.
 
Trong năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của nông hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu...Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp''. Nông hội đã đưa nông dân tham gia vào các phong trào sôi nổi với những hình thức như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh nhật...Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), phong trào ''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói'' đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù.
 
Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời, là một thắng lợi của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó sống còn giữa Đảng với nông dân, nông dân với Đảng.
 
3. Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước (1945- 1975).
 
Trong điều kiện chiến tranh ngày càng lan rộng với mức độ gay go ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận. Đảng ta chủ trương, thành lập Ban Nông vận Trung ương gồm 6 đ/c do đ/c Hồ Việt Thắng làm Trưởng Ban, kiện toàn tổ chức ở cấp trung ương(lúc này chưa có TW Hội).
 
Để thực hiện chủ trương trên, Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất được triệu tập từ ngày 28/11 đến ngày 7/12/1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Hội nghị thông qua đề án về chương trình và hành động của Hội trong năm 1950 và những năm tiếp theo.
 
Về tổ chức Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên thành Ban liên lạc nông dân toàn quốc) Nhiệm vụ của Hội Nông dân cứu quốc là lãnh đạo phong trào nông dân và tổ chức Hội các cấp. Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân có một tổ chức hội ở cấp trung ương, đáp ứng nguyện vọng của nông dân và yêu cầu của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp.
 
Để đánh giá đúng kết quả phong trào nông dân và hoạt động của tổ chức Hội Nông dân, Ban liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ hai vào tháng 3/1951. Hội nghị đã tập trung quán triệt những nhiệm vụ mới của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào nông dân và xây dựng tổ chức Hội đáp ứng với những yêu cầu trước mắt. Với tinh thần ''Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân cả nước hăng hái thanh gia ''Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công'' do Đảng và Chính phủ phát động.
 
Trong 9 năm kháng chiến chống thức dận Pháp, giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp to lớn vào thắng lợi của các chiến dịch. Chiến thắng lịch sử Diện Biên Phủ và thắng lợi của ta tại Hội nghị Giơ - ne - vơ năm 1954 về Đông Dương mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Hoà bình được lập lại ở Đông Dương, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
 
Ở Miền Bắc: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giai cấp nông dân cùng với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân khác có nhiệm vụ thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng do Đảng đề ra: vừa làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa tiếp tục đấu tranh để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
 
Ở miền Nam: Thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng và Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở nông thôn miền Nam, Nông hội vừa tích cực tổ chức, vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi bàn giao các địa bàn cho đối phương để thực hiện chia cấp ruộng đất, củng cố sản xuất, ổn định đời sống.
 
Ngày 20/12/1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam đã họp tại căn cứ Tân Biên, Tây Ninh tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
 
Thời kỳ chống Mỹ: Nông dân miền Nam tham gia đấu tranh chính trị, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng, từ giữa năm 1955 trở đi phong trào đấu tranh của nông dân miền Nam đã bùng lên mạnh mẽ, hàng triệu nông dân đã sát cánh cùng giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động liên tiếp tổ chức các cuộc biểu tình, mít tinh dùng áp lực chính trị với địch. Tổ chức nhiều phong trào cách mạng ở các địa phương từ miền Trung đến Cà Mau.
 
Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng. Sự ra đời của Hội Nông dân giải phóng là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân ở miền Nam. Hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong đồng khởi. Tháng 1/1969, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiến hành Đại hội nhằm tổng kết phong trào đấu tranh của nông dân trong 8 năm, đồng thời quán triệt yêu cầu và nhiệm vụ mới của nông dân trong đấu tranh chống kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch. Tổ chức Hội đã tập hợp, vận động, tuyên truyền nông dân thực hiện đúng đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng.
 
Nông dân liên tục nổi dậy phá rã, phá banh nhiều khu dồn dân, phá thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ trên nhiều địa bàn quan trọng. Vùng giải phóng đã mở rộng tới sát Sài Gòn. Ở các vùng đồng bằng, nông dân nổi dậy mở thêm nhiều vùng, nhiều lõm giải phóng, nối các vùng giải phóng thành thế liên hoàn nhiều xã, nhiều huyện.
 
Thắng lợi của phong trào nông dân nổi dậy và cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè 1972 đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh và tiến tới ''Tổng tấn công'' mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi trọn vẹn, đất nước thống nhất hai Miền Nam Bắc.
 
4. Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ tổ quốc
 
Phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp cách mạng và tiến tới Đại hội Đại biểu nông dân toàn quốc. Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư TW Đảng ra Chỉ thị số 78/CT - TW về việc tổ chức Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam (thống nhất tên gọi chung của Hội trong toàn quốc), Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, Hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
 
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nông nghiệp nước ta chưa có những chuyển biến tích cực. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp chưa được cải tiến cho phù hợp với thời kỳ hòa bình xây dựng. Những hạn chế của nó đã dẫn đến những biểu hiện suy thoái trong sản xuất, những dấu hiệu khủng hoảng, bất hợp lý bộc lộ ngày càng rõ.
 
Tháng 9/1981, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 116/CT - TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Đồng thời, quyết định cho ban hành Điều lệ Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và chuẩn bị mở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam.
 
Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đồng ý lấy ngày 14/10/1930 làm ngày thành lập Hội nông dân Việt Nam.

 

Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã qua 8 kỳ Đại hội. Chúng ta cùng nhìn lại 8 kỳ Đại hội Hội Nông dân Việt Nam thông qua những hình ảnh sau:

1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Nông dân Việt Nam (1988-1993) được tổ chức ngày 28 và 29/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Dự Đại hội có 613 đại biểu đại diện cho trên 11 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

2. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam (1993-1998) diễn ra từ ngày 15 - 19/11/1993 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 600 đại biểu đại diện cho hơn 7,2 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành.

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

3. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Nông dân Việt Nam (1998-2003) diễn ra từ ngày 17 - 20/11/1998 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 700 đại biểu. Đại hội đã bầu 114 đồng chí vào Ban Chấp hành. Đại hội đề ra những nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội; tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực xây dựng và phát triển đất nước...

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

4. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nông dân Việt Nam (2003-2008) được tổ chức từ ngày 22 - 25/11/2003, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 860 đại biểu đại diện cho hơn 8 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội đã bầu 120 ủy viên Ban Chấp hành.

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

5. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam (2008-2013) được tổ chức từ ngày 22 - 25/12/2008 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.175 đại biểu đại diện cho hơn 9,5 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội đã bầu 124 ủy viên Ban Chấp hành.

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

6. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam (2013-2018) được tổ chức từ ngày 30/6 - 3/7/2013 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.169 đại biểu đại diện cho hơn 9,9 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội đã bầu 122 ủy viên Ban Chấp hành.

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

7. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam (2018-2023) được tổ chức từ ngày 11 - 13/12/2018 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 999 đại biểu đại diện cho trên 10,2 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội đã bầu 119 ủy viên Ban Chấp hành.

 

Anh-tin-bai
Anh-tin-bai
Anh-tin-bai

 

8. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam (2023-2028) được tổ chức từ ngày 25 - 27/12/2023 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.000 đại biểu đại diện cho trên 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân. Đại hội đã bầu 111 ủy viên Ban Chấp hành.

 

Anh-tin-bai

 

Tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra chiều tối 26/12, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã bầu Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 18 người. Đồng thời, Ban Chấp hành đã bầu Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch.

Kết quả, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII tái đắc cử Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Anh-tin-bai
Hoàng Minh, Nguồn ảnh infographics: TTXVN
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1