image banner
Hội Nông dân Việt Nam đẩy mạnh thành lập Câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông” trong hệ thống Hội
Lượt xem: 305
(Cổng ĐT HND) - Nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ về thành lập và tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông" trong hệ thống Hội Nông dân Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ, Hội Nông dân Việt Nam vừa ban hành Hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông".

Anh-tin-bai

Một số những nông dân xuất sắc được tôn vinh trong cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông” là thành viên của Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông"

 

Theo đó, Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông" được thành lập với mục tiêu tập hợp, đoàn kết, tạo "sân chơi" để cán bộ, hội viên, nông dân và những người có nhu cầu, sở thích, đam mê nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng tham gia. Thông qua đó, tạo cơ hội, điều kiện cho các thành viên được giao lưu, trao đổi, tiếp thu, học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật, liên kết, hợp tác, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cùng phát triển.

 

Thông qua hoạt động của Câu lạc bộ, các thành viên của Câu lạc bộ là lực lượng nòng cốt, là nhân tố tích cực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn giúp đỡ hội viên, nông dân tiếp cận và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao các sản phẩm khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Nâng cao nhận thức cán bộ, hội viên nông dân về sự cần thiết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; qua đó, tạo phong trào thi đua tích cực học tập, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Nguyên tắc hoạt động, điều kiện, đối tượng, địa bàn, tên gọi của Câu lạc bộ

1. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

- Tự nguyện tham gia, theo Quy chế của Câu lạc bộ.

- Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

- Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, sự quản lý của Ban thường vụ Hội Nông dân cấp ra quyết định.

2. Điều kiện thành lập

Câu lạc bộ được thành lập khi có ít nhất từ 10 thành viên trở lên tham gia.

3. Đối tượng tham gia Câu lạc bộ

- Là cán bộ, hội viên, nông dân có kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, có nhu cầu, sở thích tham gia Câu lạc bộ trên địa bàn.

- Các nhà khoa học, doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã và các thành phần khác hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực hoạt động và có nguyện vọng tham gia Câu lạc bộ.

4. Địa bàn thành lập Câu lạc bộ

Câu lạc bộ được thành lập trên phạm vi xã, huyện, tỉnh tùy thuộc vào số lượng thành viên, nơi cư trú hoặc ngành nghề sản xuất, kinh doanh trên cùng địa bàn của các thành viên. Cụ thể:

- Nếu đủ số lượng (từ 10 thành viên trở lên tham gia) trên cùng địa bàn 01 xã thì thành lập Câu lạc bộ trên địa bàn xã đó (CLB xã…).

- Nếu đủ số lượng thành viên (từ 10 thành viên trở lên tham gia) trên địa bàn nhiều xã thì thành lập Câu lạc bộ huyện (CLB huyện…).

- Nếu đủ số lượng thành viên (từ 10 thành viên trở lên tham gia) trên địa bàn nhiều huyện thì thành lập Câu lạc bộ tỉnh (CLB cấp tỉnh…).

5. Tên gọi Câu lạc bộ

Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật + lĩnh vực sản xuất + địa danh nơi thành lập (xã hoặc huyện hoặc tỉnh).

Ví dụ:

- Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nuôi cá bống bớp xã …

- Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật trồng cây cảnh xã… huyện

- Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nuôi chim Trĩ, huyện….

- Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản tỉnh …

Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ

1. Thẩm quyền quyết định thành lập Câu lạc bộ

- Câu lạc bộ các thành viên trên địa bàn cùng xã do Ban Thường vụ Hội nông dân xã ra quyết định thành lập.

- Câu lạc bộ các thành viên trên địa bàn nhiều xã trong huyện do Ban Thường vụ Hội nông dân cấp huyện ra quyết định thành lập.

- Câu lạc bộ các thành viên trên địa bàn nhiều huyện trong tỉnh do Ban Thường vụ Hội nông dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập.

2. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ

- Câu lạc bộ có Ban Chủ nhiệm để quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động của Câu lạc bộ. Số lượng thành viên Ban Chủ nhiệm tùy thuộc vào số lượng thành viên Câu lạc bộ; trong đó có, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, ủy viên kiêm phụ trách tài chính. Nhiệm kỳ Ban Chủ nhiệm quy định trong Quy chế hoạt động do các thành viên Câu lạc bộ thống nhất.

- Thành viên Ban Chủ nhiệm lâm thời: do Ban Chấp hành Hội cùng cấp quyết định, Ban Chủ nhiệm lâm thời chấm dứt hoạt động sau khi bầu Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ mới.

- Tiêu chuẩn Ban Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Câu lạc bộ:

+ Ban Chủ nhiệm: Là những người tiêu biểu, uy tín, có kiến thức khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực hoạt động của Câu lạc bộ; tâm huyết, trách nhiệm với các hoạt động của Câu lạc bộ; gần gũi, gắn bó với các thành viên.

+ Chủ nhiệm Câu lạc bộ là người tiêu biểu, có uy tín, nổi trội về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực hoạt động của Câu lạc bộ. Có khả năng tập hợp, đoàn kết, quy tụ thành viên; có khả năng giao tiếp, điều hành hoạt động của Câu lạc bộ; có trách nhiệm, tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với thành viên và hội viên, nông dân.

3. Quyền hạn, nghĩa vụ của các thành viên Câu lạc bộ

* Quyền hạn:

- Được giới thiệu để bầu vào Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ;

- Được tham gia các hoạt động, các kỳ sinh hoạt của Câu lạc bộ.

- Được quan tâm, giới thiệu tham gia xây dựng các mô hình khoa học kỹ thuật mới trên địa bàn, các đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ (nếu có).

- Được trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến về các hoạt động của Câu lạc bộ và hoạt động Ban Chủ nhiệm.

- Được tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến thuộc lĩnh vực hoạt động Câu lạc bộ.

- Được cung cấp thông tin, kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến; liên kết, hợp tác với các thành viên trong sản xuất, kinh doanh; trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để cùng tìm giải pháp khắc phục và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Được xem xét giới thiệu tham gia các Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" do các cấp tổ chức.

- Được đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng khi có thành tích xuất sắc; được xem xét giới thiệu đề cử "Nhà khoa học của Nhà nông".

- Được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

* Nghĩa vụ:

- Chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định của địa phương và Quy chế hoạt động Câu lạc bộ.

- Tham gia đầy đủ các hoạt động, các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ.

- Tham gia tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao các kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ cho hội viên, nông dân; vận động và giới thiệu các thành viên mới với Ban Chủ nhiệm để kết nạp.

- Thực hiện các hoạt động của Câu lạc bộ theo kế hoạch của Ban Chủ nhiệm.

- Đóng kinh phí hoạt động theo Quy chế của Câu lạc bộ.

4. Các hoạt động chính của Câu lạc bộ

(1) Tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết 6 tháng, 01 năm đánh giá hoạt động của Câu lạc bộ.

(2) Tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, hội thảo về các nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Câu lạc bộ như: các quy trình sản xuất mới hiệu quả; kinh nghiệm về các nghiên cứu, kết quả ứng dụng của các thành viên; đặc biệt, là trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc, tìm các giải pháp, biện pháp khoa học kỹ thuật nhằm xử lý các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Câu lạc bộ mà các thành viên Câu lạc bộ đề nghị quan tâm.

(3) Tổ chức các hoạt động giúp các thành viên Câu lạc bộ tiếp cận thực tế; nâng cao kiến thức khoa học, phương thức ứng dụng khoa học; hợp tác, liên kết sản xuất; bao gồm:

- Tổ chức giao lưu, thăm quan, học hỏi giữa các thành viên; giao lưu, thăm quan thực tế các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Câu lạc bộ.

- Tổ chức tập huấn cho thành viên theo từng lĩnh vực, phù hợp nhu cầu, đề nghị của thành viên; phổ biến kiến thức mới, các quy trình sản xuất mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến tiến.

- Tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề: mời báo cáo viên là các nhà chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học phổ biến chính sách mới thuộc các lĩnh vực mà Câu lạc bộ quan tâm và có tác dụng thiết thực cho các thành viên; phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn của hàng hóa xuất khẩu; giới thiệu những kinh nghiệm hay, các mô hình tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ nông nghiệp.

(4) Tham gia hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân; hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ hướng dẫn phương pháp lựa chọn cây, con giống chất lượng, phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương cho hội viên, nông dân…

(5) Xây dựng kế hoạch vận động ủng hộ tài trợ về vật chất cần thiết, kinh phí để đảm bảo hoạt động của Câu lạc bộ.

(6) Thăm hỏi, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống.

Lưu ý: Để các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đạt kết quả tốt, tùy theo từng nội dung Ban Chủ nhiệm quyết định việc mời các thành phần khác ngoài thành viên Câu lạc bộ tham dự và trao đổi thông tin, kiến thức liên quan nội dung sinh hoạt.

5. Chế độ sinh hoạt

Địa điểm sinh hoạt do Câu lạc bộ quyết định. Tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu và đề xuất của thành viên Câu lạc bộ để tổ chức sinh hoạt với các nội dung nêu tại mục 4 theo tháng hoặc quý; trong đó, định kỳ 6 tháng, 01 năm Câu lạc bộ tổ chức hội nghị sơ, tổng kết đánh giá hoạt động của Câu lạc bộ.

6. Mở rộng thành viên Câu lạc bộ

Để hoạt động của Câu lạc bộ ngày càng hiệu quả, Ban Chủ nhiệm, thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học - công nghệ có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Câu lạc bộ… tham gia Câu lạc bộ.

Quy trình thành lập câu lạc bộ gồm 4 bước, cụ thể:

Bước 1: Khảo sát, tuyên truyền, nắm bắt nhu cầu tham gia Câu lạc bộ tại địa phương.

Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch/hướng dẫn triển khai việc thành lập Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông trên địa bàn tỉnh/thành phố, chỉ đạo/hướng dẫn Hội Nông dân các cấp thực hiện.

Xuất phát từ chỉ đạo của Hội cấp trên và tình hình thực tế tại địa phương, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp chủ động xây dựng kế hoạch khảo sát; tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân, những nhà khoa học, chuyên gia, giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã… tham gia Câu lạc bộ. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào ý nghĩa, mục đích việc thành lập Câu lạc bộ, nguyên tắc và hoạt động của Câu lạc bộ; quyền lợi, trách nhiệm của thành viên để thấy rõ được tính thiết thực khi tham gia Câu lạc bộ; qua hoạt động khảo sát, tuyên truyền nắm được nhu cầu tham gia, gửi mẫu đơn đăng ký tham gia Câu lạc bộ; tập hợp danh sách đăng ký tham gia để đưa ra quyết định việc thành lập câu lạc bộ tại địa phương.

Bước 2: Xây dựng kế hoạch thành lập Câu lạc bộ

Sau khi kết thúc việc khảo sát, tập hợp đơn đăng ký tham gia, khi đủ điều kiện thành lập Câu lạc bộ tại địa bàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân cấp ra quyết định thành lập xây dựng kế hoạch thành lập Câu lạc bộ và báo cáo cấp ủy cùng cấp, Hội cấp trên về việc thành lập Câu lạc bộ "Khoa học kỹ thuật nhà nông…". Kế hoạch nêu rõ:

- Căn cứ thành lập;

- Mục đích yêu cầu của việc thành lập Câu lạc bộ;

- Nguyên tắc hoạt động;

- Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ;

- Đối tượng tham gia, quyền lợi, nghĩa vụ của thành viên

- Số lượng thành viên đăng ký tham gia

- Ban Chủ nhiệm lâm thời

- Thời gian, địa điểm ra mắt Câu lạc bộ.

Bước 3: Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ra mắt Câu lạc bộ

Hội Nông dân cấp ra quyết định tổ chức họp cùng Ban Chủ nhiệm lâm thời để thống nhất các nội dung:

+ Thông báo danh sách thành viên đăng ký tham gia;

+ Thống nhất nội dung chương trình, thời gian, địa điểm, khách mời lễ ra mắt Câu lạc bộ;

+ Phân công nhiệm vụ chuẩn bị các văn bản: dự thảo kịch bản điều hành chương trình; xây dựng báo cáo quá trình thành lập Câu lạc bộ; kịch bản bầu Ban Chủ nhiệm; dự thảo quy chế hoạt động của Câu lạc bộ; nội dung tập huấn, hướng dẫn về hoạt động của Câu lạc bộ.

+ Phân công điều hành/thực hiện chương trình.

+ Phân công chuẩn bị trang trí khánh tiết, cơ sở vật chất phục vụ Lễ ra mắt.

Bước 4: Tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ

Trong buổi lễ ra mắt Câu lạc bộ cần thực hiện một số nội dung chính sau:

- Báo cáo quá trình thành lập Câu lạc bộ.

- Công bố Quyết định thành lập Câu lạc bộ.

- Công bố danh sách thành viên Câu lạc bộ.

- Bầu Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

- Thảo luận, thông qua Quy chế hoạt động của Câu lạc bộ.

- Tập huấn, hướng dẫn tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ.

Nhiệm vụ của Hội Nông dân cấp ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ

- Hội Nông dân cấp ban hành Quyết định công nhận Câu lạc bộ phân công cán bộ phụ trách theo dõi hoạt động của Câu lạc bộ.

- Thường xuyên nắm tình hình hoạt động của Câu lạc bộ, gợi mở nội dung hoạt động của Câu lạc bộ đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chỉ đạo tuyên truyền, vận động, phát triển thành viên Câu lạc bộ.

- Kịp thời hỗ trợ, giải quyết, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của thành viên Câu lạc bộ; biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

- Định kỳ cử đại diện tham gia sinh hoạt, hội nghị 06 tháng, 01 năm của Câu lạc bộ.

Thanh Hải
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1