image banner
Lai Châu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP
Lượt xem: 21
Thời gian qua, tại Lai Châu đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sản xuất, người tiêu dùng và xã hội, nhất là giúp nâng cao giá trị kinh tế, lợi nhuận, đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường.
Anh-tin-bai

Mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang được nhân rộng tại huyện Tam Đường.

Vì thế, các gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đang tích cực nhân rộng mô hình này.

Hiệu quả từ một mô hình

Những năm gần đây, xã Mường Kim (Than Uyên) vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột - loại cây có năng suất, giá trị kinh tế vượt trội so với nhiều loại cây trồng khác. Đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt đứng chân trên địa bàn, giúp người dân địa phương có thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đi đầu trong thực hiện mô hình trồng dưa chuột ở xã Mường Kim là gia đình anh Lò Văn Nhơi ở bản Nà Dân. Với hơn 1ha ruộng nước, trước đây gia đình anh cấy 2 vụ lúa, song hiệu quả kinh tế thấp. Khi được lãnh đạo xã tuyên truyền, vận động chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích, mùa nào trồng cây đó, vụ trồng bí xanh, vụ trồng dưa chuột, khoai tây. Vụ này gia đình anh chuyển sang trồng dưa chuột theo quy trình VietGAP. Anh Nhơi tâm sự: “Gia đình tôi trồng dưa chuột được 3 năm nay, mỗi năm trồng 2 vụ, mỗi vụ thu về khoảng 30 tấn, với giá bán trung bình từ 8 - 10 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí và thuê nhân công thu hái, thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Nguồn thu nhập của cây dưa chuột đã giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Sau một thời gian trồng, tôi thấy trồng cây dưa chuột cho thu nhập cao gấp 7 - 8 lần so với cấy lúa, trồng ngô. Vụ sau gia đình tôi tiếp tục trồng dưa và nhân rộng diện tích”.

Vụ dưa chuột năm nay, gia đình chị Lò Thị Thắm ở bản Nà Dân trồng 5.000m2 theo quy trình VietGap. Hiện, gia đình chị đã thu hoạch được hơn 2 tấn quả, với giá bán trung bình 12 nghìn đồng/kg. Theo chị Thắm chia sẻ, trồng dưa chuột theo VietGAP đòi hỏi trồng phải cẩn trọng trong khâu bón phân, phun thuốc, thăm ruộng và phát hiện sâu bệnh. Vẫn từng ấy thời gian chăm sóc, nhưng trồng theo VietGAP còn làm tăng hiệu quả kiểm soát sâu bệnh hại, giảm chi phí sử dùng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ sức khỏe người trồng và người tiêu dùng, nên giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, khi dưa thu hoạch đến đâu được Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt bao tiêu sản phẩm đến đó theo giá thị trường nên không lo về đầu ra, gia đình chị rất yên tâm khi trồng.

Dưa chuột là loại cây dễ trồng, thời vụ ngắn. Việc chăm sóc đơn giản, trước khi trồng bón lót bằng phân chuồng, sau khi xuống giống từ 10 - 15 ngày thì bón thêm lân, đạm. Trong quá trình chăm sóc chỉ cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ kịp thời, đảm bảo năng suất. Đặc biệt, chi phí đầu tư trồng dưa thấp, chủ yếu là phải bỏ công chăm sóc, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó và thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho ruộng. Dưa chuột lớn rất nhanh, chỉ 1 - 2 ngày có thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn nên cần thu hái thường xuyên.

Anh Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã Mường Kim cho biết: Lúc đầu khi xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng dưa chuột, chỉ có 1- 2 hộ ở bản Nà Dân trồng. Nhưng nhận thấy cây dưa chuột cho thu nhập cao, vụ này toàn xã có hơn 10 hộ tập trung ở các bản: Nà Dân, Nà Khương, tham gia trồng hơn 4ha, trong đó hơn 3ha được trồng theo quy trình VietGAP. Do phù hợp với chất đất nên cây dưa chuột được trồng trên địa bàn năng suất cao, ước đạt trên 120 tấn/ha. Toàn bộ diện tích được xã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt bao tiêu sản phẩm, với giá niêm yết trên thị trường. Vì vậy, khi sản phẩm được làm ra không lo mất giá. Cây dưa chuột đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và dần trở thành loại cây trồng thế mạnh, thích hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân địa phương. Bởi, chi phí đầu tư thấp và nguồn thu nhập cao.

Để nâng cao giá trị cho cây dưa chuột, hiện tại xã vận động bà con trồng dưa theo hướng luân canh (một vụ trồng dưa chuột, một vụ trồng cây khác), vừa để tái tạo đất, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Nếu vụ sau bà con mở rộng diện tích, đơn vị bao tiêu sản phẩm cam kết tiếp tục mua toàn bộ dưa chuột cho bà con. Ngược lại, nông dân cũng phải cam kết đồng hành với doanh nghiệp để hướng tới hiệu quả cao nhất.

Mô hình trồng dưa chuột tại xã Mường Kim đang phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, giúp nông dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác

Trước nhu cầu tiêu thụ rau an toàn trên thị trường, tháng 5/2024, một số hộ dân ở 2 bản: Tân Bình, Hưng Bình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường) phối hợp thành lập mô hình Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình. Mô hình sản xuất gồm: nhà màng, hệ thống tưới nước tự động, quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả, tạo triển vọng nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Từ nhiều năm qua, xã Bình Lư được biết đến có diện tích trồng rau củ, quả lớn của huyện Tam Đường. Tuy nhiên, nhiều hộ dân trồng rau theo kinh nghiệm, quy mô gia đình. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật; nhiều mô hình sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao trên địa bàn trong và ngoài tỉnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao là lý do Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình được thành lập, gồm 6 thành viên.

Với tổng diện tích hơn 1,5ha, tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới rộng 7.000m2, trị giá trên 900 triệu đồng chuyên canh 10 loại rau, củ, quả như: bắp cải, cải canh, cải ngọt, cà chua, dưa chuột, su su, đậu đỗ… Hệ thống nhà lưới có mái che, màng bọc xung quanh, cây rau tránh được sự gây hại của côn trùng, sâu, bệnh; hạn chế chất hóa học trong phòng, trừ sâu, bệnh trên cây rau, giảm tính độc hại, bảo đảm an toàn thực phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong quá trình sản xuất. Tổ hợp tác còn đầu tư hệ thống tưới tự động với các quy trình từ tưới phun sương cho các loại rau ăn lá tới tưới nhỏ giọt cho các loại cây rau ăn củ. Sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng, phân cây xanh băm nhỏ, ủ hoai thay thế cho phân hóa học. Từ khi tổ hợp tác đi vào hoạt động đến nay, với hơn 1.000m2 nhà lưới, đã thu hoạch hơn 1 tấn rau, củ quả/tháng, trừ chi phí thu lãi 100 triệu (tăng 30 triệu đồng trên cùng một diện tích đất so với trồng rau thủ công trước đây).

Anh Trần Đình Vượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình cho biết: “Trước khi thành lập, tôi đã gửi mẫu nước, đất, phân bón sản phẩm rau về cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được phân tích chất lượng. Kết quả, các mẫu đều bảo đảm sạch, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận rau VietGAP. Mô hình được lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh và huyện Tam Đường đánh giá hình thức canh tác mới, có triển vọng trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá công nghệ cao. Hiện nay, có 6 tiểu thương đến liên kết, đặt mua toàn bộ sản phẩm rau sạch với giá ổn định, cung cấp cho thị trường thành phố Lai Châu, huyện Tân Uyên và thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Theo anh Nguyễn Duy Đức - thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình, trước đây, gia đình khó khăn trong sản xuất rau, nhất là mùa mưa thường bị úng, thối thân, lá. Mùa mưa năm nay, gia đình anh gieo trồng rau cải, hành, mùi, cà chua trong nhà màng, tỷ lệ nảy mầm đạt cao, chất lượng, mẫu mã, sản phẩm đẹp, thu nhập cao.

Hơn 10 năm, chị Trần Thị Loan ở bản Tân Bình duy trì công việc đến các hộ dân trong bản, trong xã thu mua nông sản, đặc biệt là rau xanh để bán tại chợ trung tâm huyện Tân Uyên. Thời gian gần đây, chị nhập rau của Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình bởi tươi, non, chất lượng tốt. Mùa mưa, chị vẫn có đủ các loại rau để bán hằng ngày. Chị Loan tâm sự: “Mỗi ngày, tôi nhập trên 100kg rau, củ, quả của tổ hợp tác để cung cấp cho thị trường huyện Tân Uyên. Rau sản xuất đảm bảo sạch, an toàn, được khách hàng ưa chuộng”.

Anh Nguyễn Xuân Trịnh - Trưởng bản Tân Bình khẳng định: “Thời gian qua, thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP Tân Bình thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy trình từ tưới nước, theo dõi, phòng ngừa sâu bệnh. Chủ động nhân rộng, phát triển đa dạng sản phẩm rau xanh, trong đó liên kết với tư thương để mở rộng thị trường tiêu thụ; tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh tổ chức, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu rau an toàn. Nhờ đó, chất lượng, sản lượng rau ngày càng được nâng lên, hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Mặc dù, đạt hiệu quả bước đầu, tuy nhiên, tổ hợp tác mong muốn các cấp, ngành, địa phương tổ chức tập huấn nâng cao trình độ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho các thành viên. Đồng thời, triển khai cho vay vốn quỹ Hỗ trợ nông dân; kết nối, lồng ghép nguồn lực hỗ trợ, đồng hành cùng tổ hợp tác đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm diện tích nhà màng và hệ thống tưới nước tự động.

Nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân

VietGAP là viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices, có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 28/1/2008. Theo đó, VietGAP bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình, HTX sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Góp phần dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Ông Tống Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Việc sản xuất nông nghiệp hướng VietGAP giúp người dân tiết kiệm được chi phí vật tư đầu vào do việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách), chỉ được sử dụng các phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Vì thế, hạn chế được thiệt hại cho người dân do sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng... Đối với người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

Sản xuất theo mô hình VietGAP còn tạo năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự sáng tạo, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đưa sản phẩm “sạch” vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh; thuận lợi trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giá trị bền vững với các đối tác lớn; hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho đơn vị sản xuất; tạo công ăn, việc làm ổn định cho lao động nông thôn.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp VietGAP ở cả 3 ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản. Điển hình như gia đình anh Mùa A Páo ở bản Hô Ta (xã Tà Mung, huyện Than Uyên) trồng 7.000m2 chè từ năm 2017, sau 3 năm chăm sóc, chè bắt đầu cho thu hoạch; sản lượng tăng theo từng năm. Tuy nhiên, do chủ quan ít đầu tư phân bón nên năng suất chè không cao, mỗi tháng chỉ thu về được 2 triệu đồng từ bán búp chè tươi. Cuối năm 2023, được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, vận động, gia đình anh Páo tích cực chăm sóc chè theo hướng VietGAP. Kết quả năng suất, sản lượng búp chè tăng; giá trị kinh tế gấp 3 lần so với phương thức canh tác truyền thống.

Anh Páo phấn khởi chia sẻ: Chè của gia đình tôi và các nhóm hộ trong bản được công nhận đạt chuẩn VietGAP vào đầu năm 2024. Từ khi chuyển sang mô hình này, gia đình rất vui, mỗi tháng thu về hơn 11 triệu đồng (trừ chi phí). Hằng tháng, có cán bộ xã, huyện xuống thăm, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng bệnh, thu hái sao cho đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, khi tham gia mô hình này, gia đình được hỗ trợ thuốc sinh học, một phần phân bón, nhất là yên tâm đầu ra ổn định, có các công ty vào liên kết bao tiêu. Để cây chè cho năng suất cao, gia đình bón thêm phân hữu cơ, đạm; tuân thủ kỹ thuật hái 1 tôm 2 lá. Nhờ có tiền từ cây chè mà gia đình mua sắm được máy cày, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; mua thêm tủ lạnh để kinh doanh.

Hiện, Lai Châu có 13 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích trên 112ha (64ha lúa, 10,5ha chè và 12,3ha rau quả các loại, 25,3ha cây ăn quả); 3 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP; 2 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP. Tiêu biểu như: Tổ hợp tác sản xuất lúa và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica bản Ngà (xã Mường Than, huyện Than Uyên); Tổ hợp tác sản xuất Lê VietGAP Nùng Nàng (huyện Tam Đường); Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa (huyện Tân Uyên)… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 cơ sở trồng trọt được chứng nhận hữu cơ với 25,6ha (chè 23,6ha, sâm 2ha); 1 cơ sở trồng trọt được chứng nhận tiêu chuẩn RA với 125,57ha chè.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, giá bán sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn 10-20% so với sản xuất thông thường. Đặc biệt, các sản phẩm luôn có thị trường tiêu thụ lớn không chỉ ở trong tỉnh mà còn được người tiêu dùng các tỉnh, thành khác yêu thích, như: cá hồi, cá tầm, gạo séng cù, nếp Tan Pỏm, mật ong Thanh Xuân, bưởi da xanh, măng tây…

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ, tổ hợp tác, HTX, công ty nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng hành cùng người dân, tổ chức trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

 
Nguồn bài viết: baolaichau.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1