image banner
Cà Mau: Tích cực xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Lượt xem: 977
(Cổng ĐT HND)- Những năm qua, Hội ND tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp “Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu” đạt kết quả tích cực.
 
Anh-tin-bai
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh do Hội thực hiện mang lại hiệu quả sản xuất khá cao cả về năng suất, chất lượng và tính ổn định. 

 

 

Các cấp Hội đã tập trung thực hiện Chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể, chuyển đổi số; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)... Qua đó, Hội ND các cấp đăng ký cụ thể mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để nhân rộng trên các lĩnh vực.

 

 

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Hội thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, hiện đang phát triển khá tốt, hiệu quả sản xuất khá cao cả về năng suất, chất lượng và tính ổn định. Năng suất bình quân đạt từ 40 - 50 tấn/ha/năm, chi phí trung bình 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình 350 triệu đồng/ha/năm.

 

 

Điển hình như ông Nguyễn Thanh Bá- ấp Nam Chánh, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi đã mạnh dạn thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 03 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn nước và an toàn sinh học.

 

 

Với diện tích canh tác khoảng 1,3ha, ông Bá đã quy hoạch thành 3 ao nuôi, 4 ao lắng và hệ thống xử lý nước thải. Trong quá trình nuôi, sau khi được lọc phần phân tôm, nước thải sẽ đến ao lọc sinh học có chứa các lợi khuẩn xử lý nước. Sau đó, nước thải chảy qua ao rong mền đến ao rong câu và nước thải được xử lý sẽ được cấp lại ao nuôi. Vòng tuần hoàn nước cứ lặp đi lặp lại 24h/ngày không dừng. Do kiểm soát tốt nguồn nước, trong quá trình nuôi tôm ít sử dụng kháng sinh, hóa chất nên tiết kiệm được chi phí xử lý nước.

 

 

Giai đoạn 1, tôm giống khi bắt về thả vào ao ương khoảng 20 - 25 ngày thì ông chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2. Trong thời gian này, theo dõi sinh trưởng tôm đạt kích cỡ theo tiêu chuẩn thì ông chuyển sang nuôi giai đoạn 3 để nuôi thương phẩm cho đến khi thu hoạch. Khi tôm được 60 ngày tuổi, sẽ đạt trọng lượng từ 70 – 75 con/kg là đạt yêu cầu. Bước đầu thấy tôm phát triển tốt, ngoài ra ông có thể giảm chi phí khoảng 100 triệu/vụ nuôi so với cách nuôi cũ.

 

 

Hay mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến cho năng suất tăng gấp đôi so với quảng canh truyền thống, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng tôm sú của tỉnh, tạo lợi thế lớn trên thị trường thế giới. Trung bình chi phí sản xuất 40 triệu đồng ha/năm, lợi nhuận trung bình 60 triệu đồng/ha/năm.

 

 

Ông Trương Văn Phúc ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt (huyện Ðầm Dơi) nuôi tôm quảng canh cải tiến hơn 9 năm nay. Với gần 4 ha, ông bơm nước vào ao chứa riêng và đánh vi sinh trước khi bơm vào vuông nuôi tôm. Mỗi tháng ông sử dụng vi sinh 2 lần, giúp giải quyết môi trường nước, tạo thức ăn tự nhiên cho tôm. Bình quân 2 tháng thả tôm 1 lần, 50 ngàn con giống. Mỗi tháng ông đặt lú bắt tôm vào 2 con nước, trung bình 60 kg tôm, tôm đạt trọng lượng từ 25-30 con/kg mang lại lợi nhuận cao.

 

 

Hiện xã Tân Duyệt có hơn 1.100 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, chiếm 25% diện tích nuôi thuỷ sản của xã. Năm 2023, xã Tân Duyệt nhân rộng được 260 ha, với 40 hộ tham gia thực hiện.

 

 

Riêng tôm nuôi quảng canh cải tiến 2 giai đoạn có 194 ha, chiếm hơn 16% tổng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến. Hiện mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn ứng dụng chế phẩm sinh học trở thành hướng sản xuất chủ đạo trong nuôi thuỷ sản của xã, do tỷ lệ thành công khá cao so với nuôi tôm quảng canh truyền thống. Theo kế hoạch, năm 2024, xã sẽ nhân rộng, phấn đấu đạt tổng diện tích mô hình quảng canh cải tiến và quảng canh cải tiến 2 giai đoạn lên 360 ha.

 

 

Trong lĩnh vực trồng trọt, mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích sản xuất đến nay đạt 802 ha. Trung bình chi phí sản xuất 10 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận trung bình 25 triệu đồng/ha/vụ. Hay mô hình sản xuất lúa an toàn, năng suất bình quân từ 5,5-6 tấn/ha, trung bình chi phí sản xuất 10 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận trung bình 15 triệu đồng/ha/vụ.

 

 

Mô hình tổng hợp có mô hình luân canh lúa – tôm, sản xuất tổng hợp có hiệu quả đang được nhân rộng. Chi phí sản xuất lúa 12 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ lúa trung bình khoảng 18 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ thủy sản khác (tôm sú, tôm càng xanh, cua,… ) khoảng 60 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận trung bình khoảng 78 triệu đồng/ha.

 

 

Vụ lúa - tôm năm 2020, 20 hộ nông dân ấp 18, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) đã triển khai thí điểm sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích trên 20ha. Vụ lúa - tôm 2023, ấp triển khai thêm 48ha với 52 hộ dân tham gia trồng lúa hữu cơ với giống lúa ST24. Những năm gần đây, vào vụ lúa lượng mưa nhiều, nước trong vuông tôm bị lợ, ngọt hoá nên bà con nông dân xã Nguyễn Phích chuyển đổi từ nuôi tôm sú, tôm thẻ sang nuôi tôm càng trái vụ. Đợi đến mùa nước mặn thì bà con quay lại thả tôm sú. Theo hướng này, bà con nông dân có thu nhập ổn định. Sau 3 năm triển khai trồng lúa hữu cơ, nuôi tôm sạch, nhiều hộ dân đã thấy được hiệu quả thiết thực, đặc biệt giống lúa mới thích nghi tốt với vùng đất mặn nên đã xin tham gia sản xuất.

 

 

Mô hình tôm sinh thái dưới tán rừng là mô hình nuôi tôm bền vững cho năng suất đạt 250 - 350 kg/ha. Chi phí sản xuất tôm khoảng 30 triệu đồng ha/năm, lợi nhuận trung bình 70 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra còn xen canh cua, năng suất khoảng 180 kg/ha, lợi nhuận trung bình khoảng 50 triệu đồng/ha/năm.

 

 

Trong quá trình nuôi, bà con không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi và sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên, giúp tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Từ đó, giảm chất thải phát sinh, giúp môi trường nuôi ít bị ô nhiễm, hạn chế tỷ lệ rủi ro và giảm được chi phí đầu vào cho người nuôi.

 

 

Đến nay, Cà Mau có khoảng 39.500 ha nuôi tôm dưới tán rừng, tập trung ở các huyện Ngọc Hiển 22.870 ha, Năm Căn 7.625 ha, Đầm Dơi 5.000 ha và Phú Tân 4.000 ha. Trong đó, có khoảng 19.000 ha, với gần 4.200 hộ nuôi tôm đã đạt các chứng nhận quốc tế.

 

 

Ông Ngô Văn Tiền - ấp Gò Công Đông, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân) đã thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trên 25 năm với hơn 5ha đất rừng được giao khoán. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận của gia đình từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Đối với rừng phải trồng từ 20 năm trở lên mới được phép khai thác. Lần khai thác gần đây nhất của gia đình ông là năm 2018, với diện tích rừng đến độ tuổi khai thác chiếm 50% tổng diện tích, cho thu nhập hơn 40 triệu đồng.

 

 

Thời gian tới, các cấp Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, vai trò của rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; phát động trồng cây ven sông, kênh rạch, nhằm phòng, tránh nguy cơ sạt lở bờ sông. Đồng thời, vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư các chương trình, dự án liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, để từng bước phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Minh Phúc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1