image banner
Hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản
Lượt xem: 196
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ đầu mối. Đồng thời, tích cực tổ chức, tham gia Festival, hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại để hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân.
Anh-tin-bai

Các cửa hàng nông sản an toàn do Hội quản lý đều chấp hành tốt quy định của các ngành chức năng.

 

 

Tại Ninh Bình, sau 7 năm triển khai và thực hiện Đề án “Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”, từ hiệu quả 2 cửa hàng nông sản an toàn Sông Vân - phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình và cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp - xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình duy trì hoạt động 35 cửa hàng nông sản an toàn. Đặc biệt, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Hội ND thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình khai trương cửa hàng nông sản an toàn Ninh Bình tại thủ đô Hà Nội và tại tỉnh Hòa Bình.

 

 

Các cửa hàng nông sản an toàn do Hội quản lý đều chấp hành tốt quy định của các ngành chức năng, có thiết bị test nhanh sản phẩm khi có yêu cầu của khách hàng. Đặc biệt, Hội ND tỉnh đã phối hợp Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước giới thiệu và bán nông sản an toàn của các địa phương như: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai... Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn của Hội là địa chỉ quen thuộc của nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã và người nội trợ. Đặc biệt, tại các hội nghị lớn của tỉnh và các bếp ăn tập thể của các cơ quan, trường học luôn nhập nông sản an toàn của các cửa hàng nông sản an toàn để chế biến thức ăn.

 

 

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống túi nilon và rác thải nhựa, Hội ND tỉnh đã xây dựng Đề án “Tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần giai đoạn 2020 – 2025” và trực tiếp gắn biển “Điểm bán hàng hạn chế túi nilon và đồ nhựa dùng một lần” tại các cửa hàng nông sản an toàn. Hội ND các huyện, thành phố gắn biển điểm bán hàng hạn chế sử dụng túi nilon tại 25/35 cửa hàng nông sản an toàn, nhằm vận động người tiêu dùng hạn chế túi nilon và đồ nhựa một lần trong sinh hoạt hằng ngày.

 

 

Các cấp Hội còn hỗ trợ cửa hàng trang trí, băngzon, tít chữ với những khẩu hiệu thiết thực như: “Tôi không dùng túi ni lông – còn bạn?”; “Sống thân thiện với môi trường là sống tốt cho mình”; “Vì một điểm du lịch không có rác”…. Đồng thời hỗ trợ cửa hàng túi sinh học tự phân hủy, túi vải, túi giấy thay thế túi nilon để người tiêu dùng sử dụng. Đây là hoạt động thiết thực được đông đảo chủ cửa hàng nông sản an toàn hưởng ứng tham gia. Khách hàng đến mua đều rất hài lòng với sự thay đổi thân thiện với môi trường mà chuỗi cửa hàng nông sản an toàn đang triển khai.

 

 

Tại Hà Tĩnh, để tiêu thụ nông sản cho hội viên, Hội đã thành lập mới 26 cửa hàng nông sản an toàn trong tỉnh, mở 4 điểm kết nối tiêu thụ nông sản ngoài tỉnh theo mùa vụ; quảng bá, kết nối tiêu thụ trên 2.500 tấn nông sản trong và ngoài tỉnh; thông qua các Siêu thị và xây dựng các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn, Sendo.vn, Hatiplaza.com. Đồng thời, xây dựng Fanpage bán hàng trên mạng xã hội Zalo, Facebook...; xây dựng website xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, mở các điểm giới thiệu sản phẩm lưu động và tại các điểm du lịch.

 

 

Tại Đắk Lắk, Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại tại tỉnh; tổ chức cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ nông nghiệp trong nước. Ngay từ trước khi vào vụ thu hoạch nông sản chủ lực của tỉnh, Hội ND tỉnh đã lập bảng tổng hợp các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ vườn lớn với thông tin về sản lượng, giá dự kiến,… để chuyển cho các doanh nghiệp có nhu cầu thu mua, đồng thời chuyển thông tin về nhu cầu thu mua của doanh nghiệp đến nông dân để hai bên chủ động liên hệ, giao dịch, góp phần tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn nông sản cho hội viên, nông dân.

 

 

Đặc biệt, để chủ động hỗ trợ nông dân trong kết nối tiêu thụ nông sản, Hội ND tỉnh đã thành lập Chợ Nông sản Đắk Lắk online tại trang thương mại điện tử Chonongsandaklak.vn. Định kỳ hàng năm tổ chức “Tuần lễ giới thiệu, tiêu thụ nông sản tiêu biểu tỉnh Đắk Lắk”.

 

 

Tại Bình Phước, hàng năm, Hội tổ chức Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh với quy mô trên 300 gian hàng, được tỉnh chọn là hoạt động truyền thống của tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ trên 500 lượt nông dân giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, festival nông nghiệp, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh.

 

 

Hội còn phát huy các nhãn hiệu hồ tiêu tập thể huyện Lộc Ninh, chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước, nhãn da bò và gà thả vườn Thanh Lương... Nhiều sản phẩm được Trung ương Hội chọn, tôn vinh như: Hạt điều rang muối, mật ong, sầu riêng, bưởi, bơ sáp… là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Đặc biệt, Hội đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức bình xét và công nhận 41 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu của tỉnh; ký Chương trình phối hợp, hợp tác với Hội ND các tỉnh, thành phố giúp quảng bá đặc sản vùng miền, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

 

 

Triển khai Chương trình phối hợp với Bưu điện, các Sàn thương mại điện tử tổ chức các hoạt động tập huấn, hỗ trợ nông dân giới thiệu sản phẩm nông sản trên sàn, giúp nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua giao dịch thương mại điện tử. Bước đầu nông dân đã quan tâm, thường xuyên đăng tải các thông tin về quá trình sản xuất lên mạng xã hội, nhiều nông dân đã thành công khi trực tiếp livestream bán sản phẩm trên mạng xã hội.

 

 

Tại Bạc Liêu, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở Hội, các tổ nhóm (Tổ hợp tác sản xuất, chi Hội, tổ Hội ND nghề nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô diện tích sản xuất vừa và lớn… ) tham gia các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa do tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực tổ chức; phối hợp giới thiệu trên 400 sản phẩm trên Sàn giao dịch thương mại điện tử; phối hợp lồng ghép tổ chức trên 30 lớp tập huấn triển khai kế hoạch về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và kết nối tiêu thụ nông sản, 10 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, xúc tiến thương mại; khai thác điểm kết nối tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân để mở rộng thị trường đưa sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống... đến tận tay nông dân.

 

 

Hội ND tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh ký kết kế hoạch “Thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”. Đến nay, Hội đã phối hợp giới thiệu hỗ trợ các Hợp tác xã của tỉnh tiêu thụ nông sản hàng hóa như: Rau, củ các loại, tôm sú, thẻ; giới thiệu, kết nối tiêu thụ trên 02 tấn dưa lưới và 118 kg cà chua bi trồng thử nghiệm trong nhà màng tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân; giới thiệu, kết nối 129 sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

 

 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ Hội trong việc tư vấn cho hội viên, nông dân cách thức lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính, đàm phán, thương thảo hợp đồng, quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu, marketing sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với chính quyền và các sở, ngành thực hiện việc đa dạng hóa hình thức tiếp cận thị trường và giới thiệu sản phẩm nông sản; tăng cường liên kết hợp tác với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, khu du lịch nhằm nhân rộng các mô hình liên kết, hợp đồng, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao…

Trọng Ân
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1