image banner
Phát triển kinh tế tập thể mang lại hiệu quả tại xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị ​
Lượt xem: 252
 (Cổng ĐT HND) – HTX Nông sản hữu cơ Gio Mỹ được thành lập năm 2024, tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp Tác xã năm 2023, tổ chức tiền thân có tên HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị được thành lập từ năm 2017 với 43 thành viên.
Anh-tin-bai

Máy xay xát gạo được đầu tư tại xưởng sản xuất của HTX Nông sản hữu cơ Gio Mỹ

 

Sinh ra, lớn lên ở vùng đất Gio Mỹ, ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Nông sản hữu cơ Gio Mỹ gắn bó với nghề trồng lúa lâu đời, ông Giang đã mạnh dạn thay đổi các khâu xây dựng các mô hình, kinh doanh dịch vụ đến liên doanh liên kết, bao tiêu sản phẩm. Điển hình như mô hình cánh đồng sản xuất thông minh thích ứng với biển đổi khí hậu (CSA) với phương thức gieo lúa sạ hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất lúa đạt 56 tạ/ha (sản xuất theo cách thức truyền thống chỉ đạt 50 tạ/ ha); mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện tích 25 ha; mô hình trồng lúa cực ngắn để vượt lũ với diện tích 5 ha; mô hình làm giống khảo nghiệm cho Trung tâm giống Quảng Trị với 2 ha.

 

Đặc biệt, HTX đã vận động bà con thành viên thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp; tu sửa hệ thống giao thông, thủy lợi để thuận lợi trong đầu tư thâm canh; kết hợp sáng tạo chính sách thu hồi công nợ gắn với lồng ghép khuyến khích, động viên trong thanh toán của các thành viên.

 

Hiệu quả hoạt động của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị thể hiện qua tăng doanh thu từng năm. Từ dưới mức 200 triệu đồng (năm 2016), thu nhập của các thành viên thấp, tăng lên 2,874 tỷ đồng, lợi nhuận 190 triệu đồng (năm 2018) và doanh thu (năm 2023) đạt 3,126 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 242 triệu đồng. Thu nhập của các thành viên được nâng cao, đời sống ổn định, nguồn vốn HTX tích lũy lớn đã tác động tích cực đến xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

Với những thành tích đạt được trong nhiều năm liền, ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Thị được Chủ tịch UBND huyện Gio Linh tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong công tác sản xuất nông nghiệp (năm 2017) và Giấy khen về thành tích trong 10 năm thực hiện Chương trình quốc tế xây dựng nông thôn mới của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (năm 2019). Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 13/NQTW Đảng về đổi mới và phát triển kinh tế tập thể (năm 2021) và nhiều Giấy khen của các ngành, các cấp trong tỉnh.

 

Theo quy định của Luật HTX mới và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, xu hướng liên kết hợp tác phát triển kinh tế tập thể nên UBND xã Gio Mỹ nhân rộng mô hình và lấy tên HTX Nông sản hữu cơ Gio Mỹ. Bộ máy tổ chức được kiện toàn, nguyên tắc hoạt động đảm bảo, Ban Giám đốc gồm 03 đồng chí với 69 thành viên sinh sống tại 03 thôn (Phước Thị, Cẩm Phổ, An Mỹ), hệ thống nhà xưởng được đầu tư theo quy mô khép kín, diện tích canh tác từ 25 ha đến nay mở rộng lên 50 ha, tiếp tục canh tác các giống lúa ST24, ST25 theo hướng hữu cơ an toàn cho người tiêu dùng. Năng suất lúa bình quân ước đạt 65 tạ/ha. Qua hơn 14 vụ sản xuất lúa hữu cơ với phương thức canh tác không dùng thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân được rất nhiều cái lợi. Đó là họ không phải lo tìm đầu ra sản phẩm vì đã có doanh nghiệp thu mua tận nơi, phương thức canh tác hữu cơ góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng, cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe cho chính người dân, mang lại hiệu quả kinh tế gấp 2,1 lần so với sản xuất lúa truyền thống.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, điểm vượt trội của giống lúa hữu cơ ST24, ST25 là khả năng chống chịu sâu bệnh cao hơn, sản phẩm gạo làm ra an toàn tuyệt đối, nói không với các hóa chất trong trồng, chăm sóc và thu hoạch. Đặc biệt, theo thị hiếu người tiêu dùng, người dân canh tác lúa, thì ST24, ST25 được mệnh danh là giống lúa cho hạt gạo ngon nhất thế giới hiện nay bởi hạt cơm ngọt, thơm, dẻo, mềm, dù không thay đổi kích thước nhiều sau khi nấu chín và có giá trị kinh tế cao. Với diện tích canh tác của HTX 50 ha, mỗi vụ đạt sản lượng khoảng 300 - 320 tấn/vụ, hiện tại lúa vụ Hè Thu trên địa bàn xã đang phát triển tốt, lúa vào độ chín vàng trên cánh đồng, sắp thu hoạch nên nông dân, thành viên HTX rất phấn khởi.

 

Với phương châm hoạt động cốt lõi được xác định “Tất cả vì lợi ích phát triển kinh tế, tăng thu nhập của các thành viên HTX”, vào thời điểm gieo trồng HTX hỗ trợ trong khâu làm đất, vụ thu hoạch hỗ trợ thành viên trong gặt hái, sấy lúa nếu gặp mưa kéo dài, HTX thu mua lúa tươi tại ruộng giá 9.000 đồng/kg, giá lúa khô 11.000 đồng/kg. Về sản xuất và chế biến, sử dụng công nghệ máy móc tại HTX, từ xay xát đến đóng gói và tiêu thụ sản phẩm gạo ra thị trường trong và ngoài tỉnh qua các đầu mối sỉ tại (TP Hà Nội, Sài Gòn, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng…)

 

Hệ thống nhà xưởng của HTX được xây dựng trên quy mô 2500m2 với hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động gồm 01 máy gặt, 01 máy cày xới, 01 máy cuốn rơm, 01 máy xay xát gạo, 01 máy xay xát bột, 01 máy ép củi trấu, 02 máy đóng bao bì hút chân không, 02 máy khâu, 02 máy phun thuốc không người lái, 01 lò sấy lúa, sân phơi… tổng trị giá đầu tư 8,7 tỷ đồng (Ngân hàng thế giới, Chính phủ Việt Nam đầu tư theo chương trình FMCR hiện đại hóa ngành nông nghiệp của tỉnh) và 500 triệu đồng vốn điều lệ của các thành viên đóng góp.

 

Thời gian tới, Giám đốc HTX, ông Nguyễn Giang cho biết: Để duy trì và tạo đà phát triển bền vững, HTX sẽ liên kết, mở rộng trong phối hợp với các Công ty, doanh nghiệp cung ứng về phân bón, giống, hướng dẫn KHKT, cuối vụ thu mua bao tiêu sản phẩm, tạo sự yên tâm, ổn định cho các thành viên phát triển sản xuất, gắn bó lâu dài với HTX.

 

Ngọc Nhân
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1