image banner
Vận động hội viên, nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Lượt xem: 174
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường cho trên 1,2 triệu hội viên; xây dựng và duy trì hàng trăm “Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông”, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động trên 5 triệu hội viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Anh-tin-bai

 Các cấp Hội đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị, sản xuất hàng hóa nông sản có tính cạnh tranh trong hội nhập, an toàn thực phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

 

 

Điển hình như tỉnh Lào Cai có 163 sản phẩm OCOP hòa quyện bản sắc văn hóa bản địa của cộng đồng 25 dân tộc. Hội ND tỉnh đã xây dựng trang Fanpage ”Sản phẩm của nông dân Lào Cai” để quảng bá, giới thiệu 163 sản phẩm OCOP của tỉnh lên không gian mạng và phối hợp với Bưu điện tỉnh Lào Cai, Viettel đưa các sản phẩm nông nghiệp này lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Vỏ Sò… nhằm kết nối, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn.

 

 

Hội còn tổ chức 09 lớp tập huấn nâng cao kiến thức chuyển đổi số trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản; nâng cao nhận thức, kỹ năng về xây dựng kênh chuẩn SEO trên các nền tảng bán hàng điện tử; định hướng nội dung xây kênh quảng bá sản phẩm để quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng, thế mạnh của địa phương trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tik Tok shop. Đồng thời, thực hành livestream bán sản phẩm cho 360 học viên là hội viên, nông dân, đại diện các doanh nghiệp, HTX có sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông lâm sản khác.

 

 

Toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 630 ha nông nghiệp áp dụng công nghệ thông minh, công nghệ số, trong đó, hơn 47.500 ha áp dụng kỹ thuật tiên tiến tiết kiệm nước (chủ yếu là công nghệ của Pháp, Ý, Israel), trên 50 ha thủy canh hồi lưu, 180 ha nhà kính nhập khẩu với công nghệ hiện đại tích hợp được các công nghệ thông minh trên thế giới có giá trị đầu tư lên đến 1 triệu USD/ha; 1.000 ha sản xuất rau, hoa trên giá thể.

 

 

Khâu gieo ươm giống rau, hoa đã được cơ giới hóa từ khâu rửa vỉ, đóng giá thể và gieo hạt bằng máy cho năng suất lao động tăng gấp 3 - 7 lần so với làm thủ công. Công nghệ màng PE 3 - 5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi và độ bền cao (5 - 7 năm) giúp đảm bảo an toàn cho nông dân…

 

 

Toàn tỉnh có 14  doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trên 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 9 vùng được công nhận đạt tiêu chí vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tổng diện tích áp dụng VietGAP, GlobalGAP... trên 7.560 ha, 1.415 ha sản xuất áp dụng hữu cơ.

 

 

Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học (nhất là lĩnh vực invitro), toàn tỉnh có 56 cơ sở nuôi cấy mô rau, hoa, nấm (trên 636 box cấy)... mỗi năm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 72 triệu cây giống cấy mô các loại.

 

 

Hàng năm, Hội ND các cấp phối hợp cùng hệ thống Khuyến nông và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, biện pháp canh tác phù hợp với từng loại cây trồng và từng vùng sinh thái; các phương pháp phòng chống dịch bệnh... cho 130.000 – 150.000 lượt hội viên, nông dân.

 

 

Hiệu quả của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh đã góp phần đưa giá trị sản xuất bình quân trên 1 đơn vị diện tích toàn tỉnh đạt bình quân 234 triệu đồng/ha, trong đó sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân trên 463 triệu đồng/ha (sản xuất rau đạt trên 2 tỷ đồng, sản xuất hoa đạt từ 3 – 4 tỷ đồng/ha); tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh chiếm 45% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.

 

 

Tại thành phố Cần Thơ, Hội phối hợp với Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức 54 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt, trồng cây thanh long ruột đỏ, trồng dừa xiêm lùn, mãng cầu, vú sữa, hoa kiểng, phòng trừ dịch hại cây nhãn tiêu, kỹ thuật cải tạo vườn tạp... cho 1.892 lượt hội viên, nông dân; 2 lớp tập huấn kỹ năng sử dụng máy vi tính, truy cập Internet cho 110 học viên; 20 lớp bồi dưỡng kiến thức về Luật Sở hữu trí tuệ cho 1.248 cán bộ Hội; 4 lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông thông tin cho 120 học viên; 02 lớp tập huấn về khai thác cơ sở dữ liệu của Sở Khoa học và Công nghệ cho 180 cán bộ, hội viên, nông dân; 3 lớp tập huấn về đăng ký và khai thác tài sản trí tuệ cho 95 cán bộ, hội viên, nông dân; 03 hội thảo ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho 253 cán bộ, hội viên, nông dân.

 

 

Hội ND thành phố phối hợp với Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đưa 30 thành viên (trong đó có 14 hội viên, nông dân trên địa bàn thành phố) sang Hàn Quốc tham dự lớp tập huấn đào tạo kỹ thuật viên bảo trì sửa chữa máy nông nghiệp trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại thành phố Cần Thơ”. Hiện nay hội viên, nông dân các quận, huyện thuê 86 máy nông nghiệp do Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc quản lý để phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

 

 

Năm năm qua (2018 - 2023), các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ khoa học và chuyển đổi số như: Xây dựng mới 366 mô hình sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể và nhân rộng một số mô hình có hiệu quả hiện có. Điển hình như: Mô hình sử dụng hệ thống tưới tự động của ông Cao Phát Triển (phường Thới An, quận Ô Môn) đã được nhân rộng các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ và một số tỉnh lân cận; mô hình trồng rau thủy canh kết hợp của ông Nguyễn Văn Phong (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy); mô hình nuôi cá bè kết hợp du lịch và chế biến sản phẩm từ cá của ông Lý Văn Bon (phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy); mô hình trồng thanh nhãn của ông Lâm Văn Tính (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) có giá trị cao; mô hình nông nghiệp sinh thái của ông Trần Văn Liềng (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền); mô hình du lịch sinh thái của ông Đặng Văn Công (Ba Cóng) tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy được rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan...

 

 

Một số mô hình sản xuất tiếp cận Nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như: Mô hình trồng rau an toàn kết hợp dịch vụ trải nghiệm, ẩm thực tại Cần Thơ Farm với diện tích khoảng 8.000m2 sản xuất nhiều chủng loại rau sạch, ứng dụng công nghệ tưới phun tự động tiết kiệm nước kết hợp tham quan trải nghiệm và dịch vụ ẩm thực. Ngoài ra, trong trang trại có khoảng 2.000m2 trồng dưa lưới và mô hình dịch vụ “vườn rau nhà tôi”, khách tham quan có thể đặt mua 1-2 lô, mỗi lô 1m2 để trồng loại rau mình thích, khách có thể nhờ nhân viên chăm sóc, đến khi thu hoạch mang về.

 

 

Hay như mô hình điều khiến hệ thống tưới nước, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên vườn cây ăn trái của ông Cao Phát Triển ở phường Thới An, quận Ô Môn. Ông đã ứng dụng công nghệ viễn thông, lắp đặt hệ thống tưới, hệ thống phun thuốc cho vườn cây ăn trái điều khiển từ xa bằng điện thoại smartphone góp phần thay thế phần lớn lượng nhân công, rút ngắn thời gian tưới, giảm chi phí trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cho nông hộ và xã hội. Với diện tích 01 ha, sau khi lắp đặt hệ thống tưới, mỗi lần tưới khoảng 10 phút, chi phí tiền điện chưa tới 10.000 đồng, tiết kiệm rất nhiều so với việc sử dụng máy phun. Mô hình này đã được hàng trăm hội viên, nông dân thành phố Cần Thơ ứng dụng như: Nguyễn Hữu Truyển, Nguyễn Văn Dũng (huyện Cờ Đỏ)... mang lại lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông hộ.

 

 

Tại Vĩnh Long, đến nay, nhiều hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được ứng dụng hiệu quả. Các ngành chức năng và người dân đã chủ động, tích cực tham gia đăng tải thông tin trên sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long (https://www.nsvl.com.vn) hỗ trợ 192 sản phẩm nông dân lên sàn và 72 sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín, thu hút hơn 14 triệu lượt người truy cập, tương tác (trung bình hơn 196.000 lượt/tháng).

 

 

Các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị, sản xuất hàng hóa nông sản có tính cạnh tranh trong hội nhập, an toàn thực phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiểu biểu như: Hội viên Nguyễn Thanh Tân - xã Đồng Phú, huyện Long Hồ với mô hình nuôi lươn sinh sản, chế biến, hàng năm thu lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, anh được Trung ương Hội tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019” và tuyên dương khen thưởng “Nông dân SXKD giỏi tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022”; hội viên Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tấn Đạt - ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm với các sản phẩm gạo sạch hữu cơ đã được Trung ương Hội ND Việt Nam tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam Xuất sắc 2020”, danh hiệu “Nhà Khoa học của Nhà nông năm 2021” và tuyên dương khen thưởng “Nông dân SXKD giỏi tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022”; hội viên Nguyễn Văn Thành- xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn với mô hình trồng cam sành trên đất lúa trên diện tích 6,7 ha, hàng năm lợi nhuận trên 2 tỷ đồng đã được Trung ương Hội ND Việt Nam tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”; hội viên Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Thới - ấp Vĩnh Thuận, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo kết hợp sản xuất phân hữu cơ, hàng năm lợi nhuận 1,5 tỷ đồng đã được Trung ương Hội ND Việt Nam tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nhà Khoa học của nhà nông năm 2020” và tuyên dương khen thưởng “Nông dân SXKD giỏi tiêu biểu toàn quốc nông dân SXKD giỏi giai đoạn 2017 – 2022”.

 

 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống; xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số hiệu quả để nhiều nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo hội viên, nông dân tự làm chủ công nghệ ứng dụng trên chính mảnh đất của mình, đồng thời tự tin và sẵn sàng liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp; khuyến khích, động viên kịp thời các hoạt động sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học của hội viên, nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp…

Minh Tuấn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1