image banner
Nam Định: Tích cực triển khai hiệu quả các phong trào thi đua
Lượt xem: 38
(Cổng ĐT HND) – Xác định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là động lực thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giúp hội viên hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa phong trào cũng như quy định, tiêu chuẩn hộ SXKD giỏi để đăng ký, phấn đấu... Qua đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, nghị lực vượt khó vươn lên của nông dân toàn tỉnh.
Anh-tin-bai

Ảnh minh họa

Nhằm đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tích cực triển khai Quyết định số 181-QĐ/HNDTW của Ban Thường vụ TW Hội Nông dân Việt Nam về việc ban hành quy định công nhận danh hiệu hộ Sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tới các cấp Hội đồng thời tổ chức phát động phong trào kết quả có 261.981 hộ đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Lựa chọn và đề cử 02 hội viên nông dân tiêu biểu tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024”.

 

Đồng thời chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình sản xuất của các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân tỉnh tổ chức thu hồi 04 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng với 46 hộ vay; Tổ chức giải ngân 06 dự án vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với tổng số tiền 3,3 tỷ đồng cho 66 hộ vay.

 

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nông dân Trung ương Hội tập huấn nghiệp vụ Quỹ hỗ trợ nông dân và nghiệp vụ trong việc tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho trên 800 đại biểu của 04 đơn vị huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Ý Yên.

 

Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các cấp Hội vận động nông dân tích cực thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XX).

 

Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo 100% cơ sở Hội duy trì và đảm nhận một việc làm cụ thể về xây dựng nông thôn mới nâng cao và bền vững như: xây dựng mô hình phân loại rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ tại hộ gia đình; mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; mô hình vườn kiểu mẫu… Đồng thời tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại xã Nam Lợi, huyện Nam Trực và trồng “Hàng cây nông dân” xuân Giáp Thìn năm 2024.

 

Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức phát động trồng mới được gần 9.000 cây bóng mát trên các tuyến đường trục thôn xóm. Hội Nông dân các cơ sở tiếp tục chăm sóc 209 hàng cây nông dân đã trồng năm 2023. Góp phần tạo không gian xanh, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

 

Các cấp Hội tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho gần 2.024 cán bộ, hội viên, nông dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024.

 

Tiếp tục nhân rộng mô hình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”, các cấp Hội đã triển khai tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hội gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn.

 

Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại xã Trực Thắng, huyện Trực Ninh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 100% cơ sở và 70% chi Hội đã thực hiện việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình.

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục vận động hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tính đến ngày 31/5/2024, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động 180.772 hội viên tham gia BHYT (đạt 58,7% chỉ tiêu TW Hội giao) và trên 800 hội viên nông dân tham gia BHXH thông qua kênh tổ chức Hội.

 

Từ những việc làm trên của các cấp Hội, đã góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Đến nay toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn (chiếm 96,6%) đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 34/188 xã (chiếm 18%) đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.

 

Thời gian qua, các cấp Hội luôn chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

 

Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đã chủ trì, phối hợp với 10 đơn vị sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Chủ động xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”, giai đoạn (2024-2025) trình UBND tỉnh phê duyệt.

 

Để thúc đẩy xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Các cấp Hội tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo” và Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025.

 

Các huyện, thành Hội tập trung triển khai hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 08 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 211 mô hình với trên 2.900 thành viên tham gia. Có nhiều mô hình liên kết tổ chức sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác bảo quản, tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao .

 

Nhằm tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân, các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, tập huấn cho nông dân sử dụng thiết bị điện tử, hỗ trợ đăng ký các tài khoản trên sàn thương mại điện tử để khai thác, nắm bắt, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất, thị trường thương mại điện tử, kết nối cung cầu. Chủ động phối hợp với các doanh nghiệp và nhà khoa học tổ chức các loại hình, các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với các hệ thống thương mại, hệ thống siêu thị để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

 

Ngoài ra, các cấp Hội còn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp; chuyển đổi số. Phối hợp tổ chức tập huấn, truyền thông, cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giúp hội viên nông dân có khát vọng, hoài bão, dám nghĩ, dám làm, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ số vào phát triển sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế.

 

Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 100 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 13.000 lượt hội viên, nông dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP, đưa các sản phẩm đặc trưng của Nam Định tới tay người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy mục tiêu mỗi xã một sản phẩm.

 

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ngay từ đầu năm, các cấp Hội vận động tổ chức cho 309.185  gia đình hội viên nông dân đăng ký thực hiện hộ gia đình nông dân đạt chuẩn gia đình văn hóa. Tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng khu dân cư văn hoá; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội.

 

Các cấp Hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân xây dựng lối sống lành mạnh, có lòng yêu nước, có tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức trách nhiệm tập thể; lao động chăm chỉ, sáng tạo, có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ truyền thống, chúc thọ đầu xuân, thực hiện nếp sống gia đình văn hoá trong dịp đón năm mới Giáp Thìn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.

 

Nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức thăm, tặng quà cho 4.818 hộ gia đình hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn với số tổng số tiền hơn 2,02 tỷ đồng.

 

Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với UBMT Tổ quốc tổ chức rà soát, lựa chọn hội viên nông dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà ở đã xuống cấp để hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết. Qua rà soát từ cơ sở có 53 hộ đề nghị được hỗ trợ sau khi thẩm định 10 hộ đủ điều kiện mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn xây dựng nhà Đại đoàn két do ngân hàng AGRIBANK hỗ trợ.

 

Các cấp Hội tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm. Kết quả đến nay có 175.820 hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Triển khai tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho 540 cán bộ, hội viên nông dân của tại 03 đơn vị huyện Hải Hậu, Xuân Trường và Trực Ninh.

 

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh vận động hội viên, nông dân xây dựng nông thôn mới với mục tiêu xây dựng “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cách thức tổ chức các phong trào thi đua, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, chung sức xây dựng nông thôn mới nhằm huy động hội viên, nông dân tham gia một cách chủ động, có trách nhiệm. Tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho hội viên, nông dân; đẩy mạnh vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất... góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Mai Anh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1