Thứ sáu, 31/03/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
85% lao động nông thôn có việc làm ổn định, tăng thu nhập sau khi học nghề
14:39 - 20/11/2018
(Cổng ĐT HND)- Qua 8 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp Hội Nông dân triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Việc triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các cấp Hội đã đi vào nề nếp, ổn định.
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho học sinh học lớp Thú Y. Ảnh: T.A


Trong 6 năm (2010-2015), các cấp Hội đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho 362.000 lao động nông thôn.  Trực tiếp đào tạo nghề cho 112.000 người; Phối hợp với các tổ chức khác để đào tạo nghề cho 250.000 người.

 
Trong tổng số hơn 362.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề của Hội Nông dân Việt Nam gồm có: 246.884 lao động nông thôn là nữ, chiếm 68,2%; 260.640 người học nghề nông nghiệp, chiếm 72%; 100.636 người học nghề phi nông nghiệp, chiếm 28%;  9.050 người thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và con em họ, chiếm 2,5%;  45.250 người dân tộc thiểu số, chiếm 12,5%;  51.404 người thuộc hộ nghèo, chiếm 14,2%; 6.769 người bị thu hồi đất nông nghiệp, chiếm 1,87%;  5.864 người khuyết tật, chiếm 1,62%;  26.498 người thuộc hộ cận nghèo, chiếm 7,32%;  217.165 lao động nông thôn khác, chiếm 60%.

 
Đặc biệt là, có 261.000 lao động nông thôn tiếp tục làm nghề cũ, sau khi học nghề năng suất lao động, thu nhập tăng lên (chủ yếu là những người học nghề nông nghiệp), chiếm 72,1% ; 7.746 người thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp (chủ yếu số người học nghề phi nông nghiệp), chiếm 2,14%.

 
Có 125.614 lao động nông thôn sau khi học nghề đã được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (từ cấp Hội Nông dân xã đến cấp Trung ương Hội), chiếm 34,7%.

 
Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện nội dung đào tạo nghề trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân đã triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi với sự tham gia của 35 cơ sở, tổ chức đào tạo cho gần 10 ngàn lao động nông thôn với 17 nghề và 250 mô hình hiệu quả. Đồng thời tổ chức đào tạo cho 670 người khuyết tật gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.

 
Năm 2017, các cấp Hội tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho gần 2000 người với mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế cho lao động nông thôn; đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp cho các đối tượng học nghề.

 
Qua đó, nông dân đã tăng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên để trở thành các hộ sản xuất kinh doanh khá, giỏi và hỗ trợ cho các hộ nông dân trên cùng địa bàn.

 
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hội Nông dân Việt Nam được thực hiện theo hướng gắn chặt với hoạt động tạo việc làm, do đó 85% lao động nông thôn đều có việc làm ổn định, tăng thu nhập sau khi học nghề.


Việc hỗ trợ việc làm sau khi học nghề cho lao động nông thôn được thực hiện thông qua tín chấp vay vốn tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bảo lãnh mua giống, vật tư, phân bón trả chậm, hỗ trợ thành lập các nhóm hộ nông dân theo các hình thức hợp tác, liên kết các hộ gia đình nông dân về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các nhóm truyền nghề tại chỗ theo phương thức vừa học nghề, vừa làm nghề…

 
Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Có 95% số lao động nông thôn tham gia học nghề theo mô hình đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập; một số lao động nông thôn đã mạnh dạn đầu tư để sản xuất ngành nghề, tạo việc làm cho các lao động khác. Việc triển khai các mô hình đảm bảo cơ cấu hợp lý về đào tạo nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp.

 
Ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả như: nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi đại gia súc, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, ươm giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, kỹ thuật nuôi lợn, bảo vệ thực vật, chăn nuôi trâu bò vùng núi, nuôi trồng thủy hải sản nước lợ, thú y, nghề trồng hoa cây cảnh…; các mô hình nghề phi nông nghiệp: may công nghiệp, may dân dụng, chế biến nông sản, chế biến thủy hải sản, đào tạo nghề hàn để phục vụ cho xuất khẩu lao động, cơ khí gò hàn, khai thác vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, chế biến nước mắm, sửa chữa máy nông nghiệp …

 
Bên cạnh dạy nghề, các cấp Hội còn hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho người học nghề thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân Việt Nam (tổng nguồn khoảng  trên 2.000 tỷ đồng); ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các tổ chức tín dụng theo nội dung các Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để tín chấp cho vay vốn sản xuất; phối hợp với các doanh ghiệp để bảo lãnh mua vật tư, phân bón trả chậm cho người học nghề.

 
 Mở rộng thông tin thị trường lao động thông qua việc phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm; thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người lao động nắm được những thông tin cơ bản về việc làm, học nghề.

 
Tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề tại các Trung tâm giới thiệu việc làm của Hội Nông dân cấp tỉnh. Tư vấn việc làm cho con em nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn trẻ theo hình thức hợp đồng cung ứng lao động.

 
Khuyến khích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, những người có vốn, có trình độ, có tay nghề đầu tư cơ sở sản xuất để thu hút lao động trên địa bàn; khôi phục, phát triển đầu ra cho ngành nghề truyền thống tại làng nghề địa phương ở vùng nông thôn, thu hút lực lượng lao động khi nhàn rỗi. Phối hợp với các doanh nghiệp để đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu lao động.

 
 Giai đoạn 2010 - 2015, Trung ương Hội đã tổ chức 16 đoàn công tác để kiểm tra, giám sát tại địa bàn 38 tỉnh, thành phố và 05 đoàn công tác theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện  kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án trong khuôn khổ sự phân công của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 cấp tỉnh.

 
Năm 2016 - 2017, Trung ương Hội và các cấp Hội đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại gần 20 tỉnh, thành phố, và tổ chức kiểm tra, giám sát việc nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời lồng ghép nội dung kiểm tra đào tạo nghề cho lao động nông thôn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

 
Có thể thấy, nhu cầu học nghề và số lao động nông thôn đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề của Hội đều tăng đều qua các năm; bước đầu lao động nông thôn đã có nhận thức sâu sắc hơn về học nghề để mưu sinh, để phát triển sản xuất, để tìm được việc làm, học theo nhu cầu của bản thân, gia đình và của xã hội.

 
Các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn của hệ thống Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế cho lao động nông thôn; đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp cho các đối tượng học nghề.

 
Qua đó, nông dân đã tăng quy mô sản xuất, tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên để trở thành các hộ sản xuất kinh doanh khá, giỏi và hỗ trợ cho các hộ nông dân trên cùng địa bàn; công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn của Hội Nông dân Việt Nam đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội; khẳng định Hội Nông dân Việt Nam là một lực lượng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn.

Thái Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá