 |
Lãnh đạo Hội ND tỉnh khai giảng lớp dạy nghề cho nông dân |
Hội Nông dân tỉnh đã được đầu tư xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trên diện tích hơn 5.000 m2 bao gồm: 01 tòa nhà 3 tầng với đầy đủ các phòng học lý thuyết, thực hành và phòng chức năng vào năm 2007.
Những năm qua, được sự quan tâm và tạo điều kiện của Trung ương Hội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong 05 năm qua, Trung tâm đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở NN&PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp kinh phí trên 2,5 tỷ đồng, đã tổ chức đào tạo 82 lớp sơ cấp nghề (3 tháng) và dạy nghề thường xuyên (dưới 3 tháng) cho 2.013 học viên là lao động nông thôn với các nghề chính là Kỹ thuật chăn nuôi thú y; Kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn, dê, thỏ; Kỹ thuật trồng các loại nấm ăn; Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, Kỹ thuật nuôi tôm nước lợ, Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh, May công nghiệp...
Học viên lớp may công nghiệp sau học nghề được Trung tâm giới thiệu 100% lao động có việc làm ổn định; 85% lao động nông thôn học nghề nông nghiệp đã tự tạo việc làm. Nhiều nông dân học nghề trồng và chăm sóc cây cảnh đã xin được việc làm tại Khu du lịch Laguna, nhiều nông dân học nghề chăn nuôi thú y đã trở thành thú y viên giỏi bổ sung nguồn cán bộ thú y viên cho cơ sở, nhiều nông dân đã mở rộng quy mô sản xuất gia trại, trang trại đã trở thành nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, tỉnh…
Bên cạnh việc thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, với phương châm “
Cầm tay chỉ việc”, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ban Kinh tế - Xã hội thường xuyên phối hợp tạo điều kiện cho nông dân học nghề xong có vốn để mở rộng sản xuất, thành lập các câu lạc bộ sinh vật cảnh, câu lạc bộ khuyến nông, tổ hợp tác… để nông dân trao đổi kinh nghiệm và liên kết sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, đã thành lập được trên 50 câu lạc bộ và tổ hợp tác, nổi bật như Chi Hội sinh vật cảnh ở xã Lộc An (huyện Phú Lộc); Câu lạc bộ hoa cây cảnh phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà); Tổ hợp tác nuôi cá lồng ở thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang), xã Quảng thọ, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền), xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc)…. Trên 70% hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đều đã qua các lớp đào tạo nghề. Nhờ vậy, chất lượng sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm chủ động liên kết đào tạo nghề với các doanh nghiệp, xã hội hóa công tác đào tạo nghề…
Vì vậy, 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã liên kết với Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàn thiện tổ chức đào tạo “
Nghề gia công chế tác nữ trang mỹ nghệ” cho trên 100 lao động và đã trực tiếp tổ chức sản xuất tại Trung tâm, thường xuyên giải quyết việc làm cho trên 80 lao động, góp phần phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất đã được đầu tư, đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ nông dân, đồng thời tạo thêm nguồn kinh phí (trên 1 tỷ đồng trong 5 năm) để Trung tâm có điều kiện thực hiện các hoạt động đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân hiệu quả hơn.
Song song với công tác đào tạo nghề của Hội Nông dân tỉnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, và thành phố Huế chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề của địa phương để tuyên truyền, tư vấn học nghề cho hội viên và con em nông dân.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã phối hợp mở được 413 lớp nghề cho 14.900 lao động tham gia với các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; có hơn 12.000 lao động qua học nghề được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm và tự tạo việc làm.
Về hỗ trợ việc làm cho hội viên nông dân, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp thường xuyên theo dõi, giới thiệu hội viên và con em nông dân tham gia các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm ngay tại trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh vào ngày 05 và 20 hàng tháng và tại các huyện, thị xã.
Các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) cho hơn 28.000 hộ vay với số dư nợ hơn 740 tỷ đồng; tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT cho hơn 1.200 hộ vay vốn với số tiền trên 75 tỷ đồng và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cho gần 650 hộ vay với số tiền 25 tỷ để phát triển sản xuất và tạo thêm việc làm...
Đồng thời, Hội liên kết với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Miền Trung (thuộc Tập đoàn Quế Lâm) xây dựng mô hình chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hữu cơ, giúp cho hàng trăm lao động sản xuất lúa hữu cơ, bưởi da xanh, ổi Đài Loan, lợn thịt sạch... có việc làm ổn định và tăng thu nhập. Hội cũng chỉ đạo Trung tâm và các đơn vị cấp huyện tích cực phối hợp với các công ty xuất lao động hợp pháp trên địa bàn tuyên tuyền các chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước cho hàng nghìn hội viên nông dân.
Với những kết quả đó, Hội Nông dân tỉnh đã góp phần cùng với tỉnh Thừa Thiên Huế giải quyết việc làm mới cho hơn 16.000 lao động/năm; đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, năm 2018 đưa khoảng 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (tăng hơn 200 lao động so với năm 2017), đạt gần gấp đôi kế hoạch đề ra; góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến cuối năm 2018 đạt 62%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 5,98% xuống còn 4,92% (giảm 1,06%), tương ứng khoảng 3.120 hộ thoát nghèo.