Đắk Nông: Phát huy hiệu quả hoạt động dạy nghề và hỗ trợ nông dân
(Cổng ĐT HND) – Thời gian qua, Hội ND tỉnh ban hành Kế hoạch và dự trù kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hàng năm và triển khai tới Hội ND các huyện, thị, thành hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký học nghề.
 |
Chính sách hỗ trợ học nghề, tư vấn chiêu sinh, giúp nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc học nghề |
Kết quả, các cấp Hội phối hợp với các Trung tâm đào tạo nghề tổ chức được 27 lớp cho 825 học viên tham gia (đạt 118%KH), nội dung đào tạo tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và các lớp học thi bằng lái xe môtô, ô tô.
Riêng Hội ND tỉnh tổ chức 6 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 135 lao động nông thôn gồm: 2 lớp Kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê theo hướng bền vững tại xã Đăk Ha (huyện Đăk G’Long), Thuận An (huyện Đăk Mil) và 4 lớp Kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu theo hướng bền vững tại Đăk R’Tih (huyện Tuy Đức), Nhân Đạo (huyện Đăk R’Lấp), Nam Dong (huyện Cư Jut), Đăk Drô (huyện Krông Nô).
Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 34,072 tỷ đồng. Tăng trưởng vốn Qũy HTND trong kỳ đạt 3,561 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương và tỉnh ủy thác 19.740.000.000 đồng cho 629 lượt hộ vay triển khai 59 dự án tại 8/8 huyện, thị Hội. Các mô hình giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động nông thôn.
Nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện giải ngân 13.509.000.000 đồng giúp 500 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; tạo công ăn việc làm cho 800 lao động tại địa phương.
Hội ND các cấp đã tiến hành nhận ủy thác cho hội viên nông dân vay vốn phục vụ sản xuất với tổng dư nợ trên 655,742 tỷ đồng thông qua 414 Tổ TK&VV cho 18.504 hộ vay vốn.
Các cấp Hội đã chủ động phối hợp đưa Đoàn cán bộ, hội viên, nông dân tham quan nhà máy sản xuất phân bón Komix tại tỉnh Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu của Công ty Cổ phần Thiên Sinh; tham quan Nhà máy sản xuất phân bón của Công ty TNHH Sông Hậu tại tỉnh Ninh Thuận.
Nhằm giúp cho hội viên nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 295 lớp thuộc 59 dự án về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, thú y cho 16.497 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Hội ND tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn chế biến và bảo quản sản phẩm nông nghiệp cho 400 hội viên, nông dân tại các huyện: Tuy Đức, Đăk R’Lấp, Đăk G’Long, Cư Jut. Qua lớp tập huấn, các học viên nắm bắt được các kiến thức khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Các cấp Hội còn phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên điều tra, thu thập, chọn lọc 1 số dòng hồ tiêu có khả năng chống chịu bệnh chết nhanh, chết chậm trên địa bàn tỉnh Đăk Nông tại 5 xã: Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình, Đăk N’Drung, Nâm N’Jang (huyện Đăk Song); xây dựng chương trình liên kết triển khai dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau thủy canh và nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát và triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây sachi inchi với diện tích 01 ha cho hộ ông Phạm Văn Khang tại thôn 8, xã Đăk Bok So, huyện Tuy Đức với kinh phí thực hiện 286 triệu đồng từ nguồn kính phí Sở Khoa học và Công nghệ (trong đó, kinh phí ngân sách hỗ trợ 122 triệu đồng, người dân đối ứng 164 triệu đồng); hướng dẫn thành lập Hợp tác xã trồng và chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VIETGAP với diện tích 100 ha cho 43 hộ tại xã Đăk Gằn, huyện Đắk Mil và tập huấn, hỗ trợ mô hình hợp tác sản xuất, chế biến, sản phẩm xoài đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với kinh phí thực hiện 261 triệu đồng (trong đó, kinh phí ngân sách hỗ trợ 198 triệu đồng, người dân đối ứng 63 triệu đồng).
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh với Liên Minh hợp tác xã tỉnh, Hội ND tỉnh phối hợp triển khai 04 lớp tập huấn về tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước về kinh tế tập thể và thành lập Hợp tác xã, Tổ hợp tác cho 280 cán bộ, hội viên, nông dân tại 02 huyện Đăk Mil và Cư Jut.
Hội ND các cấp đã tập trung vận động hội viên, nông dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung phát triển sản xuất theo Tổ hợp tác, Hợp tác xã, trang trại gắn với tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm. Kết quả, các cấp Hội đã vận động, tuyên truyền xây dựng được 30 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả.
Tới đây, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, các Ban của TW Hội đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, vốn sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp góp phần ổn định đời sống.