Phát huy hiệu quả hoạt động của mô hình các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”
(Cổng ĐT HND) - Thời gian qua, mô hình các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại nhiều tỉnh, thành Hội đã cho thấy tính hiệu quả thiết thực, phát huy được vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân ngay tại cơ sở. Đây cũng chính là cầu nối giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về pháp luật, có ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật.
 |
Một hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức về pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân (Ảnh minh họa) |
Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xây dựng 204 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với 9.180 thành viên tham gia. Thành phần đều là các thành viên Ban chỉ đạo 81 cấp xã, các chi Hội trưởng, chi Hội phó Hội ND, người làm công tác mặt trận, công an viên, trưởng thôn và hội viên, nông dân tiêu biểu xuất sắc…
Theo định kỳ, các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên hàng tháng với sự hướng dẫn và chủ trì của các đồng chí là cán bộ công an, tư pháp hoặc địa chính xã. Bên cạnh việc triển khai nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, các cấp Hội cũng tiến hành việc chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm; đồng thời, thành lập các điểm trợ giúp pháp lý lưu động và tổ chức nhiều buổi tư vấn, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho hội viên, nông dân ngay tại cơ sở.
Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” hoạt động ngày càng trở nên thiết thực, hiệu quả. Các thành viên trong Câu lạc bộ được kiện toàn thường xuyên, tổ chức tập huấn kiến thức về pháp luật, công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Từ đó, giúp nâng cao kiến thức pháp luật, tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, hòa giải tại cơ sở.
Đến nay, các cấp Hội ND thành phố đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 1.843 buổi tuyên truyền phổ biến, giáo dục về pháp luật cho trên 239.308 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Nhiều đơn vị Hội ND cấp huyện cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai tốt hoạt động này; tiêu biểu như Hội ND các huyện: Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai...
Cùng với đó, Hội ND các huyện, thị xã và cơ sở cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng cùng cấp tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân trên địa bàn. Hội ND cấp huyện và các cơ sở Hội phối hợp với các ngành chức năng cùng cấp tổ chức 442 cuộc tư vấn pháp luật cho 40.532 lượt hội viên, nông dân; đồng thời, trợ giúp pháp lý đối với 692 vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Bên cạnh việc gắn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật với công tác hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiếp công dân định kỳ hàng tuần. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nguyên nhân của những vụ việc mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở; mặt khác, thông qua đối thoại trực tiếp để kịp thời giải đáp những vướng mắc về pháp luật giúp hội viên, nông dân giải tỏa những bức xúc, yên tâm sản xuất và ổn định cuộc sống.
Tại tỉnh Lào Cai, các cấp Hội trong tỉnh đã chỉ đạo và xây dựng được 28 mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, với 1.400 thành viên tham gia hoạt động; theo đó, mỗi Câu lạc bộ có 60 người tham gia.
Ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch hoạt động và công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn trợ giúp pháp lý cho các cấp Hội ở cơ sở; hướng dẫn thành lập các điểm chỉ đạo tại các xã. Bên cạnh đó, giao chỉ tiêu cho các cơ sở Hội tăng cường hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân, đảm bảo triển khai ít nhất 2 lần/năm.
Hội ND tỉnh đã tích cực phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức trên 60 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách nhằm nâng cao năng lực kiến thức pháp luật cho hơn 3.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân và chủ nhiệm các Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" làm nòng cốt ở cơ sở. Trong đó, 28 lớp tại các Câu lạc bộ, 20 lớp ở thôn, 5 lớp mở tại tỉnh… Hội ND tỉnh cũng đã cho in ấn nhiều loại tờ rơi, tờ gấp pháp luật để truyền tải nội dung Quyết định 81 đến từng chi, tổ Hội dùng làm tài liệu sinh hoạt.
Các cấp Hội chủ động và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh để cùng triển khai nhiệm vụ. Cụ thể: Phối hợp với ngành Tư pháp tổ chức 10 đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật cho trên 2.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp ngành Thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; phối hợp ngành Tài nguyên môi trường giải quyết những vướng mắc về đất đai, môi trường nông thôn; phối hợp ngành Công an trong công tác vận động quần chúng tố giác tội phạm, xây dựng tổ Hội ND tự quản an ninh trật tự thôn bản…
Trong năm, theo định kỳ, các cấp Hội sẽ phối hợp cùng ngành chức năng tiến hành rà soát, củng cố các Tổ hòa giải, Tổ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý của các Câu lạc bộ trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ quan phối hợp cũng luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thực hiện nghiêm túc các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải theo đúng quy định hiện hành.
Đáng chú ý, các cấp Hội trong tỉnh đã xây dựng được 1.693 Tổ hòa giải. Hoạt động của các Tổ hòa giải ở cơ sở được gắn liền với mô hình các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và gắn với địa bàn thôn, bản. Qua đó, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc nắm bắt tư tưởng, phát hiện sớm các vụ việc mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ nông dân để tổ chức hòa giải kịp thời.
Đến nay, các cấp Hội đã tiếp nhận và hòa giải thành công 7.928 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ hội viên, nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành thành viên gồm Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên tiếp 65 người thông qua 48 buổi tiếp công dân. Ngoài ra, phối hợp với các ngành, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố tổ chức tiếp 13.372 lượt công dân; nhận 10.996 đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết. Hiện đã giải quyết xong 10.756 đơn, thư và còn 240 đơn đang tiếp tục phối hợp giải quyết.
Có thể thấy, thông qua việc số vụ hòa giải thành trên địa bàn ngày càng tăng thì vai trò của thành viên các Tổ hòa giải, các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ngày càng được phát huy rõ nét. Từ đó, góp phần tích cực trong việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế dần đơn thư, khiếu nại vượt cấp của người dân ở nông thôn.