Phú Yên: Hỗ trợ hội viên, nông dân chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học
14:40 - 28/12/2018
(Cổng ĐT HND) - Những năm gần đây, xu hướng phát triển mô hình chăn nuôi gà trên nền đệm lót sinh học đang được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm và chỉ đạo nhân rộng tại nhiều địa phương.
 |
Tận dụng diện tích vườn, các hộ dân thả cho đàn gà vận động, tự do đi lại để tìm thức ăn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thịt khi xuất chuồng |
Ngành chức năng của tỉnh thường xuyên chú trọng và triển khai tốt các chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi của các nông hộ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức tập huấn cho bà con nông dân về quy trình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học.
Đáng chú ý, lãnh đạo tỉnh còn chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp và chăn nuôi gà công nghệ cao. Nhờ có sự liên kết và hợp tác tốt, chặt chẽ giữa các ngành trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cả trong và ngoài nước đã tạo thêm động lực giúp người nông dân yên tâm đầu tư cho chăn nuôi.
Theo thống kê của Chi cục chăn nuôi và thú y, trên địa bàn toàn tỉnh đang có hơn 1,95 triệu con gà, chiếm tỷ lệ 52,7% trên tổng đàn gia cầm. Trong đó, gà thịt chiếm 81,6% và gà đẻ trứng chiếm 19,4%. Sản lượng thịt gà năm 2017 ước đạt khoảng 1.823 tấn, tăng thêm 7,4% so với thời điểm năm 2016, sản lượng trứng đạt 96 triệu quả.
Do hoạt động chăn nuôi gà theo quy mô nông hộ vẫn thường xuyên phải đối mặt với một số loại bệnh nguy hiểm dẫn đến hiện tượng chết đàn hàng loạt; lượng phân gà thải ra gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngay tại nơi chăn nuôi làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống xung quanh. Vì thế, việc vận động người dân đầu tư và áp dụng quy trình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học là cách làm đúng đắn vì sẽ đồng thời giúp giải quyết được cả hai yếu tố trên.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các hộ nông dân nuôi gà trên địa bàn vẫn đang còn gặp phải một số khó khăn cụ thể. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là giá thành vật tư đầu vào hiện vẫn đang còn ở mức khá cao. Nếu như các hộ chăn nuôi muốn đảm bảo 100% sản phẩm thịt gia cầm đầu ra được công nhận theo các tiêu chuẩn an toàn thì sẽ phải đầu tư một cách đồng bộ với chi phí khá lớn từ chuồng trại, thức ăn chăn nuôi… tất cả đều phải đảm bảo theo đúng các quy chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của quy trình chăn nuôi bền vững như VietGap, GlobalGAP.
Ngoài ra, trước vấn đề tiêu thụ sản phẩm thịt gà nuôi nhốt tại thị trường trong tỉnh hiện đã và đang có dấu hiệu bão hòa; việc xây dựng thương hiệu chưa được phát triển đúng mức nên sản phẩm thịt gia cầm làm ra vẫn đang tiêu thụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân là chủ yếu. Thêm nữa, mặc dù các hộ chăn nuôi đã đầu tư chuồng trại, được tập huấn kỹ thuật nhưng do quy mô và số lượng đàn gia cầm ngày càng tăng lên đã dẫn đến việc cả môi trường chăn nuôi cũng như môi trường sống của cộng đồng dân cư nông thôn đang có dấu hiệu xuống cấp; vấn đề sử dụng thuốc kháng sinh và một số loại hóa chất để tẩy rửa cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Mặt khác, việc áp dụng nuôi gà trên nền đệm lót sinh học mới chỉ giúp giải quyết được phần nào vấn đề về môi trường nuôi, trong khi nguồn gốc của việc gây ô nhiễm môi trường lại là hệ tiêu hóa của đàn gà đã bị tổn thương bởi các chủng vi sinh vật có hại và quá trình chuyển hoá thức ăn không triệt để.
Hiện tại, nếu tính chỉ số chuyển đổi thức ăn (FCR) của gà bình quân trong các hộ nuôi chỉ đạt khoảng 2.7, như vậy đồng nghĩa với việc hộ chăn nuôi phải tiêu tốn 2,7 kg thức ăn để có 1 kg thịt gà. Đây là một chỉ số khá cao so với các trang trại đang tiến hành chăn nuôi tập trung, điều này cũng nói lên rằng nguồn thức ăn cung cấp cho đàn gà đang bị lãng phí rất lớn.
Trong khi đó, phân gà thải ra luôn tồn tại một lượng lớn thức ăn còn dư, chưa được tiêu hóa hết nên khi thải ra ngoài môi trường, lượng thức ăn này sẽ tiếp tục lên men và gây ô nhiễm với các loại khí độc như: Amoniac, H2S... Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng, từ đó gây ra hiện tượng gà chết đồng loạt làm ảnh hưởng và thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi.
Từ thực trạng nêu trên, đồng thời thông qua việc nắm bắt nhu cầu chung của thị trường trong tỉnh, căn cứ đề xuất của Hội ND tỉnh, Trung ương Hội NDVN đã xem xét, hỗ trợ để xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong chăn nuôi gà thả vườn tại 3 xã: Hoà Đồng, Hoà Phong và Hoà Mỹ Đông- huyện Tây Hoà theo hướng an toàn sinh học”. Đây là chương trình hỗ trợ của Trung ương Hội NDVN nhằm phát triển kinh tế hộ cho người dân trên địa bàn.
Việc dự án được triển khai còn nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng, vận động hội viên, nông dân trên địa bàn đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến vào sản xuất, giúp giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn, tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên cho đàn gà và từng bước làm sạch môi trường sống, phòng tránh các dịch bệnh… Quy mô triển khai thực hiện dự án tại địa bàn 03 xã, với 15 hộ dân được chọn tham gia, số lượng đàn gà nuôi là 15.000 con.
Để đảm bảo chất lượng của dự án, các cấp Hội đã quan tâm, thực hiện nghiêm túc việc giám sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm ngay từ giai đoạn đầu là lựa chọn con giống và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ. Trong suốt quá trình triển khai, các cấp Hội giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất của các hộ tham gia dự án. Hình thức là giám sát nội bộ, có sự tham gia của người sản xuất, cán bộ kỹ thuật, chính quyền địa phương, Hội ND các cấp cũng như các cơ quan chuyên môn có liên quan.
Dự án cũng đặt ra những kết quả cụ thể cần đạt được. Theo đó: 15.000 con gà thương phẩm được kiểm soát quy trình nuôi và chăm sóc theo hướng an toàn sinh học từ con giống đến khi xuất chuồng, gà đạt trọng lượng khoảng 1,7- 2 kg/con (sau 12 tuần nuôi); chỉ số chuyển đổi thức ăn giảm từ 2,8 xuống còn khoảng 2,5, giúp giảm chi phí thức ăn, gia tăng lợi nhuận; lượng thuốc kháng sinh giảm xuống tối đa và được kiểm soát bằng nhật ký; môi trường nuôi và môi trường sống đảm bảo vệ sinh, nồng độ các khí độc như Amoniac giảm, các bệnh về đường hô hấp giảm tối đa; các chủng vi sinh có hại được kiểm soát bằng các chủng vi sinh có lợi…
Từ đó, chất lượng sản phẩm đầu ra chính là thịt gà thương phẩm đảm bảo được các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trên địa bàn xã Hòa Đồng, lão nông Hồ Hồng Huấn, một trong 05 hộ dân được chọn tham gia mô hình vui mừng cho biết: Tham gia dự án lần này, không chỉ tiếp nhận 1.000 con gà thương phẩm thuộc giống gà ta lai sọc vằn, ông cũng được hỗ trợ thêm 30% tổng kinh phí dùng để mua chế phẩm sinh học và mua thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn được cán bộ dự án hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà.
Trước đây, vợ chồng ông vẫn duy trì cách nuôi theo kiểu truyền thống nên chỉ quan tâm chủ yếu đến việc tiêm phòng và trị bệnh cho đàn gà chứ chưa hề chú trọng tới vấn đề sử dụng các chế phẩm sinh học vào quá trình chăn nuôi. Vì thế, mặc dù mỗi lứa gà, gia đình ông vẫn thường xuyên nuôi khoảng 400 con gà thả vườn song tình trạng ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh trên đàn gà vẫn luôn là nỗi lo lắng và thách thức rất lớn của gia đình. Thậm chí, có nhiều vụ, ông chẳng thu lợi được bao nhiêu vì đàn gà cứ liên tục mắc rất nhiều loại dịch bệnh khác nhau.
Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn rất vất vả khi phải dọn dẹp chuồng trại mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh, nếu không đàn gà sẽ dễ mắc bệnh và chết hàng loạt. Thế nên, bằng việc cho gà nằm trên đệm lót sinh học sẽ giúp gia đình ông giải quyết được những thách thức này.
Ngoài việc giúp khử mùi hôi rất tốt, dùng đệm lót sinh học có trộn men ủ rắc chuồng còn giúp cho khu vực chuồng nuôi luôn khô thoáng, tiết kiệm được công sức dọn dẹp. Thậm chí, nếu cứ giữ đệm lót được khô ráo thì có thể đợi cho đến tận khi gà xuất chuồng bán xong, gia đình ông mới phải dọn dẹp chuồng một lần để chuẩn bị nuôi lứa gà tiếp theo.
Hiện nay, sau khi tiếp nhận số gà giống của dự án, trên diện tích khoảng 2 sào đất vườn, ông Huấn đã đầu tư xây dựng khu chuồng trại lấy chỗ cho gà ngủ đêm. Đồng thời, ông còn quây rào xung quanh, tận dụng rau cỏ trong vườn thả cho đàn gà vận động, tự do đi lại để tìm thức ăn vào ban ngày.
“Đàn gà giống có chất lượng rất tốt. Hiện nay, tôi đang úm nhốt tránh gió để đợi tới khi gà con cứng cáp hơn rồi mới bắt đầu thả ra vườn. Việc trộn ủ chế phẩm sinh học vào đệm trấu cũng đang giúp chuồng trại trở nên sạch sẽ hơn hẳn, đỡ ẩm mốc; cứ phòng bệnh cho thật kỹ thì đàn gà mới phát triển tốt được. Hy vọng rằng, thông qua việc được tham gia dự án của Hội ND, lại được tập huấn kỹ thuật và áp dụng các phương pháp mới trong chăn nuôi, gia đình tôi sẽ có cơ hội thu nhập khá hơn”- Ông Huấn phấn khởi nói.
Ông Mai Văn Hải- Chủ tịch Hội ND xã Hòa Đồng đánh giá: Được tham gia vào dự án lần này, xã đã triển khai xong việc cấp hỗ trợ 5.000 con gà giống cho 05 hội viên, nông dân trên địa bàn (mỗi hộ nhận 1.000 gà giống). Đây đều là các hộ đã có kinh nghiệm nuôi gà từ nhiều năm nay, việc lựa chọn này được Hội ND xã thực hiện cẩn trọng nhằm đảm bảo độ an toàn và tính hiệu quả thực sự của mô hình.
Bên cạnh đó, Hội ND xã còn chú trọng thường xuyên tới công tác tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật mới của mô hình tới bà con nông dân. Thực tế cho thấy, tuy phương thức chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học hiện đã thành công ở nhiều địa phương trong cả nước song đối với địa bàn xã Hòa Đồng, mô hình này hiện vẫn còn khá mới mẻ. Việc làm này thực sự là rất cần thiết để giúp cho bà con nắm được cách sử dụng các chế phẩm sinh học dùng làm đệm lót cũng như phối trộn vào trong thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật của dự án cũng sẽ theo dõi sát quá trình tăng trưởng của đàn vật nuôi, tổ chức tiêm phòng tập trung định kỳ; có như vậy đàn gà mới trở nên khỏe mạnh, chóng lớn, đạt được các yêu cầu của dự án đặt ra.
“Các hộ dân khi tham gia mô hình đều được hỗ trợ trọn gói về con giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học. Vì thế, sau 3 tháng thực hiện, mỗi hộ sẽ tự trích lại 30% giá trị con giống để Hội ND xã quay vòng, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi khác tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình” - Ông Hải chia sẻ thêm.
Cũng là một hộ dân được xét chọn tham gia và thụ hưởng mô hình lần này, ông Đặng Ngọc Lý ở xã Hòa Phong vui mừng bày tỏ: Gia đình ông đã có nhiều năm nuôi gà nên cũng tích lũy được một số kinh nghiệm trong việc phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi. Được nhận hỗ trợ 1.000 con gà giống và tiếp cận với kỹ thuật mới từ dự án, ông đánh giá việc làm này của Hội ND xã là hết sức ý nghĩa và thiết thực đối với các hộ dân trên địa bàn.
Ông Lý cũng chia sẻ thêm rằng: Theo kinh nghiệm của bản thân mình, ông nhận thấy mô hình nuôi gà dùng chế phẩm sinh học kết hợp thả vườn này rất khả quan. Bởi khi thực hiện mô hình, đàn gà được thả ra vườn sẽ tự do vận động, chất lượng thịt cũng nhờ đó mà săn chắc và thơm ngon hơn, giá thành khi bán ra thị trường cũng sẽ cao hơn các loại gà khác. Bên cạnh đó, chi phí để đầu tư xây dựng chuồng trại cũng không tốn kém nhiều nếu như đem so với mô hình nuôi gà nhốt chuồng theo kiểu công nghiệp.
Theo đánh giá của lãnh đạo Hội ND tỉnh: Tuy rằng mô hình nuôi gà an toàn sinh học mới được triển khai không lâu trên địa bàn song đã được các đơn vị thực hiện phối hợp rất bài bản, khoa học. Thông qua việc tập huấn trực quan, chuyển giao công nghệ, các cán bộ kỹ thuật còn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kiểm tra, hướng dẫn chi tiết việc cải tạo chuồng trại, cách làm đệm lót sinh học, tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc và các loại vitamin, khoáng chất…
Từ đó, hội viên, nông dân ở các địa bàn có dự án đã thay đổi dần được nhận thức trong việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, hướng tới tập trung sản xuất những sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi thì giá trị lợi nhuận của người chăn nuôi mới tăng và đạt mức cao.
Song song với mô hình được Trung ương Hội NDVN hỗ trợ đang thực hiện tại 03 xã, tỉnh Hội cũng đã chủ động trong việc triển khai và tiếp tục nhân rộng mô hình cho một số hộ dân khác tại huyện Tuy An. Hy vọng, dự án sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trong tỉnh.
Thu Bình