Thứ hai, 05/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Quảng Trị: Tín hiệu vui nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học
14:40 - 28/12/2018
(Cổng ĐT HND) - Những năm gần đây, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tái cơ cấu nền nông nghiệp của địa phương. Một trong những cách làm đột phá của tỉnh đó là từng bước vận động bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, thông qua việc xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất… đã tạo ra nhiều sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao.

Việc hỗ trợ, khuyến khích hội viên, nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng thanh long ruột đỏ sẽ giúp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn

 
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết, hiện nay, địa phương đang chú trọng nguồn lực để tập trung phát triển cho “6 cây, 2 con” chủ lực. Trong đó, 6 loại cây trồng gồm: Cà phê Arabica, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây ăn quả và dược liệu, cây gỗ rừng trồng; và 02 loại con chủ lực gồm: Bò và tôm nuôi.

 
Qua đánh giá, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ an toàn do Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh phối hợp với doanh nghiệp và các Hợp tác xã thực hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tham gia mô hình, bà con nông dân được hướng dẫn chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, hoàn toàn không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

 
Kết quả, vụ Đông Xuân 2017- 2018, toàn tỉnh xuống giống và gieo trồng gần 26.000 ha lúa, trong đó có hơn 70% là giống lúa chất lượng cao; năng suất trung bình đạt gần 58 tạ/ha (cao nhất từ trước đến nay). Tính bình quân doanh thu của bà con nông dân đạt khoảng 44 triệu đồng/ha, sau khi trừ hết mọi chi phí sản xuất, mỗi hộ tham gia mô hình còn thu lãi gần 30 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này cao hơn hàng chục triệu đồng/ha so với phương thức canh tác, sản xuất lúa thông thường.

 
Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, vốn là một địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba- dan, rất phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, trong đó có nhiều loại cây ăn quả. Những năm qua, ngành chức năng của huyện cũng đã khuyến khích việc bà con nông dân đầu tư trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới như: Xoài, nhãn, vải thiều, thanh long ruột đỏ... Qua đó, tìm ra những loại cây trồng phù hợp, đem lại giá trị kinh tế cao, khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh từ đất đai của địa phương.

 
Trong đó, cây thanh long ruột đỏ được xem là một trong những loại cây trồng mới. Với đặc tính là một giống cây không kén đất, thích hợp và phát triển tốt hơn cả trên vùng đất đỏ ba- dan, lại không đòi hỏi nhiều nước tưới... Đây chính là một lợi thế lớn của địa phương, do đó, khi được các hộ nông dân đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy đã đạt hiệu quả kinh tế khá cao.

 
Theo các chuyên gia nông nghiệp đánh giá, thanh long ruột đỏ là loại cây trồng lâu năm, có tuổi thọ bình quân khoảng trên 20 năm, sau đó các nhà vườn mới phải trồng lại. Chi phí đầu tư ban đầu không nhiều lắm, vào khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha, bao gồm các chi phí như: Đúc trụ, mua giống, vật tư phân bón… Vì thế, việc khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ là không khó.

 
Nếu đem so sánh với cây thanh long ruột trắng thì thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, lại ít bị sâu bệnh; thời gian ra hoa dài hơn và thường ra sớm hơn từ 2- 3 tháng. Ngoài ra, thanh long ruột đỏ lại ra hoa nhiều đợt trong năm, kéo dài suốt từ tháng 2 cho đến tháng 10 âm lịch, tỷ lệ đậu quả cũng khá cao. Sau khi ra hoa khoảng 1 tháng thì quả bắt đầu chín và người trồng bắt đầu được thu hoạch.

 
Theo ước tính, mỗi trụ trồng cây thanh long cho năng suất khoảng từ 5- 7 kg quả. Như vậy, nếu so với các loại cây ăn quả khác, thanh long ruột đỏ hiện đang chiếm ưu thế cả về năng suất và giá trị kinh tế mang lại. Mặt khác, sản phẩm thanh long ruột đỏ nhờ có màu sắc đẹp, bắt mắt nên hiện đang được người tiêu dùng ưa chuộng và bán rất chạy, thường không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người dân trong vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác.

 
Những năm qua, trên địa bàn xã Vĩnh Thủy đã phát triển được rất nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, nhằm khai thác lợi thế từ vườn đồi, vườn nhà, bà con nông dân đã tập trung đầu tư cho mô hình trồng các loại cây ăn quả như: Chanh leo, dứa, bưởi da xanh.... Đặc biệt, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ được đánh giá là đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả.

 
Theo thống kê, đến nay, toàn xã có khoảng hơn 2.000 trụ thanh long ruột đỏ, canh tác trên diện tích gần 2 ha. Tuy mới phát triển nhưng cây thanh long ruột đỏ đã chứng tỏ đang là loại cây trồng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.

 
Quả thanh long ruột đỏ khi trồng tại địa phương có chất lượng và mùi vị thơm ngon hơn hẳn những sản phẩm cùng loại được trồng ở các nơi khác. Đặc biệt, sau khi trồng khoảng 01 năm thì cây đã bắt đầu cho quả, với nhiều đợt thu hoạch gối nhau trong năm. Tiếp đó, kể từ năm thứ hai trở đi, năng suất quả sẽ cao gấp đôi còn đến năm thứ ba sẽ gấp 3 lần so với năm đầu và sau đó, cây trồng bắt đầu ổn định về năng suất.

 
Trước những kết quả khả quan mà loại cây trồng mới này đem lại, UBND xã đã vận động, hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn thôn Tân Thủy cùng liên kết với nhau để thành lập Hợp tác xã Tây Vĩnh Thủy. Mục tiêu lớn nhất của Hợp tác xã chính là nơi để các hội viên thường xuyên sinh hoạt, học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng cây thanh long ruột đỏ.

 
Ngoài ra, bà con còn có thể giúp đỡ nhau về vốn, cây giống, cách thức sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm vi sinh nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật mang tính độc hại; động viên và giám sát lẫn nhau trong việc tuân thủ nghiêm theo đúng các tiêu chuẩn của VietGAP, quy trình hữu cơ để đảm bảo sản phẩm thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.

 
Có thể thấy, cây thanh long ruột đỏ đang mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế cho các hộ gia đình ở địa bàn xã Vĩnh Thủy nói riêng và toàn huyện Vĩnh Linh nói chung. Loại cây trồng này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân, đặc biệt là ở các địa phương có điều kiện về đất đai nhưng chưa canh tác, nhất là ở những vùng gò đồi, đất hoang hóa, bạc màu...

 
Để nâng cao ý thức cho hội viên, nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nói chung và đối với cây ăn quả nói riêng, Hội ND tỉnh đã tiến hành khảo sát thực tế và lập phương án, đề xuất với Trung ương Hội NDVN xem xét, hỗ trợ xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Thuỷ- huyện Vĩnh Linh theo hướng an toàn sinh học”.

 
Qua đó, nhằm khuyến khích hội viên, nông dân sản xuất ra những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần duy trì, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, nước… gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 
Là đơn vị được giao ủy quyền để trực tiếp thực hiện dự án, Hội ND tỉnh đã lên kế hoạch cụ thể nhằm quản lý, hướng dẫn những hộ tham gia trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ theo đúng kỹ thuật giúp mang lại hiệu quả cao.

 
Theo ông Nguyễn Ngọc Lương- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Tham gia dự án trồng thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học có 13 hộ dân được lựa chọn, mô hình triển khai trên diện tích 2,6 ha. Kinh phí đối ứng từ phía người dân là 904 triệu đồng. Về kỹ thuật trồng, bà con cần đảm bảo sẽ phải đạt theo các tiêu chuẩn VietGAP.

 
“Dự án sẽ hỗ trợ một số hạng mục cho các hộ tham gia mô hình gồm: 4.615 hom giống thanh long ruột đỏ; 1.144 trụ bê tông; 1,3 kg chế phẩm sinh học; hơn 1 tấn phân bón… Dự kiến, năng suất quả thanh long ruột đỏ của các hộ dân tham gia trong dự án sẽ đạt từ 12- 13 tấn/ha”- Ông Lương nhấn mạnh.

 
Mặt khác, nếu như sản phẩm thanh long ruột đỏ của dự án khi đem ra thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng, có nhu cầu tiêu thụ cao thì Hội ND tỉnh sẽ đưa ra kiến nghị đối với Trung ương Hội NDVN cùng các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh để có phương án tiếp tục hỗ trợ người dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng.  

 
Bên cạnh đó, tỉnh Hội cũng sẽ phối hợp với các ban, ngành chức năng liên quan tiếp tục tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên, nông dân để không chỉ cho năng suất cao mà còn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã về mặt pháp lý trong việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Từ đó, sản phẩm đầu ra mới tạo được thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm; có thể đưa vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch giúp tăng thu nhập cho bà con.

 
Việc Trung ương Hội NDVN triển khai dự án nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn trồng thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các lãnh đạo trong tỉnh. Tuy rằng dự án mới được triển khai trong khoảng thời gian còn ngắn, chưa thể có những đánh giá cụ thể về tính hiệu quả ra sao nhưng nhìn chung, với cách áp dụng chuẩn khoa học kỹ thuật mới như hiện nay hứa hẹn đem lại những kết quả tốt đẹp, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của người dân khi tham gia mô hình.



 
Hồng Thắm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá