Thứ sáu, 02/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Hội ND các cấp đẩy mạnh ứng dụng chế phẩm vi sinh trong nông nghiệp
11:20 - 21/12/2018
(Cổng ĐT HND)- Trước nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong cả nước đối với thực phẩm an toàn, các cấp Hội đã xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững để đáp ứng yêu cầu an toàn, chất lượng, giúp người nông dân có vị thế vững chắc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Việc sử dụng chế phẩm sinh học thời gian qua đã mang lại cho người nông dân những hiệu quả thiết thực


Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất đã được các cấp Hội ND tỉnh Bắc Giang chú trọng thực hiện. Thông qua nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền trực quan, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn thực hành…, đã có hàng nghìn hội viên, nông dân trong tỉnh được tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ sinh học, kinh nghiệm sử dụng các loại chế phẩm sinh học vào sản xuất.
 
 
Tại trang trại gà công nghiệp của gia đình anh Hoàng Văn Tuấn - thôn Voi, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, có thể thấy rõ hiệu quả của việc ứng dụng chế phẩm sinh học. Với quy mô gần 2 vạn con/năm, song trang trại của anh Tuấn gần như hoàn toàn không có mùi hôi đặc trưng như những cơ sở chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn khác.
 
 
Anh Tuấn cho biết: Trước đây, việc xử lý chất thải chăn nuôi cũng đã từng khiến tôi “đau đầu” vì gà chỉ nhốt trong chuồng kín nên lượng chất thải rất lớn. Đến nay, nhờ sử dụng chế phẩm sinh học nên mùi hôi do nuôi gà đã được khắc phục triệt để.
 
 
Cũng theo anh Tuấn, tuy giá chế phẩm khá cao, khoảng hơn 100 nghìn đồng/gói nhưng hiệu quả thu được rất lớn. Do tác dụng của chế phẩm nên những vi khuẩn có hại cho gà gần như bị tiêu diệt. Gà ít bệnh sẽ giảm chi phí đầu vào, hơn nữa, còn giảm công lao động, bởi sau mỗi lứa phải dọn chuồng một lần. Có chế phẩm sinh học, nguồn chất thải trở thành phân bón chứa hàm lượng dinh dưỡng, được các nhà vườn tin dùng. Nhờ vậy, hàng năm sau khi trừ chi phí, trang trại gà công nghiệp an toàn thường xuyên mang lại cho gia đình anh Tuấn thu nhập từ 600 - 700 triệu đồng/năm.
 
 
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học với nhiều mô hình sản xuất như: Trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trang trại trồng cây ăn quả các loại; trang trại trồng rau xanh an toàn; mô hình nuôi thủy sản… Điển hình như: Huyện Hiệp Hóa với 24 mô hình; huyện Yên Thế với 31 mô hình; huyện Lục Ngạn với 20 mô hình… Qua khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh tế tại các mô hình này đều được nâng lên rõ rệt sau khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học. Vật nuôi, cây trồng lớn nhanh hơn, khả năng hấp thụ thức ăn tăng lên, sức đề kháng bảo đảm… Đồng thời, các vấn đề liên quan đến vệ sinh môi trường cơ bản đã được xử lý một cách triệt để.
 
 
Hội ND tỉnh Yên Bái đã tiến hành khảo sát, xây dựng, triển khai mô hình "Ứng dụng chế phẩm sinh học EM2 xử lý chất chải trong chăn nuôi trang trại của nông dân" tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.
 
 
Hội ND tỉnh Yên Bái đã tiến hành triển khai dự án, tập huấn chuyển giao kỹ thuật; cung cấp chế phẩm, vật tư cho 20 hộ tham gia dự án xây dựng các mô hình sử dụng chế phẩm EM2. Kết quả cho thấy hệ vi sinh vật EM2 trong chế phẩm sinh học phân giải được các khí độc, hôi thối (NH3, H2S) trong chuồng trại, giảm tỷ lệ các vi khuẩn hại như Ecoli, Coliform trong phân gà. Tăng khả năng hấp thụ của gà, đàn gà ít bị dịch bệnh, tăng trọng nhanh, ngoài ra sẽ hạn chế được các loại thuốc hóa học, kháng sinh trong chăn nuôi.
 
 
Đây là mô hình phù hợp và cần thiết cho các hộ chăn nuôi trung bình, đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường, phát triển bền vững.
 
 
Hội ND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư, hỗ trợ nhiều mô hình, dự án như: Mô hình nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học cho hơn 100 hộ nông dân ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành và thành phố Quảng Ngãi; mô hình sử dụng chế phẩm sinh học (men vi sinh Biowish) vào trồng trọt, chăn nuôi đã thử nghiệm thành công cho 5 hộ nông dân ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức…
 
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Lin ở xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức được Hội ND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học cho biết: Nuôi heo trên đệm lót sinh học, tiết kiệm được sức lao động rất nhiều vì không phải tắm, rửa chuồng cho heo và giảm chi phí thức ăn mà heo lại nhanh lớn hơn so với cách nuôi truyền thống của gia đình tôi xưa nay. Mô hình đã xử lý triệt để chất thải từ phân heo, không gây hôi thối, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt gia đình, rút ngắn thời gian khoảng 1 tháng so với nuôi heo chuồng dội nước (nền xi măng) như trước đây và hiệu quả cao kinh tế cao hơn gấp 1,5 lần. Vì thế, gia đình tôi dự định sẽ mở rộng chuồng trại nuôi heo trên đệm lót sinh học với quy mô lớn hơn.
 
 
Mới đây, Hội ND tỉnh Bình Phước đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong cải tạo vườn điều tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước theo hướng an toàn sinh học”. Dự án nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giúp hội viên, nông dân thay thế vườn tạp, vườn cây lâu năm già cỗi, giống cũ năng suất thấp, đồng thời ứng dụng các chế phẩm vi sinh theo hướng an toàn sinh học, phù hợp với chiến lược phát triển của địa phương; qua đó nâng cao thu nhập cho người trồng điều, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
 
 
Tham gia dự án, các hộ trồng điều được các chuyên gia, nhà khoa học ngành nông nghiệp hướng dẫn kỹ càng từ khâu chuẩn bị đất, thiết kế lại vườn đến các kỹ thuật canh tác: Bón phân, kiểm soát, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... Đặc biệt, các hộ còn được chương trình hỗ trợ giống, vật tư phân bón, chế phẩm vi sinh; được cán bộ kỹ thuật của dự án trực tiếp hướng dẫn cách trồng và chăm sóc trong thời gian kiến thiết cơ bản. Các cán bộ chuyên trách của dự án sẽ theo dõi đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng ở từng mô hình cụ thể để hoàn thiện quy trình kỹ thuật và áp dụng cho những năm tiếp theo.
 
 
Hiện dự án đặt mục tiêu bước đầu xây dựng 60 ha mô hình thay thế vườn tạp, già cỗi bằng giống điều PN1 cho vườn của một số hội viên nông dân trên địa bàn xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tiêu chí đưa ra là 5ha/mô hình. Đợt này dự án sẽ hỗ trợ cho 12 hộ trực tiếp tham gia dự án, giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động trực tiếp và khoảng 60 công lao động thời vụ với thu nhập hàng tháng trên 4 triệu đồng.
 
 
Qua hoạt động tập huấn, hội thảo được tổ chức thời gian qua, dự án đã giúp cho người nông dân thấy được ưu điểm của việc cải tạo vườn điều, đặc biệt là việc thay thế các vườn già cỗi bằng việc sử dụng giống điều năng suất cao, phù hợp với địa phương.
 
 
Tại tỉnh Đăk Lăk,Trung ương Hội ND Việt Nam đã có quyết định phê duyệt dự án “xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong tái canh cây cà phê vối tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, theo hướng an toàn sinh học". Dự án có tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng, quy mô 9ha với 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia.
 
 
Theo đó, các hộ dân tham gia dự án sẽ được cung cấp giống cà phê TR4, hướng dẫn kỹ thuật xử lý đất, trồng, chăm sóc và được cung cấp phân bón và vật tư nông nghiệp (gồm phân bò khô, vôi, kali, ure, lân, chế phẩm sinh học Biowish của Mỹ).
 
 
Ngay sau khi tiếp nhận dự án, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Hội ND huyện Krông Ana, Hội ND xã Dur Kmăl nhanh chóng vào cuộc, tổ chức các hoạt động tuyên truyền hoặc lồng ghép nội dung dự án vào sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ, mô hình... để phổ biến đến cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là 12 hộ tham gia mô hình. Đồng thời, các cấp Hội thường xuyên bám, nắm, kiểm tra việc triển khai, thực hiện; tư vấn, hỗ trợ các hộ ND xây dựng mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào tái canh cây cà phê. Sau khi xuống giống, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, cây cà phê đã phát triển tốt.
 
 
Thực tế hoạt động sản xuất nông nghiệp thời gian qua cho thấy việc sử dụng chế phẩm sinh học đã và đang mang lại cho người nông dân những hiệu quả thiết thực. Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, hiệu quả kinh tế, hiệu quả môi trường khi sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp.

Võ Bảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá