Ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị vào trồng vải chín sớm Phương Nam
(Cổng ĐT HND)- Nhằm hỗ trợ người trồng vải chín sớm tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) ứng dụng công nghệ vào trồng vải chín sớm theo hướng an toàn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị năm 2018”, triển khai mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị.
 |
So với giống vải ở nhiều nơi khác, vải chín sớm Phương Nam có ưu thế hơn hẳn |
Vải chín sớm Phương Nam có nguồn gốc từ Thanh Hà, được trồng tại các khu Phong Thái, Hiệp Thanh, Cẩm Hồng, Đá Bạc thuộc phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh từ những năm 1960. Hiện nay, diện tích trồng vải khoảng 300ha, trong đó có trên 250ha đang trong giai đoạn khai thác.
So với giống vải ở nhiều nơi khác, vải chín sớm Phương Nam có ưu thế hơn hẳn: Quả to, vỏ mỏng, gai thưa và ngắn, nhiều nước, vị ngọt hơi chua, mùi thơm đặc trưng, đặc biệt là đặc tính chín sớm hơn vải tu hú (mùa quả gắn với sự trở về của loài chim tu hú di cư) từ 7-10 ngày và vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) từ 30-40 ngày.
Vải chín sớm Phương Nam khá thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của phường Phương Nam. Đây là vùng bãi triều dọc hai bờ sông Đá Bạc. Nếu di thực, đặc điểm chín sớm của giống vải chín sớm Phương Nam chỉ duy trì được 1 - 2 năm đầu rồi sau đó chất lượng bị suy giảm (quả nhiều gai, gai nhọn, vị chua và chín muộn hơn). Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Vải chín sớm Phương Nam đã giúp quy hoạch được vùng sản xuất vải chín sớm đảm bảo chất lượng tập thể với diện tích 300ha trên địa bàn phường Phương Nam.
Ngày 09/12/2013, vải chín sớm phường Phương Nam đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Vải chín sớm phường Phương Nam” theo Quyết định số 68612/QĐ-SHTT. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Vải chín sớm phường Phương Nam là Hội Nông dân phường Phương Nam. Trong việc quản lý và phát triển thương hiệu, đơn vị tư vấn xây dựng thương hiệu (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp) đã hỗ trợ xây dựng các công cụ quản lý phù hợp để quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Sau mùa vải tháng 5.2018, nắm bắt được nhu cầu, khảo sát thực tế, Hội ND tỉnh đã xây dựng Dự án “Xây dựng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị năm 2018”, triển khai mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã trồng vải chín sớm ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị tại phường Phương Nam, thành phố Uông Bí. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ người trồng vải chín sớm Phương Nam xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ vào trồng vải chín sớm theo hướng an toàn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường góp phần xây dựng mô hình kinh tế tập thể, bảo vệ môi trường tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân ở nông thôn.
Anh Bùi Văn Trà - Chủ tịch Hội ND phường Phương Nam cho biết: Dự án mới được triển khai từ đầu tháng 10.2018, áp dụng cho 15 hội viên HTX Dịch vụ sản xuất và Tiêu thụ vải chín sớm phường Phương Namvới diện tích 12ha. Nội dung hỗ trợ là giống vải chín sớm và vật tư phục vụ sản xuất, cùng các hoạt động phục vụ xây dựng mô hình. Đặc biệt, mô hình được ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng, chăm sóc vải chín sớm, theo hướng an toàn sinh học.Những tín hiệu vui ban đầu khi áp dụng theo phương pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng vải chín sớm khiến bà con vô cùng phấn chấn, vững tin mở rộng diện tích trồng.
Theo anh Nguyễn Xuân Hội (khu Bạch Đằng 2, phường Phương Nam), “Trước đây tôi cũng đã thử dùng chế phẩm sinh học, nhưng không thấy hiệu quả mấy nên lại trở về chăm sóc cây vải theo cách truyền thống. Nhưng khi áp dụng chế phẩm này theo dự án của Hội Nông dân, hiệu quả bước đầu cho thấy khiến tôi rất tin tưởng”.
Tại vườn vải chín sớm mới mở rộng của nhà anh Nguyễn Xuân Hội, 160 cây giống do dự án hỗ trợ cũng cho thấy dấu hiệu khả quan. Qua theo dõi, anh Hội nhận thấy rễ cây vươn nhanh, bám chắc, thân và lá cây hấp thụ dinh dưỡng tốt.
Theo Hội ND Quảng Ninh, kết thúc dự án, các hộ nông dân tham gia mô hình được tiếp cận với kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng vải chín sớm, biết chọn giống có chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thương hiệu sản phẩm vải chín sớm Phương Nam, góp phần xây dựng HTX, tổ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động hiệu quả...