Thời gian qua, hàng loạt các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) được triển khai tại khu vực nông thôn, miền núi trên cả nước đã mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi bộ mặt nơi đây theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để KH&CN ngày càng phát huy hơn nữa vai trò của mình, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao công nghệ đến những địa bàn này.
 |
Cần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp |
Đất hóa “vàng” nhờ công nghệ
Theo Bộ KH&CN, hiện các địa phương trong cả nước đã dành trung bình khoảng 70% kinh phí sự nghiệp KH&CN hàng năm cho nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã quan tâm hơn đến nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả kinh tế-xã hội (KTXH). Trong đó, có nhiều chương trình, dự án đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn nông thôn, miền núi.
Điển hình, tại Bắc Giang, hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn, bánh đa Kế, mỳ Chũ, nấm Lạng Giang, rau sạch Yên Dũng, gạo thơm Yên Dũng, chè Yên Thế… đều có đóng góp quan trọng của KH&CN, giúp tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Chẳng hạn, vải thiều Lục Ngạn đến nay đã xuất khẩu sang một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Singapore… giá trị từ vải thiều cho doanh thu trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm. Hay, hàng năm, giá trị sản xuất từ chăn nuôi gà đồi Yên Thế đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng. Cũng nhờ ứng dụng KH&CN, nghề trồng nấm an toàn khởi sắc tại Lạng Giang, đem lại doanh thu đạt hơn 23 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng.
Tương tự, tại Bắc Kạn, nhằm phục vụ tích cực công cuộc phát triển KTXH nông thôn, miền núi, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều dự án đã được triển khai và mang lại hiệu quả lớn như dự án ứng dụng KH&CN trong sản xuất, sơ chế khoai môn hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn, đã xây dựng mô hình sản xuất củ giống khoai môn được 6 ha và xây dựng được 60 ha mô hình thâm canh khoai môn, hiệu quả kinh tế đạt 80-100 triệu đồng/ha, so với các cây trồng khác, hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần. Hay dự án xây dựng mô hình trồng, thâm canh chè Shan Tuyết theo hướng tập trung tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với diện tích 10 ha. Mô hình đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 20-40 tấn/ha, trong khi trồng chè theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 8 – 12 tấn/ha…
Cần ưu tiên hỗ trợ
Theo Bộ KH&CN, công tác chuyển giao KH&CN đến khu vực nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn do trình độ dân trí còn thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế. Có nhiều mô hình phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công. Do đó, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển giao KH&CN tương đối mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, cần ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN đến khu vực này.
Tiến sĩ Trương Hồng - quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên - cho hay, cơ sở hạ tầng ở nông thôn, miền núi và vùng sản xuất nông nghiệp còn chưa phát triển. Hệ thống đường giao thông hiện nay phần lớn chỉ đáp ứng được yêu cầu đi lại, chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vật tư, sản phẩm đến các vùng sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho việc chuyển đổi giống, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến cao hơn so với kiểu sản xuất truyền thống nên một bộ phận nông dân không đủ điều kiện đầu tư để đạt hiệu quả như mong muốn, đã làm hạn chế công tác nhân rộng mô hình.
Từ góc độ địa phương, ông Tạ Đức Hiện - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Thái Nguyên - cho biết, thời gian qua, trung tâm đã tích cực chuyển giao các công nghệ, mô hình tốt từ các trường, viện nghiên cứu đến với người dân. Để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, chúng tôi cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức, trung tâm ứng dụng KH&CN của các địa phương. Do đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, nguồn nhân lực để thực hiện các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao vào thực tiễn và có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các trung tâm hoạt động ổn định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa KH&CN đến khu vực nông thôn, miền núi, con đường nhanh nhất hiện nay là phải huy động được sự tham gia của các doanh nghiệp. Bởi vì, các doanh nghiệp có ưu thế về tài chính để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến. Mặt khác, sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.
Theo Bộ KH&CN, để đáp ứng được yêu cầu thị trường, đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN đến từng vùng, từng địa phương, đặc biệt ở những nơi trình độ dân trí còn thấp, điều kiện canh tác còn khó khăn, từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. |
Nguyên Long