Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học- công nghệ vào sản xuất
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tạo nên nền tảng kiến thức, hiểu biết, kỹ năng của người lao động, vừa thúc đẩy vừa là cơ sở cho sản xuất và xã hội phát triển. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi căn bản và toàn diện nền sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tăng nhanh các ngành sản xuất có hàm lượng KHCN cao, giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.
 |
Sản xuất tỏi đen bằng máy mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho lĩnh vực hoạt động ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống trên địa bàn. Ngành KHCN tỉnh đã hướng trọng tâm hoạt động về cơ sở, chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng trên cơ sở đó nhân ra diện rộng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ VI, BCH TƯ Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011- 2020; Quy hoạch phát triển KH&CN của tỉnh đến năm 2020 và Nghị quyết số 08/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển KH&CN tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015- 2020...
Nhiều chủ trương, chính sách về lĩnh vực KH&CN được ban hành và triển khai thực hiện, phục vụ có hiệu quả hoạt động quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, môi trường thuận lợi cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Người dân đã mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh. Các hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH&CN mặc dù ngày càng được quan tâm nhưng chưa thực sự tạo được bước đột phá đối với sản xuất, chưa lồng ghép được với các chương trình KT-XH khác. Việc ứng dụng, cải tiến, đổi mới và chuyển giao công nghệ còn gặp nhiều khó khăn như thiếu thông tin, thiếu vốn, thiếu nhân lực... Thị trường KH&CN bước đầu hình thành nhưng chưa phát triển mạnh. Đội ngũ cán bộ làm công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, thiếu kinh nghiệm thực tiễn; thiếu liên kết “4 nhà” trong ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất...
Để đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống, theo ông Đào Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh, thời gian tới cần thực hiện đồng bộ những giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ứng dụng, chuyển giao KH&CN; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận và tiếp nhận tiến bộ KH&CN để áp dụng vào sản xuất có hiệu quả; xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN gắn với các ngành sản xuất trọng điểm của tỉnh. Ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, có tính khả thi cao, có khả năng ứng dụng, nhân rộng thành công, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương và lợi thế đặc thù của từng tiểu vùng sinh thái; phát triển thị trường KH&CN, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ doanh nghiệp, tạo động lực để các thành phần kinh tế cùng tham gia hoạt động nghiên cứu, tổ chức ứng dụng KH&CN; tăng cường hỗ trợ đối với việc nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường tiềm lực cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho việc gắn kết nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh; tiếp tục tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, đổi mới các quy trình công nghệ phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở địa phương theo hướng tận dụng những lợi thế, đặc thù của vùng, đặc biệt là các tiểu vùng sinh thái, khí hậu khác nhau; đa dạng hóa sản phẩm; chế biến sâu các loại sản phẩm bằng các công nghệ chiết xuất, chế biến; tăng cường tiếp cận thị trường thông qua việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, qua hệ thống nhận diện sản phẩm, bao bì, nhãn mác, phương pháp tiếp cận…
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống là cần thiết hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh. Đây là một hoạt động rộng lớn, lâu dài và không chỉ là nhiệm vụ của ngành khoa học mà là hoạt động của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và có sự đầu tư thích đáng thì việc ứng dụng tiến bộ KH&CN mới hiệu quả tích cực, tạo ra sức mạnh vật chất, sức mạnh tinh thần mới cho sự phát triển nền KT-XH, QP-AN của tỉnh.