Thứ ba, 26/09/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
HTX cà phê Lâm Viên - mô hình liên kết sản xuất hiệu quả
09:46 - 07/12/2018
Trong tình hình hiện nay, khi mà vấn đề “đầu vào”, “đầu ra” của sản xuất nông nghiệp đang rất nan giải; các hộ nông dân và ngay cả phần lớn HTX, tổ hợp tác vẫn còn loay hoay giải quyết, thì HTX cà phê Lâm Viên thực sự là một mô hình mới về sự tháo gỡ.
 

Chúng tôi về thôn 3, xã Tân Châu, huyện Di Linh, chưa vào vụ thu hái nên bà con cũng rảnh rang. Hỏi thăm chị Ka MHải về HTX cà phê Lâm Viên, chị cho biết: Nhà mình vào hợp tác xã từ mấy năm rồi, trước đây có 3-4 héc cà phê nhưng giờ chia bớt cho con cái, còn 1 héc thôi. Làm ăn với hợp tác xã thì yên tâm, không phải lo lắng gì. Hợp tác xã mua phân cho, có cà phê thì giao hợp tác xã bán cho. Phân bón giao đến tận nhà, cà phê cũng cân tại nhà luôn. Rất tiện, không lo mua phải phân giả, cà bán không lo bị ép giá.  

Cũng trong thôn, ông K’Nổ dẫn chúng tôi ra vườn cà phê và vui vẻ cho biết: Nhà bác vào hợp tác xã từ năm 2012. Hợp tác xã hướng dẫn kỹ thuật, cho vay vốn sản xuất. Vào HTX là mua chung, bán chung, mua phân bón chung thì giá thấp, hàng thật; bán cà phê chung thì giá cao, lợi nhuận của hợp tác xã, thì mình cũng có phần trong đó, vậy là quá tốt chứ. Nhà bác có gần 3 héc, năm rồi trồng lại 7 sào, sắp tới chắc cũng thay mấy sào nữa.   

Đây là hai trong số 16 hộ gia đình của thôn 3, xã Tân Châu là thành viên HTX cà phê Lâm Viên. HTX được thành lập từ năm 2010 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011, trên cơ sở “Dự án nâng cao chất lượng sản xuất và kinh doanh cà phê robusta bền vững” của tỉnh, bao gồm những nhóm nông dân được tập huấn chương trình cà phê bền vững ở 06 xã thuộc huyện Di Linh, gồm Đinh Lạc, Tân Thượng, Tân Châu, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm. Hiện HTX có 137 hộ thành viên (gần một nửa là bà con DTTS), với 215 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C.

HTX Lâm Viên được coi là mô hình mới, với 2 bộ máy hoạt động độc lập, tách bạch chức năng quản lý và điều hành. Các thành viên của HTX được sắp xếp vào các tổ nhóm theo địa bàn, HTX tổ chức họp nhóm hàng tháng, thường từ ngày 1 đến ngày 5 hàng tháng, và duy trì đều đặn trong năm để thông tin giữa HTX và các thành viên được thường xuyên. 

Chị Trần Thị Liên - Giám đốc HTX cho biết, đầu mỗi vụ cà phê, HTX sẽ đưa ra hợp đồng chi tiết các điều khoản ký kết giữa HTX với các thành viên (ví dụ: HTX cung cấp phân bón, công lao động…). Thông qua hợp đồng, HTX xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong niên vụ mới, làm như vậy, HTX chủ động các hoạt động, chủ động được nguồn vốn đầu tư cho các hộ thành viên. Cuối năm, Ban kiểm soát thực hiện kiểm toán nội bộ, có thể thuê kiểm toán độc lập bên ngoài nếu thấy cần thiết và báo cáo trước đại hội thành viên.

Cụ thể, HTX ứng trước 100% lượng phân bón vô cơ, (với định mức 13 bao/ha x 3 đợt/năm), lượng phân chuồng được quy ra tiền (7 triệu đồng/ha), 60% số tiền công lao động (150 ngàn đồng/ngày)… Cuối vụ, các hộ giao sản phẩm trả nợ và ký gửi cho HTX bán. Mỗi năm, sản lượng cà phê tiêu thụ thông qua HTX từ 300-350 tấn nhân khô. Như vậy, HTX lo cả “đầu vào” “đầu ra”, từ cung ứng phân bón, đến tiêu thụ sản phẩm. Phân bón cùng chủng loại, chăm sóc theo quy trình, và bán sản phẩm cùng địa chỉ. Thực tế, nếu mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhỏ lẻ qua các đại lý thì giá sẽ cao, làm tăng chi phí đầu vào, chưa kể nhiều rủi ro mua phải hàng kém chất lượng; còn HTX đứng ra mua chung với số lượng lớn, trực tiếp với nhà máy, giá sẽ thấp hơn. Mỗi lô hàng đều gửi mẫu đi kiểm định, bảo đảm về chất lượng. Việc bán chung sản phẩm cà phê thông qua HTX cũng rất tiện lợi cho các hộ nông dân. Trước hết, việc đánh giá sản phẩm được thực hiện công khai, minh bạch; giá cả thị trường được HTX cập nhật hàng ngày, quyết định bán ra được bàn bạc thống nhất, bảo đảm đúng thời điểm, giá tốt. Qua mấy niên vụ, hầu hết các thành viên đều hài lòng với giá bán cà phê của HTX.

Trong tình hình hiện nay, khi mà vấn đề “đầu vào”, “đầu ra” của sản xuất nông nghiệp đang rất nan giải; các hộ nông dân và ngay cả phần lớn HTX, tổ hợp tác vẫn còn loay hoay giải quyết, thì HTX cà phê Lâm Viên thực sự là một mô hình mới về sự tháo gỡ. Bài học kinh nghiệm về mô hình HTX cà phê Lâm Viên là kết hợp hài hòa giữa lợi ích xã viên và hiệu quả kinh tế của HTX. HTX phải làm ăn có lãi mới có thể duy trì được bộ máy quản lý và điều hành. Để quản trị tốt hoạt động của HTX, thì nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý và chức năng điều hành là rất cần thiết, tạo sự minh bạch trong hoạt động của HTX. Ban kiểm soát với vai trò giám sát mọi hoạt động và tình hình tài chính của HTX, là yêu cầu cần thiết tạo sự tin tưởng của toàn thể thành viên; Cần nâng cao hiệu quả dịch vụ cung ứng cho xã viên về chất lượng các vật tư đầu vào, cũng như tạo ra lợi thế cạnh tranh khi tiêu thụ sản phẩm so với khu vực tư nhân; Và cùng đó là vấn đề năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, duy trì hoạt động có hiệu quả.  
Nguồn: khuyennong.lamdong.gov.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá