(Cổng ĐT HND)- Việc xây dựng các mô hình kinh tế gắn với phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm tạo điều kiện nên phong trào được phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc.
 |
Nông dân Hoà Bình tập trung phát triển nông sản sạch, chất lượng cao |
Ngay từ đầu năm các cấp Hội phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, 100% xã, phường, thị trấn phát động phong trào và vận động hội viên nông dân đăng ký, kết quả có 72.000 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Hội Nông dân các huyện, thành phố đã tích cực hướng dẫn thực hiện các mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả và vận động nông dân nhân rộng các mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi mang lại thu nhập cao như hộ ông Vũ Văn Thái, xã Ngọc Lương (Yên Thuỷ) với mô hình kinh doanh dịch vụ, cung ứng cây giống; trồng trọt, chăn nuôi; Ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình) với mô hình sản xuất chế biến tinh bột sắn, dong riềng và Trồng cây có múi, trồng cây dược liệu; ông Phạm Văn Xuân, thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) với mô hình ản xuất kinh doanh: hòn non bộ, bàn ghế đá, đá cổ thạch, đá lũa đen, đá cuội, đá can xít,… duy trì hoạt động của mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ (Lương Sơn), mô hình cam (Cao Phong), mô hình trồng bưởi đỏ (Tân Lạc), mô hình chăn nuôi gà, dê huyện (Lạc Thủy), mô hình rồng nhãn (Kim Bôi), mô hình trồng dổi lấy hạt ở Lạc Sơn, thêu, dệt thổ cẩm Mai Châu...
Để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Hội đã triển khai hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ HTND, nhận ủy thác với các ngân hàng để hỗ trợ hội viên. Tập trung chú trọng công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho bà con. Hiện, tổng dư nợ các ngân hàng do Hội quản lý đạt hơn 3.550 tỷ đồng; đã cho trên 61.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế.
Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn thực sự hiệu quả đã tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần hình thành và phát triển các mô hình trang trại, gia trại, xây dựng các tổ hợp tác, HTX, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hơn 10 năm qua, đã có gần 250 tổ hợp tác, 73 Hợp tác xã, 87 chi, tổ hội nghề nghiệp được hướng dẫn thành lập.
Hội thường xuyên chỉ đạo Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh định hướng nội dung dạy nghề nông dân sản xuất các loại cây, con chủ lực gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Đồng thời chỉ đạo các cấp cơ sở Hội tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, lựa chọn con giống phù hợp để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều năm qua đã xuất hiện các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, giúp hội viên thoát nghèo và làm giàu.