Thứ bảy, 30/09/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Huyện Gia Lộc (Hải Dương): Hiệu quả bước đầu thực hiện chuyển đổi số với hội viên, nông dân
17:07 - 20/09/2022
(Cổng ĐT Hội ND) - Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào nông dân, trong sản xuất nông nghiệp được Hội ND huyện triển khai tích cực. Từ những hiệu quả bước đầu đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu tập thể “Rau an toàn Gia Lộc” ngày càng phát triển.

Ngày 13/9, đoàn công tác của Đại sứ quán Hà Lan đã đến làm việc tại Hợp tác xã Tân Minh và thăm mô hình áp dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp trong nhà màng

 
Toàn huyện có 17 xã và 01 thị trấn; 104 thôn, khu dân cư; 147.729 người, 18 tổ chức cơ sở Hội, 35.637 hội viên, nông dân. Tổng diện tích đất tự nhiên 9.971 ha; diện tích đất nông nghiệp là 5.327,66 ha; diện tích đất canh tác 4.872,14 ha. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, các cấp Hội trong toàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai hiệu quả chuyển đổi số áp dụng trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát triển các mô hình kinh tế tập thể mới.

 
Hội ND huyện đã tích cực tham mưu với Ban Thường vụ huyện ủy, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh, phối hợp với UBND huyện và các phòng ban liên quan thực hiện việc chuyển đổi số nhằm cải cách thủ tục hành chính; thu hút tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh… Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với đổi mới phương thức tổ chức sản xuất; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp tham gia, liên kết vào quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn sản xuất với thị trường; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”.

 
Hiện nay, công nghệ số đã được tuyên truyền, ứng dụng trong mọi lĩnh vực của Hội ND huyện, từ việc lãnh đạo, tham gia quản lý đến sản xuất, tiêu thụ… Đã có hơn 90% nội dung tuyên truyền của tổ chức Hội thực hiện trên không gian mạng. Hơn 80% các thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội cấp huyện được cập nhật kịp thời trên hòm thư điện tử dùng chung, zalo nhóm. Khai thác hiệu quả Cổng thông tin điện tử do Hội ND huyện quản lý, phục vụ trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo tổ chức cơ sở Hội.

 
Theo đó, thời gian qua, Hội ND huyện đã biên tập, viết hơn 60 tin, bài đăng trên Cổng thông tin điện tử với lượt truy cập đạt trên 1,13 triệu lượt; đăng 28 bản tin trên Cổng thông tin điện tử Hội Nông dân Việt Nam và trên Cổng thông tin của UBND huyện Gia Lộc. Thông qua các phương tiện trên, việc tuyên truyền, trao đổi thông tin nhiều chiều giữa các cấp Hội trở nên tiện lợi, nhanh chóng, đầy đủ; mặt khác, nhiều ý kiến xác đáng của hội viên được lãnh đạo Hội nắm bắt, giải quyết kịp thời nhờ hình thức chia sẻ này.

 
Thực hiện chuyển đổi số, các cấp Hội đã đổi mới phương thức hoạt động, chất lượng hoạt động không ngừng được nâng cao, dịch vụ hỗ trợ nông dân đáp ứng và dần theo kịp cơ chế thị trường. Hội đã làm tốt công tác đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư phân bón cho hội viên, nông dân; phối hợp với ngành chức năng tổ chức 86 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về cây, con, giống mới cho trên 4.700 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 13 lớp dạy nghề tại chỗ cho 455 hội viên; tổ chức 14 đoàn công tác với trên 460 cán bộ chủ chốt Hội cơ sở, hội viên tiêu biểu đi thăm mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm hay các mô hình mới cả trong và ngoài tỉnh.

 
Hội ND huyện phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giải ngân 96,6 tỷ đồng tại 82 Tổ TK&VV cho 1.952 lượt hộ nông dân vay vốn. Đồng thời, phối hợp nâng tổng dư nợ nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đạt 50,574 tỷ đồng cho 355 hộ vay. Đến nay, nguồn Quỹ HTND huyện đạt trên 7,3 tỷ đồng đang cho 297 hộ vay. Đáng chú ý, để tiếp cận nguồn vốn mới, thông qua Quỹ Hội Nông dân Châu Á, Hội ND huyện đã hỗ trợ 850 triệu đồng cho các hộ hội viên, nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để thực hiện 04 mô hình kinh tế tập thể, triển khai tại địa bàn các xã : Nhật Tân, Đồng Quang, Phạm Trấn, Thống Nhất.

 
Nhờ thực hiện tốt chuyển đổi số, công tác tuyên truyền, kết nạp hội viên, nông dân trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi tích cực. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội kết nạp được 325 hội viên, đạt 92,8% kế hoạch tỉnh giao; nâng tổng số hội viên trong toàn huyện lên 35.637 hội viên (bằng 152% so với hộ nông dân, tăng 9,2% so với năm 2021). Một số cơ sở Hội phát triển hội viên tiêu biểu như các xã: Gia Khánh, Yết Kiêu, Tân Tiến, thị trấn Gia Lộc.

 
Thực hiện chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh. Hội ND huyện đã xây dựng thành công 30 mô hình kinh tế tập thể cấp huyện, 290 mô hình kinh tế tập thể cấp cơ sở. 

 
Đặc biệt trong việc thực hiện Kế hoạch số 08-KH/HU của huyện ủy về “Quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sạch; ưu tiên các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2021-2022”, thực hiện chuyển đổi số, Hội ND huyện đã làm tốt công tác quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể "Rau an toàn Gia Lộc".

 
Các cấp Hội đã trực tiếp phối hợp với VNPT tỉnh Hải Dương triển khai giúp 6 tổ chức và cá nhân gồm: Nhà vườn Nam Nhung (xã Toàn Thắng); cơ sở sản xuất rau mầm Trung Anh (thị trấn Gia Lộc); Hợp tác xã Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn); cơ sở sản xuất rau an toàn Lê Thạc Bình và nhà vườn Mạnh Đoàn (xã Đoàn Thượng); nhà vườn Phạm Du (xã Yết Kiêu). Cụ thể một số phần việc như: Thiết kế nội dung và hình thức tem truy xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bàn giao gần 60.000 tem truy xuất nguồn gốc có gắn nhãn hiệu tập thể "Rau an toàn Gia Lộc" do Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép cho Hội ND huyện theo Quyết định số 71730/ QĐ-SHTT, ngày 12/10/2018.

 
HTX Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn là đơn vị điển hình áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất. Đến nay, HTX trực tiếp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; liên kết các nông hộ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn sinh học, hình thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng. Thành lập từ năm 2014, đến nay, HTX có 168 thành viên, 37 ha sản xuất chuyên trồng rau quả an toàn theo quy trình VIETGAP với các loại chủ lực như: Bầu, bí, mướp, cải bắp…

 
Theo ông Phùng Thanh Mừng- Giám đốc HTX Tân Minh Đức, cũng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương 5 năm liên tục cho biết: Năm 2017, ông bắt đầu xây dựng mô hình này tại địa phương với diện tích 7.000 m2. Đến nay, diện tích tăng lên 30.000 m2 với hệ thống khung nhà màng, tưới nước tự động… kinh phí đầu tư khoảng 12 tỷ đồng.

 
Mô hình này chủ yếu trồng dưa vân lưới và dưa chuột baby. Doanh thu đạt từ 30- 35 triệu đồng/sào, tăng 25- 30 triệu đồng/sào so với cách trồng truyền thống. Tất cả sản phẩm nông sản đều có hợp đồng bao tiêu. Mỗi ngày, HTX Tân Minh Đức cung ứng 1- 2 tấn rau củ quả cho thị trường, doanh thu mỗi năm đạt 12 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ mở rộng diện tích thêm 20.000 m2 nhà màng, nhà lưới.

 
Ngoài ra, huyện cũng đang đẩy mạnh việc phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao. Tiêu biểu là HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt ở xã Hồng Hưng. Từ 8 thành viên với diện tích nuôi thủy sản 10 ha, HTX hiện đã có 28 thành viên, diện tích sản xuất 136 ha. Trong đó, 70% diện tích được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là mô hình nuôi cá "sông trong ao".


Anh Lê Văn Việt- Giám đốc Hợp tác xã, vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc cho biết: Trước đây, sản xuất theo phương thức truyền thống không hiệu quả nên anh cùng HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 5 bể theo mô hình tạo sông trong ao để nuôi cá với diện tích 2,5 ha. Bể nuôi cá theo mô hình này được lắp đặt 1 máy sục khí công suất lớn tạo dòng chảy liên tục trong bể để thay đổi nguồn nước và một máy cho cá ăn tự động nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho cá... Tổng chi phí khoảng 300-500 triệu đồng/bể.

 
Công nghệ mới giúp giảm tỷ lệ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, sản lượng cá đạt cao gấp 5- 7 lần so với phương thức nuôi truyền thống, thịt cá dai và thơm ngon. Mỗi năm, HTX xuất bán trên 5.000 tấn cá thương phẩm; trong đó, 3.500 tấn cá rô phi, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng. Đồng thời còn tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập khoảng 6- 8 triệu đồng/người/tháng.

 
Tính đến tháng 8/2022, toàn huyện có 167.000 m2 nhà màng, nhà lưới; 26 vùng gieo cấy lúa tập trung với tổng diện tích 553 ha; 41 vùng rau màu tập trung với tổng diện tích 600 ha. Có 51 đơn vị, cá nhân thuê mượn ruộng sản xuất tập trung với tổng diện tích khoảng 550 ha. Giá trị dịch vụ nông nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.

 
Thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030", đến nay huyện đã có 10 sản phẩm tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh. Kết quả, có 04 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 06 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, sản phẩm 3 sao…

 
Thời gian tới, Hội ND huyện luôn nhận định, chuyển đổi số trong công tác Hội và phong trào nông dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương là một xu thế tất yếu. Để chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn trong công tác Hội và phong trào nông dân, trong phát triển nông nghiệp những năm tới cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là người nông dân phải sẵn sang thay đổi tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ… đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Nguyễn Văn Trung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá