 |
Nhiều hộ nông dân tiêu biểu có mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao |
Qua bình xét, mỗi năm có trên 100.000 hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 82% số hộ đăng ký (trong đó số hộ nông dân sản SXKD giỏi cấp Trung ương chiếm 1%, cấp tỉnh chiếm 3%, cấp huyện chiếm 16%; cấp cơ sở chiếm 80%). Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu có mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao.
Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) cho thu nhập 2,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 12 lao động; mô hình chăn nuôi lợn của ông Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động; Mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình ông Nguyễn Văn Sự, xã Hợp Đức,Tân Yên thu nhập bình quân hàng năm 2,5 tỷ đồng, thường xuyên tạo việc làm cho 50 lao động; mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Ngô Văn Ánh, xã Bảo Đài, Lục Nam thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 15 lao động.
Hằng năm, các cấp Hội cũng trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 1000 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 102.000 lượt hội viên nông dân; vận động, hướng dẫn nông dân xây dựng trên 300 mô hình điểm SXKD trong đó có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Điển hình như Dự án KHCN cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới rừng" tại huyện Sơn Động, diện tích 5 ha; Phối hợp Trung tâm nghiên cứu khoa học nông vận Trung ương Hội triển khai dự án "Xây dựng mô hình trồng rau theo chuỗi giá trị bảo đảm an toàn thực phẩm" tại xã Trung Sơn (Việt Yên) với diện tích 3 ha; triển khai 02 mô hình gồm: Nuôi cá thâm canh theo hướng an toàn sinh học tại xã Lão Hộ (Yên Dũng) với diện tích 7.000 m2; 03 hộ tham gia; trồng cây ngô ngọt tại xã Quang Tiến (Tân Yên) với diện tích 02 ha với 35 hộ tham gia 2ha; phối hợp Công ty Tiến Nông quản lý, theo dõi 08 mô hình sử dụng phân bón Tiến Nông tại 04 huyện: Việt Yên, Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng với tổng diện tích 04 ha trên cây lúa, ngô, dứa.
Hội Nông dân tỉnh chủ động phối hợp, liên kết với Công ty Cổ phần công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty Cổ phần giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Máy kéo và Máy nông nghiệp; chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tích cực cung ứng vật tư đầu vào theo hình thức trả chậm; giúp nông dân tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất khi mua máy nông nghiệp giúp nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.Hội đã cung ứng được trên 24.000 tấn phân bón trả chậm; 3.114kg giống lúa J02 và 827kg giống lúa QR15 vụ chiêm xuân 2020-2021; 162 máy nông nghiệp các loại với trị giá trên 4 tỷ đồng.
Các cấp Hội tổ chức các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng và truy cập Internet để khai thác thông tin thị trường, giá cả, quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hội đã thành lập 17CLB nông dân với internet, tổ chức gần 30 lớp tập huấn công nghệ thông tin cho gần 30.000 nông dân.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông ngiệp và PTNT, Sở Công thương hai năm một lần tổ chức lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang. Qua 3 lần phối hợp đã tôn vinh 66 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang; lựa chọn sản phẩm nông nghiệp tham gia bình chọn sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức như Vải thiều Lục Ngạn; Gạo thơm Yên Dũng, Gà đồi Yên Thế; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc và bao bì cho sản phẩm Ba kích tím Thanh Luận (Sơn Động) và Khoai sọ Khám Lạng (Lục Nam); tổ chức 07 hội nghị tọa đàm giữa doanh nghiệp với nhà nông về vấn đề liên kết tiêu thụ nông sản với 1.020 đại biểu tham dự.
Với tinh thần "Kết nối nông sản- san sẻ yêu thương- vượt qua đại dịch", Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân liên kết sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế rủi ro biến động của thị trường; tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các điểm bán hàng lưu động, qua hệ thống cửa hàng nông sản,...cùng với các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội chung tay hỗ trợ tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản góp phần giảm thiệt hại cho nông dân do dịch Covid-19.
Hội đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ 5.483 tấn nông sản bao gồm: vải 3.057 tấn (trong đó vải thiều Lục Ngạn 2.088 tấn, còn lại các huyện Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Sơn Động); 1.729 tấn dứa, dưa hấu, dưa lê, dưa vàng, thanh long; 458 tấn rau củ quả; gà, vịt, chim bồ câu 206 tấn…
Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm nhằm tìm giải pháp hỗ trợ vốn cho nông dân, giúp nông dân hiểu biết về kiến thức khởi nghiệp, về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, an toàn lao động, vận động nông dân ký cam kết sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn, tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý.
Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Trung tâm Hỗ trợ nông dân tổ chức 21 lớp học nghề cho 630 học viên; các cấp hội phối hợp tổ chức được trên 180 lớp cho 5.969 lao động với trình độ sơ cấp nghề; tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau học nghề đạt gần 90%, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng ngành nghề mới, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.
Năm năm qua phong trào nông dân SXKD giỏi tiếp tục được duy trì và phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã thu hút đông đảo hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề, kinh tế trang trại và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.