 |
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Ảnh minh họa |
Nổi bật như mô hình "Hội viên nông dân là tín đồ các tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo", "Điển hình nông dân giáo hữu sản xuất kinh doanh giỏi, "Nông dân là tín đồ tôn giáo đảm bảo an ninh trật tự”…
Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên nông dân bằng các hình thức tuyền truyền phong phú, đa dạng, như: Tổ chức hội nghị triển khai thông qua các hoạt động Hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân…
Trong đó, có các nội dung tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo...
Ở các địa phương có đông đồng bào theo đạo, đã vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo lồng ghép nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về sinh hoạt tôn giáo vào trong chương trình giảng đạo, các loại hình sinh hoạt tôn giáo để các tín đồ, trong đó phần lớn là nông dân hiểu và tự giác thực hiện.
Nội dung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và của Hội cấp trên; kịp thời biểu dương những gương điển hình, tiên tiến, động viên những cán bộ, hội viên nông dân là tín đồ tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, "sống phúc âm trong lòng dân tộc", qua đó giúp cán bộ, hội viên nông dân nhất là cán bộ, hội viên, nông dân vùng đồng bào có đạo nâng cao nhận thức, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động.
Mười năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 4.587 buổi tuyên truyền, thu hút trên 161.382 lượt hội viên. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã trích kinh phí đặt mua báo Nông thôn ngày nay cấp cho 100% các cơ sở Hội vùng đồng bào có đạo. Hội Nông dân tỉnh phát hành 50.000 cuốn Bản tin Nông dân Ninh Bình cấp miễn phí đến các chi Hội, xây dựng Trang Thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân vùng giáo. Từ đó góp phần quan trọng để hội viên, nông dân vùng giáo tự giác thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự của địa phương.
Toàn tỉnh có 88 xã có nông dân là người có đạo, cả 88 cơ sở đều đã có tổ chức Hội với 481 chi Hội. Toàn tỉnh có 132.802 hội viên, trong đó 18.198 hội viên là người Công giáo. Một số đơn vị làm tốt công tác phát triển hội viên là người gốc giáo như huyện Kim Sơn, huyện Gia Viễn. Bên cạnh đó, các cơ sở Hội vùng giáo đã chú trọng xây dựng quỹ Hội để phục vụ cho các hoạt động của Hội và thăm hỏi hội viên lúc vui buồn, 100% cơ sở Hội, chi Hội có quỹ hoạt động, bình quân quỹ chi Hội đạt 135.000đ/hội viên, có chi Hội đạt mức 500.000đ/hội viên. Toàn tỉnh có 201 đ/c cán bộ Hội từ cấp chi trở lên là người gốc giáo.
Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng lực lượng cốt cán tôn giáo ở 29 cơ sở có đông đồng bào có đạo, mỗi cơ sở có ít nhất một cốt cán tôn giáo là cán bộ hoặc hội viên nông dân đang sinh hoạt tại địa bàn có đông đồng bào tôn giáo, uy tín tại địa phương.
Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 37 cốt cán, trong đó có 21 cốt cán là đảng viên. Lực lượng cốt cán tôn giáo đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác Hội và phong trào nông dân, tham gia vận động nông dân có đạo chấp hành các quy định của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, sẵn sàng cung cấp cho tổ chức Hội những thông tin về hoạt động tôn giáo ở địa phương.
Mười năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 72 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho 4.981 lượt cán bộ Hội các cấp thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng đã giúp cho các học viên hiểu sâu sắc hơn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vể tôn giáo; cập nhật kịp thời tình hình hoạt động các tôn giáo và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo hiện nay, nắm chắc các vấn đề liên quan về chống địch lợi dụng tôn giáo, công tác vận động chức sắc và tín đồ các tôn giáo, phòng chống âm mưu lợi dụng tôn giáo; các phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên nông dân vùng giáo...
Các cấp Hội đã triển khai nhiều việc làm có hiệu quả giúp nông dân vùng đồng bào có đạo thoát nghèo vươn lên làm giàu như: tín chấp vốn vay, mua phân bón trả chậm, tổ chức chuyển giao KHKT, tổ chức các lớp dạy nghề .v.v... 10 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 2.189 buổi tập huấn KHKT cho hội viên nông dân vùng đồng bào có đạo. Phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức 169 lớp dạy nghề cho 2.030 hội viên, nông dân là người công giáo.
Tiêu biểu như lớp dạy nghề trồng Thanh Long ruột đỏ và rau an toàn tại xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn; lớp dạy nghề đan bèo bồng tại xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, lớp dạy nghề mỹ ký tại xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, lớp dạy nghề đan cói tại xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh...
Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội xây dựng nhiều mô hình mới trong công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân là tín đồ các tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo như: tại Chi Hội Đồng Chưa, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, mô hình "Nông dân là tín đồ tôn giáo đảm bảo an ninh trật tự" tại xã Ninh Nhất, phường Nam Bình, Ninh Phong ,TP Ninh Bình; mô hình mới “Hội viên nông dân là các tín đồ tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo” tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô.v.v...Đã xuất hiện nhiều “ điển hình nông dân là hội viên Công giáo sản xuất kinh doanh giỏi" như: Hộ Ông Phạm Đặng Khuyến tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, doanh thu hàng năm bình quân trên 50 tỉ đồng, có 140 lao động thường xuyên, với mức thu nhập từ 4.200.000 đồng đến 5.500.000 đồng/người/tháng. Có 75 vệ tinh thu hút từ 3.500 – 5.000 lao động là hội viên nông dân ở nông thôn trong huyện và các huyện lân cận với mức thu nhập từ 2.500.000 đồng – 4.500.000 đồng/người/tháng.
Hay hộ anh Phạm Văn Vang, xã Yên Thành , huyện Yên Mô - chủ cơ sở sản xuất gốm sứ Bồ Bát; ông Nguyễn Hữu Huân - tín đồ Công giáo xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 12 - 17 lao động với mức thu nhập ổn định từ 3,2 - 4 triệu đồng; ông Phạm Khắc Nhu, xã Yên Sơn, TP Tam Điệp với mô hình chăn nuôi tổng hợp thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, hàng năm, có 100% gia đình hội viên nông dân vùng đồng bào có đạo đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hoá, tích cực thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT cho hội viên, nông dân tạo không khí vui tươi, hoà đồng và tinh thần đoàn kết, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nông dân nói chung và nông dân có đạo nói riêng, góp phần tăng cường đoàn kết lương giáo, cùng nhau đoàn kết “Sống tốt đời - đẹp đạo”.