Thành phố Cần Thơ: Thúc đẩy nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ vào sản xuất
(Cổng ĐT HND)- Năm 2021, toàn tỉnh có 76.533 hộ đăng ký; qua bình xét, có 48.356 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp (107,4% chỉ tiêu giao). Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, có chất lượng, quy mô, hiệu quả sản xuất và lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm.
 |
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tập trung với quy mô lớn, hiệu quả cao, bền vững. |
Các cá nhân tiên tiến tiêu biểu như: Hộ ông Hồ Bá Phiêu (quận Thốt Nốt) với mô hình sản xuất lúa giống thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí; ông Trần Thanh Liêm (quận Thốt Nốt) sản xuất lúa giống thu nhập 1 tỷ đồng/năm; ông Đặng Văn Đậu (quận Thốt Nốt) trồng lúa, nấm, nuôi ếch, ghe chở mướn, cho thu nhập 950 triệu đồng/năm; ông Trần Vang Liền (huyện Phong Điền) với vườn, ao kết hợp với du lịch sinh thái, lợi nhuận trên 750 triệu đồng/năm; hộ ông Lê Hoàng Thông (huyện Phong Điền) với diện tích 1 ha trồng sầu riêng, lợi nhuận trên 600 triệu đồng/năm; hộ ông Phạm Văn Lơ – Giám đốc HTX Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền) có diện tích 1 ha trồng nhãn Idol và kết hợp với thu mua nông sản của nông dân, lợi nhuận trên 650 triệu đồng/năm…
Trước tình hình lúa hàng hóa bấp bênh “được mùa, mất giá”, ông Tiêu Ngọc Lợi ở ấp Tân Lập, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động chọn trồng những giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với diện tích 20ha, ông Lợi trồng 3 vụ/năm các giống lúa chủ yếu là Jasmine, Ðài thơm... Vụ lúa đông xuân 2020-2021 có năng suất cao; thương lái mua với giá 6.500 đồng/kg lúa tươi. Với diện tích 20ha, ông thu nhập khoảng 700 triệu đồng.
Bên cạnh kiên trì tìm hiểu, học hỏi, nắm bắt kiến thức, kinh nghiệm, ông Lợi thường xuyên tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa chất lượng cao. Ðồng thời, áp dụng các chương trình canh tác tiến bộ trên cây lúa như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” để lúa đạt năng suất và chất lượng cao, giảm chi phí đầu tư và nâng cao thu nhập.
Những năm gần đây, ông còn nuôi cá tra giống, trồng cây ăn trái và kinh doanh vật tư nông nghiệp. Riêng việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, ông Lợi có doanh thu trên 15 tỉ đồng/năm, lãi gần 1 tỉ đồng/năm; hỗ trợ nhiều nông hộ gặp khó khăn về nguồn vốn sản xuất bằng việc bán vật tư nông nghiệp trả chậm, không tính lãi. Ông đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Hay ông Dương Ðình Vũ ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh lại tiên phong trong việc trồng lúa sạch. Đến nay, ông đã làm chủ được quy trình và kỹ thuật trồng lúa sạch cho năng suất cao. Hiện ông sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cung cấp dinh dưỡng cho lúa và phòng trừ sâu, bệnh… Với cách làm này, ruộng lúa của ông đã cải thiện được năng suất, sản xuất đảm bảo có lãi.
Hiện ông đang trồng 5ha lúa ST24, Ðài thơm và gạo tím than theo quy trình khép kín và sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng. Với giá bán từ 16.000-25.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng, ông xuất bán 4-5 tấn gạo vào các siêu thị, các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Ông Vũ còn vận động nhiều hội viên trên địa bàn ấp phát triển mô hình trồng lúa sạch và đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, ông còn nuôi cá trê xuất khẩu. Với 4 công ao nuôi cá trê, thu hoạch mỗi vụ 60 tấn cá và được các thương lái thu mua xuất bán sang thị trường Campuchia với giá 18.000-26.000 đồng/kg. Mỗi năm nuôi 2 vụ, mỗi vụ thu hoạch được khoảng 60 tấn cá, trừ mọi chi phí, ông thu lãi 400-500 triệu đồng/vụ.
Cơ sở nuôi cá bè, chế biến kết hợp phục vụ du lịch Bảy Bon của ông Lý Văn Bon, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy ban đầu chỉ nuôi cá thác lác cườm. Cùng với việc nuôi cá bè, ông còn nghiên cứu thuần chủng và bảo tồn hơn 15 loại cá quý hiếm trên sông Mekong, như: Cá trà sóc, cá hô, cá nanh heo, cá leo... Ngoài ra, bè cá còn mở cửa đón khách du lịch đến tham quan. Với mô hình này, lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí đạt từ 1,2-1,7 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh đó, với vai trò là Tổ phó Tổ hợp tác nuôi cá bè trên sông Cồn Sơn, nhiều năm qua, ông Bon còn chủ động tổ chức, hướng dẫn cho các thành viên trong Tổ hợp tác áp dụng quy trình nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, việc sản xuất của các thành viên Tổ hợp tác ngày càng phát triển thuận lợi.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tập trung với quy mô lớn, hiệu quả cao, bền vững như: Tổ hợp tác trồng chuối cấy mô ở huyện Cờ Đỏ với diện tích 97 ha; mô hình nhãn Thái Thanh ở huyện Cờ Đỏ với diện tích 87 ha; mô hình trồng nhãn Idol của tổ hợp tác nhãn Đồng Tâm - Định Môn, huyện Thới Lai với diện tích 117 ha…
Tiêu biểu là Tổ hợp tác nuôi cá lồng bè ở Cồn Sơn, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy có 7 thành viên tham gia với số lượng 60 lồng bè. Các thành viên trong tổ hợp tác nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, cá thát lát cườm, cá tra, cá trê…
Ông Lê Ngọc Quí – Tổ trưởng tổ hợp tác đang nuôi 20 lồng bè cá điêu hồng. Trung bình mỗi năm ông xuất bán trên 600 tấn cá; trừ mọi chi phí, ông còn lãi hàng trăm triệu đồng. Ông đã ký hợp đồng với HTX thu mua cá điêu hồng số lượng từ 300-700kg cá/ngày, với giá bán 36.000-40.000 đồng/kg. Từ khi thành lập THT đến nay, các thành viên trong THT được tham quan, tập huấn về kỹ thuật nuôi cá lồng bè. Qua đó, các thành viên đã tuân thủ, ứng dụng đúng các quy trình nuôi, đảm bảo môi trường, sản phẩm có đầu ra ổn định, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các thành viên.
Từ phong trào, nhiều hộ nông dân đã thành lập các doanh nghiệp loại vừa và nhỏ trong nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các Tổ hợp tác, Hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn thành phố đã có 134 Hợp tác xã nông nghiệp với 2.747 thành viên và 1.319 tổ hợp tác sản xuất hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực với 44.466 thành viên. Hội đã củng cố và thành lập mới 101 Hợp tác xã và 600 Tổ hợp tác, giúp hội viên nông dân thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các cấp Hội cũng hướng dẫn xây dựng được 26 nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm nông nghiệp của nông dân, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi.
Hàng năm, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Năm 2021, nguồn Quỹ HTND thành phố đã triển khai 41 dự án thâm canh, trồng mới cây ăn trái, trồng sầu riêng, sản xuất rau an toàn, chăn nuôi dê, sản xuất lúa chất lượng cao… với dư nợ 18 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác cho vay 13 dự án với dư nợ 6,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ngân hàng CSXH, các cấp Hội giới thiệu 35.343 hộ vay phát triển sản xuất với dư nợ trên 1.000 tỉ đồng; phối hợp ngân hàng NN&PTNT giúp 198 hội viên, nông dân vay trên 44 tỉ đồng.
Nhằm hỗ trợ cho hội viên, nông dân khó khăn trên địa bàn thành phố ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, với tinh thần “Người có của góp của, người có công góp công; có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”, các cấp Hội đã vận động, tiếp nhận và hỗ trợ 450 phần quà an sinh, 250 suất cơm, 01 tấn gạo, 80 hộp thuốc cảm với tổng trị giá 143,9 triệu đồng trao tặng cho hộ nghèo, cận nghèo, hội viên, nông dân, người dân khó khăn, người trong các khu cách ly; phối hợp vận động 300 phần quà (gạo, nhu yếu phẩm, thực phẩm…) trị giá 66,2 triệu đồng tặng các hộ dân nghèo từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng có dịch trở về địa phương.
Các cấp Hội còn giúp 144 hộ hội viên thoát nghèo với số tiền quyên góp hỗ trợ 738,2 triệu đồng, 6.148 ngày công lao động; xây dựng 10 căn nhà “Mái ấm nông dân” cho hội viên, nông dân nghèo, khó khăn. Trong đó, Hội ND các quận: Thốt Nốt, Phong Điền mỗi đơn vị vận động xây dựng được 02 căn; các đơn vị còn lại mỗi đơn vị xây dựng 01 căn nhà “Mái ấm nông dân”.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã trực tiếp vận động, hỗ trợ quà Tết được 5.825 phần quà, 1.450 kg gạo, trị giá 2,25 tỷ đồng. Trong đó, Hội ND thành phố hỗ trợ 300 phần quà và Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Cần Thơ tặng 300 cuốn lịch blog (trị giá 170 triệu đồng) tặng cho cán bộ, hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo, cán bộ hưu trí dịp Tết Nguyên đán. Hội ND thành phố còn hỗ trợ 50 cặp da và 1.700 quyển vở cho 135 con em cán bộ chi, tổ Hội có hoàn cảnh khó khăn nhằm tiếp sức đến trường năm học 2021-2022.
Có thể khẳng định, hiệu quả của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy nông dân tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đạt năng suất, chất lượng. Đến nay, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ và tạo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.