 |
Ông Hùng chăm sóc đàn lợn |
Năm 2002, gia đình ông xây dựng mô hình chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ. Đến năm 2006, ông mở rộng mô hình chăn nuôi khép kín với cộng nghệ hiện đại từ hệ thống chuồng trại kết hợp với đảm bảo vệ sinh môi trường. Trang trại tuân thủ nội quy “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và được xây dựng đúng chuẩn kỹ thuật, được trang bị hệ thống thông gió, sưởi ấm, làm mát.
Khâu vệ sinh chuồng trại được bảo đảm nghiêm ngặt; khoảng cách từ cổng đến trang trại được rải vôi và có nhân viên kiểm tra theo quy định. Mỗi ngày đàn lợn đều được chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng; định kỳ 3 ngày sẽ phun thuốc khử trùng một lần để bảo đảm an toàn. Các vấn đề vệ sinh về nguồn nước, nguồn thức ăn đều được chú trọng nhằm tăng cường khả năng đề kháng cho đàn lợn.
Trong 2 năm vừa qua, mặc dù do ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, nhưng với quyết tâm vươn lên, gia đình ông vẫn phát triển mô hình chăn nuôi lợn và cho thu nhập ổn định.
Đến nay, trang trại lợn của gia đình ông có gần 400 con lợn các loại, trong đó có hơn 300 lợn thịt và 80 lợn nái sinh sản.
Trung bình một năm gia đình ông sẽ cho xuất bán trên 1.000 con lợn các loại, trừ chi phí mỗi năm, trang trại cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Mô hình của gia đình ông thường xuyên tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập ổn định với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Trao đổi về bí quyết thành công trong chăn nuôi, ông chia sẻ: “Tôi thường xuyên tham khảo kỹ thuật chăn nuôi cùng với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn trong việc đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, vệ sinh môi trường, lựa chọn kỹ con giống, quan trọng nhất là chăn nuôi phòng dịch an toàn sinh học, phun sát khuẩn định kỳ, hạn chế người ra vào”.
Bên cạnh đó, ông tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách làm; ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật trong chăn nuôi cho bà con. Với những nỗ lực đó ông là tấm gương để mọi người học tập và noi theo.