Bến Tre: Cải tiến máy xay tàu lá dừa góp phần nâng cao giá trị nông sản
(Cổng ĐT HND) –Từ máy xay tàu lá dừa công suất 1,2 tấn/ngày do HTX Dừa Phú Nông, xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre chế tạo trước đây, nhóm tác giả Nguyễn Khuyến Khích, Võ Văn Dân, Lê Hoàng Quốc Huy đã cải tiến lên công suất 4 tấn/ngày. Mô hình đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre năm 2020 - 2021.
 |
Ông Nguyễn Khuyến Khích bên chiếc máy xay tàu lá dừa được cải tiến lên công suất 4 tấn/ngày |
Phú Khánh có diện tích trồng dừa 950 ha, trong đó có hơn 800 ha dừa cho trái, sản lượng bình quân hàng năm đạt 9,6 triệu trái. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dừa Phú Nông Nguyễn Khuyến Khích là thành viên mô hình “Cải tiến máy xay tàu dừa lên công suất 4 tấn/ngày”. Theo ông, mụn dừa có nhiều công dụng trong nông nghiệp, nên ông cùng một số thành viên trực tiếp nghiên cứu phương pháp cải tiến từ máy xay tàu lá dừa do HTX chế tạo trước đây để tạo ra sản phẩm có công suất lớn hơn, sản xuất ra sản phẩm chất lượng.
Ông Khích chia sẻ: “Ý tưởng ban đầu của chúng tôi là phải cải tiến để máy có công suất lớn hơn, từ 3-4 tấn/ngày. Để tiến hành thực hiện, chúng tôi kết hợp với anh Võ Văn Dân là thợ cơ khí tại thị trấn Thạnh Phú. Sau 5 tháng, chúng tôi đã làm ra tổ máy đạt yêu cầu, tiện dụng ở địa phương”.
Máy xay tàu lá dừa được cấu tạo gồm hai bộ phận chính gồm: Máy truyền động và cối xay. Phần cối xay được vận hành theo nguyên lý băm nhỏ nguyên liệu bằng 08 lưỡi dao bố trí đối xứng quanh trục quay. Theo đó, máy truyền động và hệ thống cối xay được lắp đặt cố định trên xe ba bánh tự hành để di chuyển thuận lợi đến vườn dừa của các hộ dân trên địa bàn khi có nhu cầu. Chiếc máy mới có công năng giúp xay nhuyễn và đều các tàu lá dừa, dừa mỏ, mo nang, chà dừa, xơ dừa, vỏ dừa...
Hiện tại, máy xay được từ 3,6 tấn - 4 tấn mụn dừa/ngày (gấp 3 lần máy cũ). Không những hoạt động cố định tại trụ sở HTX mà máy còn có thể cơ động đến các vườn dừa của các hộ dân rất thuận lợi do có bộ phận xe tự hành. Ước tính, với chi phí đầu vào để sản xuất 100 triệu đồng thì tỷ suất lợi nhuận thu được khoảng 40%.
Hiện tại, HTX dừa Phú Nông đang thực hiện các hoạt động mua bán dừa trái, sơ chế, ủ phân hữu cơ, nuôi trùn quế và cung ứng phân bón. Đối với phân hữu cơ, từ sau khi cải tiến thành công máy đến nay, HTX đã sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 40 - 50 tấn.
Việc cải tiến máy xay tàu dừa của đã góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu rất lớn tại địa phương, giải quyết nguồn rác thải trong sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con. Sản phẩm mụn dừa có giá trị trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh...
Ông Khích cho biết, để triển khai quy trình ủ phân vi sinh thì HTX đã ứng dụng công nghệ ủ phân vi sinh hữu cơ của Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Bến Tre. Qua đó, hành thực hiện đề tài cấp cơ sở do HTX thực hiện. Hiện, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng ủ phân hữu cơ vi sinh từ phân chuồng kết hợp mụn dừa dược xay từ tàu lá dừa. Kết quả, cho ra sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, chúng tôi đã có kiểm nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ.
Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đã giúp cho người dân từng bước nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trong đó, có mô hình cải tiến máy xay tàu dừa thực hiện ủ phân hữu cơ của HTX Dừa Phú Nông, xã Phú Khánh.
Dự kiến, từ năm 2023 đến tháng 10/2024, Ủy ban nhân dân huyện tiến hành thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh vào chuỗi liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản theo hướng hữu cơ bền vững” tại xã Phú Khánh, trong đó chủ yếu là thành viên của HTX Dừa Phú Nông. Dự án sẽ hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ vào chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.