Thứ hai, 02/10/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Cà Mau: Nhiều mô hình hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
11:08 - 26/05/2023
(Cổng ĐT HND)- Năm 2022, toàn tỉnh có hơn 127.200 hộ hội viên, nông dân đăng ký thực hiện danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 77.000 hộ.
Toàn tỉnh có 6.129 hộ nông dân SXKD giỏi đạt từ 500 triệu - dưới 1 tỷ đồng/năm; 473 hộ đạt từ 1 tỷ đồng trở lên/năm.


Từ phong trào, nhiều mô hình hiệu quả cao được nhân rộng như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến; nuôi tôm, cua kết hợp; nuôi cá chình, cá bống tượng; nuôi trăn, rắn, cá sấu, cua đinh, chồn hương; trồng hoa kiểng; sản xuất đất sạch NaTa và trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel; khu du lịch miệt vườn; trồng dưa hấu và trồng lúa trên đất nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP; trồng rau an toàn trong nhà lưới, trên sân thượng, trồng nấm bào ngư...
 
 
Nhiều hộ đạt lợi nhuận kinh tế cao, cụ thể: có 44.154 hộ đạt từ 100 đến dưới 200 triệu đồng/năm; 17.424 hộ đạt từ 200 đến dưới 300 triệu đồng/năm; 10.825 hộ đạt từ 300 đến dưới 500 triệu đồng/năm; 6.129 hộ đạt từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm; 473 hộ đạt từ 1 tỷ đồng trở lên/năm.
 
 
Bên cạnh đó, tỉnh có 2 nông dân được Trung ương Hội trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022; 5 nông dân dự hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022; 1 nông dân được tôn vinh Nhà khoa học của Nhà nông lần thứ IV/2022 do Trung ương Hội tổ chức; 1 tập thể, 7 cá nhân được tuyên dương khởi nghiệp năm 2022.
 
 
Điển hình như ông Nguyễn Hữu Ánh - xã Tân Thành (thành phố Cà Mau) là người đầu tiên nuôi thành công cá chình, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Ông bắt đầu nuôi thử nghiệm loài cá chình từ năm 1999. Ban đầu, ông thả 400 con cá chình giống. Do có sẵn kinh nghiệm từ việc nuôi cá bống tượng nên ông không gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi cá chình. Sau 18 tháng thả nuôi, ông tát ao bán được 330 con cá chình với trọng lượng từ 1-3 kg/con, thu về 65 triệu đồng. Sau đó, ông Ánh trích ra 40 triệu đồng tiền lãi từ vụ nuôi thử nghiệm thuê cơ giới đào thêm 8 ao mới và bắt con giống về thả nuôi.
 
 
Hiệu quả đem lại quá lớn đã khiến không ít người ngỡ ngàng và thán phục. Những năm sau đó, thấy mô hình hiệu quả, nhiều người địa phương đã phát triển nuôi cá chình. Ðến giai đoạn 2014-2015, nuôi cá chình trở thành một phong trào có tiếng ở Tân Thành giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu.
 
 
Có được nguồn vốn từ nhiều năm nuôi cá chình, năm 2019, ông Ánh quyết định đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua 5,5 ha đất tại Ấp 3, xã Tân Thành, để xây dựng lại mô hình. Ở đây, ông Ánh thuê cơ giới đào 30 ao (800 m2/ao) và bắt cá chình giống về nuôi. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm ông Ánh thu lãi từ 1,3-1,5 tỷ đồng. Trải qua hơn 22 năm gắn bó với con cá chình, ông được bà con gọi thân thương và tôn vinh là “Vua cá chình”.
 
 
Ông Châu Hoàng Bon - Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi (huyện Đầm Dơi) bắt đầu nuôi tôm công nghiệp từ năm 2006. Hiện ông Bon đã sở hữu hơn 2 ha đất nuôi tôm siêu thâm canh. Từ năm 2017 đến nay, việc nuôi tôm siêu thâm canh đã đem về lợi nhuận cho ông hơn 11 tỷ đồng/năm. Ông còn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho 80 người có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ cho 15 lao động có việc làm…
 
 
Hay HTX An Hoà - xã Khánh An (huyện U Minh) với ngành nghề sản xuất kinh doanh bồn bồn tươi, bồn bồn dưa, cá đồng, chuối sấy... giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Với 14 thành viên sản xuất trên tổng diện tích 37 ha, bình quân mỗi hộ bán từ 200-500 kg bồn bồn/ngày kết hợp thu hoạch cá đồng vào mùa mưa, thu nhập từ 20-50 triệu đồng/hộ.
 
 
Hội Nông dân tỉnh còn tích cực thực hiện hoạt động "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần thực hiện giảm nghèo. Các cấp Hội đăng ký thực hiện giúp đỡ 358 hộ giảm nghèo, trong đó: 174 hộ nghèo, 147 hộ cận nghèo, 37 mới thoát nghèo. Kết quả có 234 hộ thoát nghèo.
 
 
Hội còn trực tiếp vận động xây dựng 23 căn nhà "Mái ấm nông dân" cho 23 hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng; tặng 10 chiếc xe đạp và 2.000 quyển tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào dịp đầu năm học mới…
 
 
Ngoài ra, cán bộ, hội viên, nông dân giúp nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và đóng góp quỹ hùn vốn xoay vòng giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh được hơn 18,2 tỷ đồng. 
 
 
Đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng trưởng hơn 13,1 tỷ đồng (lũy kế đến nay, số tiền gần 61,7 tỷ đồng); giải ngân được 182 dự án, số tiền 27,9 tỷ đồng, cho 1.705 hộ vay (lũy kế đến nay, thực hiện được 353 dự án cho 3.476 hộ vay).
 
 
Qua phong trào, đời sống nông dân được nâng lên, tích cực đóng góp hơn 10 tỷ đồng và hiến 520.000m2 đất để làm lộ giao thông nông thôn và xây dựng trường học.
 
 
Có thể khẳng định, phong trào đã tạo ra ý thức mới trong sản xuất, từ phương thức sản xuất độc canh, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất đa cây, đa con, theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Qua đó, nâng cao vai trò vị thế của Hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế ở địa phương, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu, tạo ra bước chuyển biến mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đình Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá