(Cổng ĐT HND)- Năm 2020, các cấp Hội đã tích cực đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
 |
Hội còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hàng nghìn nông dân sử dụng và truy cập mạng Internet để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh. |
Ban Thường vụ TW Hội tăng cường chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND các cấp; phát triển nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đạt kết quả tích cực.
Năm 2020 nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã tăng trưởng được 376,745 tỷ đồng (đạt 114,3% kế hoạch năm), nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn hệ thống Hội đạt 3.742,269 tỷ đồng.
Trong đó: Quỹ HTND Trung ương 735,832 tỷ đồng (nguồn vốn Quỹ Trung ương ủy thác cho vay tại 62 tỉnh, thành Hội thông qua 1.431 dự án, cho 17.492 hộ vay, với tổng dư nợ đạt 673,312 tỷ đồng.
Tỷ lệ dự án đầu tư cho trồng trọt chiếm 28,3%, chăn nuôi chiếm 47,9%, thủy sản chiếm 17,5%, dịch vụ, làng nghề và các loại khác chiếm 6,3%); Quỹ cấp tỉnh 1.816,575 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện 643,271 tỷ đồng; Quỹ cấp xã 546,590 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ các cấp đã trực tiếp hỗ trợ cho hội viên nông dân xây dựng, thành lập và phát triển hàng trăm mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp; hàng nghìn mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.
TW Hội NDVN đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường phối hợp với chi nhánh ngân hàng CSXH đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách ưu đãi mới của Đảng và Nhà nước, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ xâm tiêu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của Hội cấp dưới, Tổ TK&VV.
Dư nợ các chương trình tín dụng ủy thác qua tổ chức Hội đạt 68.375 tỷ đồng (tăng 4.625 tỷ đồng so với cuối năm 2019), thông qua 53.567 Tổ TK&VV, cho 1.993.793 hộ vay; nợ quá hạn là 161 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,24%/tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền hội viên, nông dân gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV; tỷ lệ hộ tham gia gửi tiết kiệm đạt hơn 99% với số dư tiền gửi tiết kiệm là 3.149 tỷ đồng.
Các chương trình tín dụng chính sách đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Ngoài ra, các cấp Hội chủ động phối hợp với ngân hàng NN&PTNT thực hiện tốt thỏa thuận đã ký giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh; tổng dư nợ cho nông dân vay qua Tổ vay vốn đạt 65.109 tỷ đồng thông qua 26.252 Tổ vay vốn, với 638.265 thành viên. Qua đó, giúp nông dân có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Hội ND các tỉnh, thành phố còn chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, hỗ trợ giúp nông dân vay hàng trăm tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vốn cho hội viên, nông dân, góp phần đẩy lùi hạn chế tín dụng đen ở nông thôn.
Đồng thời, các cấp Hội còn chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân gắn chuỗi tiêu thụ nông sản với phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn; phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo nhu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp, do đó đã khích lệ và thu hút được nhiều lao động trẻ là nông dân tham gia học nghề. Hội đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho 206.226 hội viên, nông dân.
Trong đó, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đào tạo hệ trung cấp được 8 lớp với tổng số 301 học viên; tổ chức đào tạo hệ sơ cấp nghề, dạy nghề thường xuyên và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được 24 lớp với 1.290 học viên; phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn cho 800 người về ứng dụng công nghệ thông tin thời kỳ 4.0 vào việc nâng cao năng suất ngô, khoai, sắn cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Các tỉnh, thành Hội đã có nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, đưa ra nhiều mô hình đào tạo nghề và hình thức đào tạo nghề phù hợp như: Mô hình đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh; đào tạo nghề cho lao động trong các làng nghề; đào tạo nghề ngắn hạn cho người nông dân. Sau học nghề đã giới thiệu việc làm cho nông dân.
Điển hình là Hội ND các tỉnh: Quảng Nam, Hưng Yên, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Long An..., góp phần từng bước nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.
Các cấp Hội còn tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp như: Đạm Phú Mỹ; Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền; Công ty Cổ phần Công Nông Nghiệp Tiến Nông; Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao… bảo lãnh cung ứng được 208.079 nghìn tấn phân bón các loại; hàng trăm tấn giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, 1.052 máy nông nghiệp... cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, trị giá hàng trăm tỷ đồng giúp cho nông dân đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như Hội ND các tỉnh: Thanh Hóa, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Nam; TP. Cần Thơ; Sóc Trăng...
Hội còn hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới tiết kiệm điều khiển tự động vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Điển hình như Hội ND các tỉnh: Sơn La, Ninh Thuận, TP. Hà Nội, Lâm Đồng, TP. Hồ Chí Minh…
Mặt khác, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, theo tiêu chuẩn hữu cơ; cơ khí, điện và các nghề tiểu thủ công nghiệp... cho trên 3,4 triệu lượt hội viên, nông dân. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng 1.822 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản; sản xuất thích ứng với hạn, mặn; mô hình kinh doanh dịch vụ, làng nghề… Từ các mô hình đã giúp hội viên, nông dân tham quan học tập để nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hàng nghìn nông dân sử dụng và truy cập mạng Internet để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Trước tác động của đại dịch Covid – 19, nhiều mặt hàng nông sản hàng hóa do nông dân làm ra gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, Ban Thường vụ TW Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tổ chức liên kết sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế rủi ro từ biến động của thị trường.
Các cấp Hội đã tích cực vào cuộc cùng với các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội thực hiện nhiều biện pháp chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tháo gỡ một phần khó khăn cho hội viên nông dân. Tiêu biểu như Hội ND các tỉnh: Hà Giang, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình… Nhiều tỉnh, thành Hội đã tích cực hướng dẫn hội viên ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Hội ND các tỉnh, thành phố tiếp tục xây dựng, duy trì , phát triển hệ thống “Cửa hàng Nông sản an toàn” để trưng bày, giới thiệu, quảng bá và cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các cửa hàng còn liên kết với nhiều địa phương trong cả nước để giới thiệu tới khách hàng những mặt hàng nông sản đặc trưng của các vùng miền. Tiêu biểu là Hội ND tỉnh: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Lâm Đồng, thành phố Hà Nội, Hòa Bình…
TW Hội phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Festival “Sản phẩm vật tư nông nghiệp và thương mại toàn quốc năm 2020” tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, với quy mô 400 gian hàng đến từ Hội ND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các doanh nghiệp trong cả nước tham gia.
Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ nông dân tham gia 152 cuộc Hội chợ triển lãm Nông nghiệp- Thương mại; kết nối đưa sản phẩm của nông dân bán tại các Trung tâm thương mại, Siêu thị, chợ đầu mối...
Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức được nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để hội viên, nông dân học tập, nhân rộng; tổ chức các dịch vụ khai thác cơ sở vật chất. Điển hình như Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội ND các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng... Thông qua các hoạt động của Trung tâm góp phần hỗ trợ nông dân, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân; phát huy vai trò, vị thế, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội để thu hút nông dân vào tổ chức Hội, hội viên ngày càng gắn bó với tổ chức Hội.
Thời gian tới, Hội đề ra các giải pháp phát huy và nâng cao hiệu quả phát triển nguồn vốn Quỹ HTND các cấp. Đồng thời vận động từ nguồn xã hội hóa ngoài ngân sách; tranh thủ vốn ủy thác của các ngân hàng, nguồn tài trợ, vốn vay ưu đãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước..; tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả các Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân) của Hội ND các tỉnh, thành phố đã được đầu tư xây dựng; tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân sau học nghề tại các doanh nghiệp và lao động ở nước ngoài; tích cực phối hợp, liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung ứng các loại phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp có chất lượng cao, theo phương thức trả chậm gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Hội phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới, công nghệ sinh học, công nghệ 4.0 vào sản xuất; cung cấp thông tin thị trường, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, tư vấn, trợ giúp pháp lý; xây dựng thương hiệu sản phẩm cho nông dân…