Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk): Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò
(Cổng ĐT HND)- Trước nguy cơ lây lan của bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã chủ động đăng ký mua và tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn vật nuôi nhằm hạn chế rủi ro xảy ra.
 |
Cán bộ thu ý xã Cuôr Đăng đang tiêm vắc xin cho đàn bò |
Theo thông tin từ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, bệnh viêm da nổi cục bắt đầu xuất hiện trên địa bàn huyện từ ngày 21/06/2021, đến nay toàn huyện đã có 05 địa phương có hộ chăn nuôi bò bị mắc bệnh, gồm: Thị trấn Ea Pôk, xã Ea Kpam, Quảng Hiệp, Ea M’nang và Cuôr Đăng, với 10 con bò bị mắc bệnh, trong đó có 07 con buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng 1.520 kg.
Theo thống kê, tính đến nay toàn huyện đã có khoảng hơn 2.000 con bò được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Các địa phương có số lượng đàn bò được tiêm phòng vắc xin nhiều là thị trấn Ea Pôk, xã Quảng Hiệp, xã Cuôr Đăng và xã Ea Kpam.
Xã Cuôr Đăng là địa phương có tổng đàn bò khá lớn trên địa bàn huyện, với hơn 900 con. Trong đợt dịch này, toàn xã có 02 con bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục và buộc phải tiêu hủy.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã đăng ký mua vắc xin và chủ động tiêm phòng bệnh cho đàn bò của gia đình.
Sau khi phát hiện con bò của nhà hàng xóm bị mắc bệnh viêm da nổi cục, gia đình ông Y Bleh Kriêng ở buôn Aring (xã Cuôr Đăng) đã chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi và chủ động đăng ký mua vắc xin tiêm cho đàn bò của gia đình.
Hiện đàn bò 07 con của gia đình ông đã được tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục gần một tháng nay. Với việc phòng bệnh cho đàn bò bằng vắc xin, ông cảm thấy yên tâm hơn nhiều khi tình hình dịch trên đàn gia súc vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, tỉnh, huyện và xã.
Ông Y Bleh Kriêng chia sẻ: “Tiêm vắc xin phòng, chống bệnh vẫn là tốt hơn, chứ để đến khi bị mắc bệnh rồi mới điều trị thì sẽ không còn hiệu quả. Giờ đàn bò gia đình tôi vẫn phát triển khoẻ mạnh, ăn uống bình thường…”.
Hiện, toàn huyện có khoảng trên 16.000 con bò, chủ yếu chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ, hộ chăn nuôi gia đình chiếm tỷ lệ cao. Để ngăn chặn dịch bệnh Viêm da nổi cục lây lan trên địa bàn, huyện Cư M’gar đã xây dựng kế hoạch thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò, phấn đấu đạt 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.
Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tại các địa phương, nhất là những vùng xuất hiện bệnh viêm da nổi cục đã chủ động đăng ký mua vắc xin để tiêm phòng bệnh cho đàn trâu, bò của gia đình.
Ông Nguyễn Quang Đức – Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Sau khi dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là xử lý ổ dịch đầu tiên ở thị trấn Ea Pôk người chăn nuôi đã hiểu được sự nguy hiểm của dịch bệnh và đến Trạm, các cán bộ thú y cơ sở để đăng ký tiêm vắc xin.
Trang trại chăn nuôi bò ở thị trấn Ea pôk thực hiện tiêm đầu tiên, với 360 liều vắc xin, sau đó rất nhiều người dân cũng tự túc bỏ tiền ra tiêm phòng vắc xin, có những hộ chấp hành rất tốt, 100% còn bò đều được tiêm phòng vắc xin.
Điều này, cho thấy ý thức phòng, bệnh của người dân đã được nâng cao. Nhìn chung, hầu hết số bò được tiêm phòng đều khỏe mạnh, tạo được miễn dịch.
Tuy nhiên, người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; chủ động theo dõi, phát hiện, báo cho ngành chức năng để kịp thời xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
“Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ngoài việc tuân thủ các biện pháp xử lý của cán bộ thú y, việc chủ động tiêm phòng vắc xin phòng, ngừa dịch bệnh là điều cấp bách và cần thiết sẽ tránh được nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh, hạn chế thấp nhất rủi ro” - Ông Nguyễn Quang Đức – Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho hay.
Qua tìm hiểu hiện nay một liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục có giá khoảng từ 35.000 – 40.000 đồng, đây là số tiền không lớn nếu so với giá trị của một con trâu, bò trên thị trường.
Do vậy, ngoài thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác người chăn nuôi cần chủ động đăng ký mua và tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò của gia đình, góp phần quan trọng kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan rộng nhằm hạn chế thiệt hại cho bà con.