Thứ bảy, 30/09/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Quảng Ngãi: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,07%
08:00 - 22/10/2021
(Cổng ĐT HND) - Sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp Quảng Ngãi đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn thực sự đổi mới.
Cánh đồng xã Bình Thới (nay là thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn) sau dồn điền đổi thửa


Cơ cấu kinh tế ngành giai đoạn 2008 - 2020 chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giảm, lâm nghiệp, thủy sản tăng, cụ thể: nông nghiệp từ 66,8% giảm xuống còn 50,9%, lâm nghiệp từ 3,1% tăng lên 7,71%, thủy sản từ 30,1% tăng lên 41,39%. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp (giai đoạn 2008 – 2020) chuyển dịch theo hướng tăng dần từ 28,0% tăng lên 38,0%.


Năm 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 16.507,69 tỷ đồng, so với năm 2008, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,58%.


Lĩnh vực trồng trọt đạt được nhiều kết quả, các loại cây trồng chủ lực được điều chỉnh, cơ cấu lại; đất lúa kém hiệu quả được chuyển đổi phù hợp; công tác  dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất được chú trọng đầu tư ở tất cả các địa phương trong tỉnh.


Đến nay, tỉnh đã đưa vào sản xuất đại trà 25 giống mỳ, mía, ngô, lạc mới mang lại năng suất cao; xây dựng được 512 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 9.491,6 ha; tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác 6.153,4 ha.


Công tác dồn điền đổi thửa được thực hiện ở 7/13 huyện, thị xã, thành phố với 69 xã, trên khoảng 263 cánh đồng, tổng diện tích thực hiện đến cuối năm 2020 là 7.758,5 ha; giá trị sau thu hoạch trên 1 ha đất canh tác năm 2020 đạt 76 triệu đồng/ha (năm 2015 khoảng 16,28 triệu đồng/ha); năng suất các loại cây trồng tăng lên rõ rệt, vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu tại huyện Ba Tơ, Sơn Hà và Trà Bồng được đầu tư, phát triển.


Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi từ quy mô nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô nông hộ lớn hơn và quy mô trang trại; nhiều doanh nghiệp lớn đã liên kết với người chăn nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất.


Hiện có khoảng 24 cơ sở nuôi gà trang trại với quy mô khoảng 8.000 - 50.000 con/cơ sở; có trên 441 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 02 cơ sở giết mổ tập trung có đăng ký kinh doanh.


Công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh; công tác quản lý con giống, thức ăn chăn nuôi được thực hiện chặt chẽ. Năm 2020 so với năm 2008, đàn trâu tăng 32,8% (17.136 con), đàn bò tăng 0,7% (1.926 con), đặc biệt đàn bò được nâng cao chất lượng thể trọng, tỷ lệ bò lai sind năm 2008 đạt 38,3% đến năm 2020 tăng lên 73,7%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 71,9% (31.776 tấn).


Lĩnh vực lâm nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng chuyển từ sản xuất chỉ chú trọng phát triển về diện tích và độ che phủ của rừng sang hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển rừng bền vững.

 
Tính đến cuối năm 2020, độ che phủ rừng ước đạt 51,27%. Sản lượng gỗ khai thác năm 2020 ước đạt 1.870.999 m3, tăng 1.690.299 m3 so với năm 2008.


Thủy sản phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Khai thác thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ, nâng cấp, cải hoán tàu cá có kích thước và công suất lớn.


 Đến nay, toàn tỉnh có 5.272 tàu cá, với tổng công suất 1.845.854 CV; sản lượng thuỷ sản đánh bắt liên tục tăng, từ 89.930 tấn (năm 2008) tăng lên 261.035 tấn (năm 2020), tăng bình quân 9,3% năm; có 299 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, 12 nghiệp đoàn nghề cá, 08 HTX nghề cá…


Nghề nuôi thủy sản trên biển phát triển, diện tích mặt nước thả nuôi năm 2020 đạt 1.557 ha, tăng 4,4% so với năm 2008; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 7.878 tấn, tăng 15,5% so với năm 2008.


Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.


Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 31 sản phẩm nông nghiệp được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, 29 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và hai sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.


Các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP là cơ hội, tiền đề để các doanh nghiệp chủ sở hữu sản phẩm, doanh nghiệp tiên thụ, phân phối cùng nhau liên kết phát triển thành hàng hóa, đưa ra thị trường lớn, xuất khẩu.


Các vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn được triển khai với nhiều giải pháp, trong đó tập trung công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông - lâm - ngư sang công nghiệp - dịch vụ.


Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 51% năm 2015 xuống còn 45,58% năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 45% vào năm 2015 lên 55% vào năm 2020. Tỷ lệ sử dụng lao động ở khu vực nông thôn từ 85% năm 2015 tăng lên 86% năm 2020.


Hầu hết các hộ nghèo đều được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, có cơ hội nhiều hơn trong tiếp cận các dịch vụ sản xuất, tăng thu nhập.


Thu nhập bình quân đầu người địa bàn tỉnh tăng từ  26,2 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 40 triệu đồng/người/năm (năm 2020). Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 13,6% xuống còn 6,07%. Trong đó khu vực miền núi giảm nhanh, từ 41,93% xuống còn 20,52%; khu vực đồng bằng bình quân hàng năm giảm 1,1%, đến năm 2020 còn 3,02%.


Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn từng bước hoàn chỉnh theo quy hoạch, kế hoạch đề ra; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh, nhất là các loại hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế).


Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, nâng cấp; nhà văn hóa, khu thể thao thôn, khu phố cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ngày càng thiết thựcvà đi vào chiều sâu; tỷ lệ thôn, khu phố văn hóa đạt 80%, gia đình văn hóa đạt 92%.


Công nghiệp và dịch vụ khu vực nông thôn phát triển nhanh chóng; cùng với đó, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đã đáp ứng tốt các điều kiện về sản xuất và dân sinh, tạo nên diện mạo, bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.

 
Hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế, thủy lợi, nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn nông thôn mới và từng bước tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.


Đến nay, có 98,3% đường tỉnh, 77,2% đường huyện, 68,2% đường xã, 41,6% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa; 100% các xã có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã; 100% các hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 95% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh…


 Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục tiến hành xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 khu dân cư kiểu mẫu. 


Những kết quả trên đã khẳng định hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Quảng Ngãi đã thực sự đổi mới, phát triển, nhiều vùng nông thôn đã và đang trở thành miền quê đáng sống.



 
Mỹ Ngọc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá