Thứ ba, 03/10/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Bến Tre: Triển vọng mô hình nuôi cá chạch lấu thương phẩm
09:01 - 04/11/2021
(Cổng ĐT HND) - Mô hình nuôi cá chạch lấu được xem là một hướng đi mới để phát triển kinh tế thủy sản bền vững tại các vùng ngọt hóa của huyện Thạnh Phú, bước đầu cho thấy hiệu quả và tiềm năng nhân rộng.
Cá chạch lấu của hộ ông Nguyễn Văn Điền đạt trọng lượng khoảng 0,5kg/con



Hiện nay, mô hình nuôi cá chạch lấu tại xã Quới Điền bước đầu đã mang lại hiệu quả, tỷ lệ cá sống hơn 70%, năng suất ước khoảng 8 đến 10 tấn mỗi hecta mặt nước và có tiềm năng nhân rộng tại các vùng ngọt hóa của huyện.

 
Mô hình này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại xã Quới Điền, cần nhân rộng để chuyển đổi mô hình phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu.


Tại xã Quới Điền, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp thực hiện mô hình trình diễn “Ương, nuôi thương phẩm cá chạch lấu” từ cuối tháng 9 năm 2020.

 
Có 3 hộ dân tham gia mô hình gồm: Hộ ông Trần Thanh Giang, Nguyễn Văn Điền, cùng ở ấp Quí Thế và hộ ông Lưu Văn Mười tại ấp Quí Thạnh.

 
Các hộ tham gia mô hình có đủ điều kiện về đất sản xuất, chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn.

 
Tổng lượng giống thả nuôi tại 3 hộ này là 17.500 con, thả nuôi trong tổng diện tích ao nuôi 3.500 m2, lượng thức ăn nuôi đến thương phẩm khoảng 6.800 kg.


Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ  50% con giống và 50% thức ăn, cùng với đó là hỗ trợ kỹ thuật để các hộ nuôi thực hiện mô hình đạt hiệu quả. Sau hơn 1 năm ương giống và thả nuôi, đến nay cá chạch lấu đạt trọng lượng trung bình 0,5kg mỗi con.

 
Ông Nguyễn Văn Điền, ấp Quí Thế tham gia mô hình trên diện tích ao nuôi 1.200 m2. Trước đây, ông Điền thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng không hiệu quả nên mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình để chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất trong vùng ngọt hóa của địa phương.


Theo đó, ông Điền tiến hành ương và nuôi 6.000 con cá chạch lấu. Đến nay, cá đã đạt thương phẩm và đến thời điểm thu hoạch với năng suất dự kiến khoảng 1,3 tấn.


Để thực hiện mô hình này, ông Điền đã mạnh dạn đầu tư các hồ ương và cải tạo ao nuôi. Theo ông Điền, mật độ ương là 100 con/m2 trong thời gian 2 tháng. Sau 2 tháng ương, kích cỡ cá khoảng 200 con/kg thì chuyển sang nuôi thương phẩm với mật độ nuôi 4 con/m2.


Sau 8 tháng ương và nuôi cá đạt thương phẩm có thể thu hoạch, khi đó cá đạt trọng lượng khoảng 0,25 kg mỗi con. Do được hỗ trợ về kỹ thuật trong quá trình nuôi cũng như cần cù, chịu khó nên ông Điền sẽ dễ dàng tiếp nhận kiến thức và thực hiện có hiệu quả mô hình.


 Tuy nhiên, cái khó của ông cũng như các hộ nuôi đang gặp phải đó là đầu ra của cá chạch lấu do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên chưa có thương lái đến thu mua, hiện tại trọng lượng cá đạt trung bình 0,5 kg/con.


Cũng theo ông Điền, thức ăn sử dụng cho cá chạch lấu là thức ăn công nghiệp có độ đạm 37% trở lên. Ngoài ra, người nuôi có thể bổ sung các nguồn thức ăn là cá tạp tại địa phương.


Khẩu phần ăn của cá từ 2% đến 10% khối lượng cá nuôi, tùy theo thời gian và khối lượng của cá. Hằng ngày, người nuôi theo dõi khả năng bắt mồi của cá để đảm bảo lượng thức ăn vừa đủ, tránh thừa sẽ làm nước ao bị ô nhiễm cũng như tăng chi phí. Mỗi ngày, cho cá ăn 2 lần vào sáng và chiều.


Thức ăn được cho vào sàn và đặt sàn ăn gần giá thể là các ống nhựa để cá trú ẩn. Người nuôi thường xuyên kiểm tra ao nuôi, quá trình tăng tưởng của cá; định kỳ bổ sung vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để giúp cá tiêu hóa tốt và tăng sức đề kháng trong thời điểm giao mùa; thay nước để giữ môi trường ao nuôi sạch sẽ...


Ông Cao Văn Tùng, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Phú cho biết: “Hiện tại, giá cá chạch lấu thương phẩm giao động từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng mỗi ký.

 
Như vậy, nếu có đầu ra ổn định, trừ đi các khoản chi phí, mỗi ký cá thương phẩm người nuôi thu về lợi nhuận khoảng 100.000 đồng.


Ngoại trừ việc khó khăn về đầu ra do trong thời điểm này dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên các thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa đến tiêu thụ sản phẩm thì nhìn chung mô hình bước đầu cho thấy rõ hiệu quả.


Mô hình này sẽ góp phần nâng cao thu nhập và tạo ra thêm công việc ổn định cho người dân nông thôn, chung tay thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Thạnh Phú cũng như của tỉnh Bến Tre trong giai đoạn tới.



 
Minh Mừng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá