 |
Các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân với nông dân để cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. |
Trên cơ sở đó, Hội đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp và xây dựng, phát triển các mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp.
Hội ND các cấp đã thành lập mới 24 mô hình tổ hợp tác (THT), 03 Hợp tác xã (HTX). Toàn tỉnh hiện nay có 06 mô hình HTX như HTX chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái, huyện Trực Ninh với 13 thành viên; HTX sản xuất nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp với 9 thành viên; HTX nuôi trồng thủy sản Huy Bình xã Đại An, huyện Vụ Bản với 7 thành viên; HTX dịch vụ - chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu với 13 thành viên và 103 mô hình THT với gần 2.000 thành viên tham gia.
Các THT hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển SXKD ở các vùng nông thôn như đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, dịch vụ nông nghiệp.
Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, đã gắn kết nông dân với nông dân để cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.
Tiêu biểu như: THT trồng hoa - cây cảnh Mỹ Tiến, xã Nam Phong (Tp Nam Định); THT sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); THT trồng cây dược liệu Đinh Lăng xã Hải An (huyện Hải Hậu); THT dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong (huyện Giao Thuỷ)...
Mặt khác, Hội vận động hội viên nông dân thuê gom tích tụ ruộng đất liên kết với các Công ty sản xuất theo chuỗi. Điển hình 1 số hộ liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất gạo sạch theo chuỗi là hộ ông Quyền (Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng) sản xuất 50 mẫu; hộ bà Tình (Yên Ninh, Ý Yên) sản xuất 35 mẫu; hộ ông Tống (Yên Đồng, Ý Yên) sản xuất 40 mẫu....
Bước đầu thông qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân với nông dân để cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao được giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung.
Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha ước đạt 172 triệu đồng/ha góp phần hình thành trên 30 mô hình mới trong liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao.
Có nhiều mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị có hiệu quả cao như mô hình trồng cây dược liệu của Cty Hoa Thiên Phú; mô hình sản xuất lúa giống của cty Cường Tân; mô hình lúa, gạo chất lượng cao của CT TNHH Toản Xuân, mô hình cá bống bớp Nghĩa Hưng; mô hình “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1HN88, hỗ trợ củng cố HTX” tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản; Mô hình liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen tại xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường...
Tính đến nay, toàn tỉnh có 156 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Hội ND huyện Giao Thủy đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện khai trương, ra mắt “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm Nông sản sạch” trưng bày và bán trên 70 sản phẩm có chứng nhận OCOOP; các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Hội ND tỉnh triển xây dựng “Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường và “Mô hình Chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp chăm nuôi gia cầm” tại xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên.
Hội phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Liên Minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng dự thảo Kế hoạch phối hợp xây dựng mô hình điểm Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn nông thôn, giai đoạn 2020 - 2023.
Trong đó, các đơn vị cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 03 mô hình điểm đại diện các loại hình sản xuất nông nghiệp và theo khu vực của tỉnh; Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chỉ đạo xây dựng ít nhất 01 mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp; triển khai thực hiện mô hình “3 trong 1” tiến tới “4 trong 1” và “5 trong 1”.
Đến nay, toàn tỉnh có 34 tổ Hội nghề nghiệp với 676 thành viên tham gia. Hội ND xã Giao An, huyện Giao Thủy tổ chức ra mắt tổ Hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác “Nuôi trồng thủy sản” với 16 thành viên tham gia.
Hội ND xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh ra mắt tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa lai theo chuỗi liên kết giữ các hộ với Công ty Cường Tân.
Hội ND xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên triển khai xây dựng mô hình “ chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” với 15 thành viên tham gia. Bước đầu, một số mô hình tổ Hội nghề nghiệp đã dần đi vào ổn định, sản xuất có hiệu quả.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho nông dân; vận động, hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ trong sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng các mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp gắn với xây dựng mô hình sản xuất, mô hình tiêu thụ nông sản, dịch vụ tổng hợp để tập hợp, đoàn kết nông dân.