(Cổng ĐT HND)- Đến nay, các cấp Hội đã thành lập mới được 2.101 chi Hội nghề nghiệp theo tiêu chí “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi), bước đầu hoạt động hiệu quả.
 |
Một số chi Hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả đang hướng tới phát triển thành HTX, Tổ hợp tác. |
Mô hình chi Hội ND nghề nghiệp thể hiện sự đổi mới phương thức tập hợp hội viên, khắc phục được phần lớn những nhược điểm, hạn chế, khó khăn, yếu kém trong sinh hoạt chi Hội truyền thống, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh.
Bên cạnh đó, nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác cho vay tại 62 tỉnh, thành phố thông qua 1.445 dự án, cho 16.614 hộ vay, tổng dư nợ đạt 715,14 tỷ đồng; dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND địa phương đạt trên 2.790 tỷ đồng, cho 143.869 hộ vay thông qua 14.015 dự án đã trực tiếp hỗ trợ cho hội viên, nông dân xây dựng, thành lập và phát triển hàng trăm mô hình chi Hội nghề nghiệp. Tiêu biểu như: Chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi bò sữa xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam); chi Hội nghề nghiệp trồng và chế biến tinh dầu nghệ xã Ea Lai, huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk)…
Tại Bắc Giang, đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 23 chi Hội nghề nghiệp với 575 thành viên. Trong đó, 40% chi Hội nghề nghiệp thành lập năm 2020 được phát triển từ mô hình tổ Hội nghề nghiệp theo Đề án 24 và tổ hợp tác do Hội hướng dẫn thành lập như: Chi Hội sản xuất, tiêu thụ bánh Chưng Vân- xã Hoàng Vân (huyện Hiệp Hòa), chi Hội trồng cây ăn quả- xã Đông Phú (huyện Lục Nam), chi Hội trồng cây ăn quả- xã Liên Sơn (huyện Tân Yên), chi Hội trồng chuối- xã Tân Thanh (huyện Lạng Giang)…
Các chi Hội nghề nghiệp đã xây dựng Quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; nội dung, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình sản xuất như: Trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giá cả, thị trường, phương tiện sản xuất, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…Ngoài ra, các chi Hội nghề nghiệp còn góp vốn, quỹ để hỗ trợ các thành viên trong chi Hội vay vốn theo hình thức quay vòng vốn nhằm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Một số chi Hội nghề nghiệp tiêu biểu hoạt động hiệu quả đang hướng tới phát triển thành HTX, Tổ hợp tác như: Chi Hội sản xuất, tiêu thụ bánh Chưng Vân- xã Hoàng Vân (huyện Hiệp Hòa), chi Hội trồng cây ăn quả- xã Đông Phú (huyện Lục Nam)...
Đặc biệt, chi Hội nghề nghiệp từng bước khắc phục những nhược điểm, hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt chi Hội. Các buổi sinh hoạt của chi Hội nghề nghiệp đã thu hút sự quan tâm, chú ý của hội viên hơn, từ chỗ sinh hoạt 3 tháng/kỳ trước kia còn khó khăn, thì nay chi Hội nghề nghiệp sinh hoạt 1 - 2 kỳ/quý và nhiều hơn khi cần thiết.
Tại thành phố Hà Nội, các cấp Hội đã thành lập được 110 chi Hội nghề nghiệp với 2.310 hội viên tham gia đa dạng các nhóm ngành nghề như: Chăn nuôi; trồng trọt; trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh; làm mộc; may mặc; VAC tổng hợp; sản xuất nông sản an toàn…. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2021, các cơ sở Hội đã thành lập mới 39 chi Hội nghề nghiệp với 819 thành viên.
Nhiều chi Hội nghề nghiệp hoạt động có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao cho hộ nông dân; tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ... cho nông dân. Tiêu biểu như: Chi Hội nghề nghiệp sản xuất miến dong Minh Hồng, xã Minh Quang (huyện Ba Vì); chi Hội chăn nuôi bò Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn); chi Hội nghề nghiệp mộc dân dụng xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai)...
Hội ND thành phố đã hỗ trợ các chi Hội nghề nghiệp thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động có hiệu quả; phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã từ chi Hội nghề nghiệp. Tiêu biểu như: Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn; Hợp tác xã bưởi Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ)…
Điển hình là chi Hội nghề nghiệp may mặc xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) được thành lập đầu năm 2020, với 30 thành viên, đã giúp cho hàng nghìn lao động trong và ngoài địa phương có việc làm thường xuyên với mức thu nhập trung bình 4 - 20 triệu đồng/người/tháng.
Thông qua chi Hội, các thành viên được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi, giúp các hộ hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, nhiều thành viên chi Hội đã nhanh nhạy áp dụng hình thức quảng bá và bán hàng qua mạng internet. Nhờ đó, lượng hàng hóa của chi Hội đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và tiêu thụ thuận lợi dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Hay chi Hội trồng cây ăn quả xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) với 32 thành viên, quy mô sản xuất 15ha. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các thành viên trong tổ thường xuyên trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, các thông tin về thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp, thời tiết nông vụ… góp phần quan trọng vào việc hình thành sự liên kết, hợp tác kinh doanh theo chuỗi giá trị. Hiện, doanh thu của mỗi hộ thành viên chi Hội đạt trung bình từ 800 triệu - 1,5 tỷ đồng/năm.
Hội ND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi Hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Mô hình chi Hội nghề nghiệp đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất như: Nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, khai thác thủy sản, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh chế biến đồ gỗ mỹ nghệ…
Các chi Hội nghề nghiệp đều xây dựng được quy chế hoạt động với sự thống nhất của đa số thành viên. Nội dung sinh hoạt tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về hoạt động của mô hình chi Hội mới; chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn cách thức làm dự án, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…
Bên cạnh đó, Hội ND các cấp còn chủ động hướng dẫn chi Hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thị trường; giới thiệu và tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả; xây dựng quỹ Hội và quỹ sản xuất.
Năm 2020, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Liên minh HTX tỉnh xây dựng mô hình điểm chi Hội Nông dân nghề nghiệp trên địa bàn nông thôn, giai đoạn 2020-2023.
Theo đó, các đơn vị cấp tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm đại diện cho các loại hình sản xuất nông nghiệp và theo khu vực của tỉnh tại các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Ý Yên. Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chỉ đạo xây dựng ít nhất 1 mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp.
Tiêu biểu như: Hội ND xã Yên Nghĩa (huyện Ý Yên) triển khai xây dựng mô hình “Chi Hội nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm”. Đến nay, 15 hội viên chi Hội nghề nghiệp đã đăng ký tham gia nuôi gần 15.000 con gà, bao gồm cả gà hậu bị với giống gà chính là M18. Thức ăn cho gà chủ yếu dùng cám VINA và cám CP để tạo ra sản phẩm trứng đồng nhất. TW Hội NDVN đã hỗ trợ ban đầu 30% giống và thức ăn.
Sau khi thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp, các thành viên tham gia có nguyện vọng đăng ký thành lập HTX chăn nuôi Phú Nghĩa để có tư cách pháp nhân, ký kết hợp đồng mua bán vật tư đầu vào cho các hộ và bán sản phẩm đầu ra. Vì vậy, được sự giúp đỡ của Ban Kinh tế - Hội Nông dân tỉnh, Ban phong trào Liên Minh HTX tỉnh, HTX chăn nuôi Phú Nghĩa đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập HTX với 14 thành viên tham gia. Hiện nay, 5 hộ thành viên của HTX đã đăng ký chương trình thực hành tốt – VietGap do Chi Cục Quản lý chất lượng sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản hướng dẫn.
Có thể thấy, các chi Hội nghề nghiệp được thành lập tạo môi trường thuận lợi để người nông dân có chung lợi ích và trách nhiệm được trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chia sẻ thông tin giá cả thị trường… Đồng thời, thông qua các chi Hội nghề nghiệp đã xây dựng được các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giúp người nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành cho hội viên tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị.