Thứ năm, 08/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất
10:03 - 24/11/2021
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Việc tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học - công nghệ, thay đổi nếp nghĩ đến cách làm đã giúp hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới.


Tại Nam Định, anh Trần Văn Phong, chủ trang trại thủy sản nước ngọt tại xã Giao Long (huyện Giao Thủy) ứng dụng CNTT trang bị hệ thống điều hành, giám sát tự động để điều hành sản xuất và quản lý trang trại. Hệ thống camera cảm biến được lắp đặt vừa đảm bảo an ninh, theo dõi sát tình trạng các ao nuôi và nhận cảnh báo các sự cố đột xuất như: Mất điện, thiết bị hỏng không hoạt động. Bên cạnh đó, trang trại của anh còn lắp đặt thiết bị tự động cho cá ăn, tự tạo oxi, tạo chất màu cho nước, tạo sóng… cho ao nuôi.
 
 
Trung bình, hệ thống thiết bị tự động điều khiển bằng CNTT thay thế cho 5 lao động phổ thông. Thông qua hệ thống, chủ trang trại kiểm soát được lượng thức ăn cũng như môi trường nước cho đàn cá phát triển, tránh tối đa việc chăm sóc cá theo cảm tính, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm.
 
 
Đối với những trang trại trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, hầu hết đều áp dụng CNTT trong việc điều tiết tưới nước, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng với phương pháp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh hay máy tính. Người sản xuất có thể vận hành hệ thống tưới mọi lúc, mọi nơi; có thể kết hợp tưới nước với bón phân. Qua đó giúp người dùng kiểm soát lượng phân bón thích hợp theo đúng tỉ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất.
 
 
Với cách làm đó, trang trại nuôi cá nước ngọt của gia đình anh rộng trên 01 ha nhưng chỉ cần duy nhất 1 lao động chính; anh vừa quản lý trang trại vừa có thời gian lo công việc xã hội khác. Mỗi năm trang trại thu hoạch từ 20-30 tấn cá, cao hơn trung bình những trang trại khác trong khu vực từ 5-10 tấn. Đồng thời, giảm tối đa chi phí do lãng phí thức ăn, làm sạch môi trường và điều trị bệnh. Cách làm của anh được hầu hết các trang trại trong vùng học tập, áp dụng.
 
 
Ở thị trấn Quỹ Nhất (huyện Nghĩa Hưng) anh Vũ Văn Khá cũng đầu tư xây dựng nhà lưới diện tích trên 3.000m2, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel để trồng dưa lê Hàn Quốc sọc vàng và dưa leo baby Hà Lan theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
 
Việc tưới và bón phân đều được cài đặt và điều hành trên mạng, nước tưới đúng điểm chính xác tới từng giọt, đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của cây trồng trong từng giai đoạn và tiết kiệm được nước tưới.
 
 
Qua đó, trang trại của anh đã tiết kiệm được hơn 70% khối lượng nước so với phương pháp thủ công, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm công lao động. Đồng thời chủ động chăm sóc đến từng cây theo chế độ riêng và mức độ phát triển của cây. Ví như do chất lượng hạt giống không thể đồng nhất 100% hoặc trong quá trình chăm bón, nhà vườn quản lý được nhiệt độ, ánh sáng chung nhưng cũng có cây cần nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt hơn để phát triển đồng đều thì dễ dàng điều chỉnh theo cách tưới nhỏ giọt có ứng dụng CNTT này.
 
 
Từ tháng 11/2020 đến nay, Hội ND các phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và các hộ nông dân tham gia liên kết tập huấn hướng dẫn sử dụng phầm mềm Tido Farm, đồng thời tổ chức hội thảo và chuyển giao kết quả ứng dụng CNTT vào sản xuất cho 05 loại cây trồng theo mô hình công nghệ cao và công nghệ cơ bản cho đại diện các nông dân đang sản xuất rau, hoa ứng dụng các công nghệ trên địa bàn thành phố.
 
 
Các nông hộ tham gia liên kết ứng dụng đề tài cho biết việc lắp đặt, điều khiển phần mềm rất dễ dàng, ai đó trong nhà khi có “Smartphone” đã cài đặt ứng dụng Tido Farm đều sử dụng được. Thiết bị tưới tự động điều khiển từ xa, giúp công việc trở nên nhẹ nhàng, đơn giản. Hệ thống điều khiển tưới tự động qua điện thoại được kết nối Internet, kết nối vào hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương cho phép tiết kiệm nước.
 
 
Cách tưới theo công nghệ tiên tiến này còn tiết kiệm được thời gian, chủ vườn đi đâu cũng tưới được, không nhất thiết phải có mặt ở nhà. Hệ thống ngoài tự động còn có thể hẹn giờ. Nếu sợ quên do công việc bận rộn hoặc định kỳ tưới vào buổi tối và buổi sáng thì có thể đặt chế độ hẹn giờ tưới, giờ tắt cho thiết bị.
 
 
Áp dụng hệ thống trang bị công nghệ cơ bản và công nghệ cao vừa giải phóng được sức lao động, lại vừa bảo vệ sức khỏe cho nhà vườn.
 
 
Đối với hệ thống trang bị công nghệ cao cho phép điều chỉnh được nhiệt độ, ánh sáng trong chăm sóc và đặc biệt tự động ghi chép tải về được lịch sử chăm sóc như: Tưới nước, tưới phân, nhiệt độ, độ ẩm không khí trong vườn và liều lượng phân bón tưới cho cây trồng.
 
 
Bên cạnh đó, nông dân nhiều nơi đã lựa chọn cây trồng công nghệ sinh học do giống cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như tại tỉnh Nghệ An đã có khoảng hơn 10.000 ha trồng ngô được người nông dân trồng giống ngô công nghệ sinh học.
 
 
Là nông dân lựa chọn giống ngô công nghệ sinh học trồng trên diện tích trên 50 ha, cung cấp ngô sinh khối cho nhiều doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Thanh Phong ở huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) đã tiết kiệm được chi phí mua thuốc, phun thuốc trừ sâu bệnh và triệt cỏ, đồng thời còn có tác dụng bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
 
Có được điều đó là do các giống ngô công nghệ sinh học giúp kháng các loại sâu bệnh đến 95%, trong khi đối với các giống ngô thường, đặc biệt ở nơi có nhiệt độ cao như tỉnh Nghệ An thì sâu phá hoại gần như toàn bộ. Nhờ không phải phun thuốc trừ sâu, gia đình ông tiết kiệm được chi phí mua, phun thuốc, năng suất ngô công nghệ sinh học tăng 20%.
 
 
Theo Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, hiện tỷ lệ ngô công nghệ sinh học mới chỉ đạt 92.000ha, bằng 10% diện tích ngô cả nước, trong khi theo kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ thì đến năm 2020 phấn đấu đạt từ 30 - 50% diện tích loại cây trồng này.
 
 
Bộ NN&PTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gen, trong đó thực ra chỉ có 10 giống nền và các giống này đã được phổ công nhận ở Việt Nam. Đáng chú ý, năng suất thu hoạch được của các giống ngô công nghệ sinh họcvới các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống ngô lai thường từ 15,2 - 30%.
 
 
Lợi nhuận canh tác có được từ việc trồng các giống ngô công nghệ sinh học cũng gia tăng với mức từ 4,5 - 7,6 triệu đồng/ha. Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khi canh tác ngô công nghệ sinh học giảm đáng kể, với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.
 
 
Từ 10% diện tích cây trồng biến đổi gen đã mang lại lợi nhuận khoảng từ 17 - 30 triệu USD, nếu diện tích trồng tăng gấp 10 lần thì sẽ mang lại lợi nhuận 200 - 300 triệu USD cho người nông dân, đây là con số rất đáng khích lệ.
 
 
Có thế thấy, việc tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học - công nghệ, thay đổi nếp nghĩ đến cách làm đã giúp hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới. Giờ đây, hàng chục chủ trang trại, nhà nông khác đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong sản xuất, có thể yên tâm vừa ngồi uống cà-phê, vừa giao dịch khách hàng, xuất ngoại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và mở điện thoại thông minh để nắm thông tin của trang trại như nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng… Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển, góp phần phát triển nông nghiệp và hình thành lớp nông dân thế hệ mới - thế hệ 4.0, năng động, sáng tạo, làm giàu từ nông nghiệp.
Phúc Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá