(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành đã tổ chức được nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ…, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Tiêu biểu là Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội ND các tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng...
 |
Các Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã trực tiếp và phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. |
Tại Bắc Ninh, hàng năm Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, tư vấn tuyển thực tập sinh, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp... Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp, đăng cai tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo của các ngành, đơn vị; đón tiếp các đoàn khách về thăm và làm việc tại tỉnh.
Đến nay, đơn vị đã trực tiếp tổ chức 44 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 1.487 lao động nông thôn bao gồm các ngành thuộc nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sau đào tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt hơn 80%, nhiều học viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng tỷ lệ hộ giàu ở các địa phương. Bên cạnh đó, Trung tâm đã đẩy mạnh liên kết, mở rộng các loại hình đào tạo như tư vấn, tuyển sinh du học, xuất khẩu lao động, tuyển sinh nguồn đào tạo thạc sĩ…
Ngoài ra, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức hơn 300 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn, hướng dẫn sử dụng các loại máy nông nghiệp, sử dụng phân bón đúng quy trình; chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp mỗi năm cung ứng 1.000 tấn phân bón và chế phẩm sinh học theo hình thức trả chậm cho nông dân.
Đồng thời, tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể; hỗ trợ hồ sơ thủ tục thành lập hợp tác xã, hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, hồ sơ vay vốn tín chấp... Tiêu biểu như Trung tâm đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của chi Hội ND nghề nghiệp măng tây xanh với 32 thành viên.
Song song với đó, Trung tâm đã chủ động tìm kiếm và giới thiệu các đơn vị cung ứng vật tư, máy móc nông nghiệp; các doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; tư vấn, hỗ trợ nông dân trong xây dựng thương hiệu nông sản. Đồng thời xây dựng và duy trì hoạt động của “Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp an toàn” tại trụ sở cơ quan Hội ND tỉnh. Hàng năm, tích cực tham gia các Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trước tình hình nông sản bị chậm tiêu thụ do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã chủ động liên hệ và làm đầu mối cung ứng gần 26 tấn hàng hóa gồm: Cam sành Hà Giang, rau củ Hải Dương, Lương Tài...
Tại Thanh Hóa, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác dạy nghề và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Trong công tác dạy nghề, trung tâm thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trình độ nhận thức của nông dân.
Trung tâm còn cung ứng vật tư, thiết bị, đầu tư xây dựng mô hình thí điểm học nghề bảo đảm chất lượng, kịp thời vụ để hướng dẫn học viên thực hành theo đúng nội dung giảng dạy và quy trình kỹ thuật. Giáo viên phối hợp với các tổ chức Hội, chính quyền địa phương lựa chọn mô hình thực tế để hướng dẫn thực hành, giúp học viên nâng cao tay nghề. Từ đó, giúp hội viên có cách nhìn mới, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã chú trọng phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo tư vấn, hướng dẫn cách xây dựng mô hình kinh tế. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống cây, con, vật tư phục vụ các mô hình thực hành học nghề của hội viên; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt chương trình mua phân bón chậm trả cho nông dân.
Đến nay, trung tâm đã phối hợp tổ chức đào tạo được 40 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho gần 1.000 học viên; phối hợp mở 15 lớp học tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật cho trên 1.500 lao động; tổ chức hơn 200 cuộc hội thảo đầu bờ cho 10.000 lượt người tham gia... Sau đào tạo, nhiều nông dân đã có kiến thức cơ bản và vươn lên ổn định cuộc sống với tỷ lệ có việc làm, áp dụng ngay vào sản xuất đạt trên 80%. Các học viên còn là những tuyên truyền viên tích cực phổ biến kiến thức đã học, chia sẻ kinh nghiệm đến đông đảo bà con giúp nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, mùa mưa bão cận kề, để đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ nông dân duy trì, phát triển sản xuất, đặc biệt là tiêu thụ nông sản, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh”. Đến nay, đã hỗ trợ thành lập được 13 cửa hàng tại các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, thị xã Hồng Lĩnh và thành phố Hà Tĩnh. Chuỗi cửa hàng hoạt động hiệu quả, thường xuyên tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, đồng thời kết nối với các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ nông sản. Từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp Hội ND Hà Tĩnh hỗ trợ nông dân trong tỉnh tiêu thụ hơn 30 tấn dưa lưới, 10 tấn chanh; giúp nông dân các tỉnh Sóc Trăng, Sơn La, Bắc Giang, Đắk Lắk tiêu thụ trên 130 tấn nông sản các loại.
Xác định bưởi là cây chủ lực của huyện Hương Khê, nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn; bưởi vào vụ thu hoạch trong lúc nhiều tỉnh, thành phố trong nước đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chị thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Hội ND huyện Hương Khê cùng Hội ND các huyện, thành phố, thị xã tập trung kết nối, hỗ trợ tiêu thụ bưởi cho các hộ dân huyện Hương Khê. Được các ngành, các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng, đến ngày 07/9/2021, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ được 144.179 quả bưởi (tương đương 144,1 tấn).
Ngoài việc tiêu thụ nông sản, một số cơ sở Hội còn chủ động hỗ trợ các hộ dân trong vùng cách ly không thể ra đồng thu hoạch mùa, an tâm thực hiện tốt quy định về phòng, chống dịch, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn của tổ chức Hội.
Có thể thấy, thông qua hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều hội viên đã thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, tiếp cận với phương thức sản xuất tiên tiến, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.