Thứ ba, 06/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Tập trung xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ
08:42 - 27/12/2021
(Cổng ĐT Hội ND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai nhiều dự án xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Bà con thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy sản phẩm chè sạch, an toàn, được lòng tin của người tiêu dùng.


Tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), Hội ND huyện, xã đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, vận động 400 hộ dân trên địa bàn liên kết với HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận sản xuất chè theo quy trình kỹ thuật và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ sự liên kết giữa bà con nông dân và HTX nên hoạt động sản xuất và tiêu thụ chè ổn định. Theo đó, bà con thực hiện nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; các diện tích trồng chè đều được kiểm soát từ quy trình bón phân tới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, sản phẩm chè sạch, an toàn được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện HTX đang bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho hộ dân các xã: Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha và Mường É.
 
 
Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn phối hợp với các đơn vị tổ chức 717 hội nghị về hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 40.600 hội viên. Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng được 89 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị.
 
 
Tại Quảng Ninh, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị sản phẩm; áp dụng khoa học – công nghệ vào quy trình chăm sóc, chế biến nâng cao năng suất. Đồng thời, Hội đẩy mạnh hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên.
 
 
Dưới sự hướng dẫn, vận động của các cấp Hội, nhiều mặt hàng nông sản trong tỉnh như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, hải sản Vân Đồn, vải Phương Nam, ổi Hoành Bồ... đã hình thành được các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung. Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với gần 5.000ha. Tiêu biểu có: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở thị xã Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở thị xã Quảng Yên; vùng trồng hoa tại thành phố Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn...
 
 
Được sự tư vấn, hướng dẫn của Hội ND thị xã Đông Triều, từ năm 2018 gia đình ông Nguyễn Xuân Long (thôn Tân Thành, xã Việt Dân, TX Đông Triều) đã mạnh dạn áp dụng quy trình VietGAP cho hơn 1ha trồng cây na dai. Với quy trình này, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được giảm thiểu, thay thế bằng các loại phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhờ đó, tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo vệ sức khỏe, môi trường; năng suất, giá thành sản phẩm tăng. Người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm an toàn so với phương pháp chăm sóc truyền thống trước kia. Hiện, hơn 1ha trồng na theo quy trình VietGAP của gia đình ông cho sản lượng trung bình gần 16 tấn/năm.
 
 
Để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho quả na, Hội ND thị xã Đông Triều cùng các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tích cực vận động, khuyến khích, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị theo quy trình VietGAP. Điều này đã mang lại lợi thế lớn cho thương hiệu na dai Đông Triều khi giá thành cao hơn hẳn so với cây na được trồng theo phương pháp truyền thống, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Đến nay, toàn thị xã có khoảng 350ha (gần 1/2 diện tích na) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể.
 
 
Hay Hội ND huyện Bình Liêu hàng năm phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Đồng thời, hỗ trợ giống, máy móc, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích nông hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn để tạo đầu ra bền vững. Huyện đã hình thành được một số vùng trồng dong riềng với gần 120ha tại các xã: Húc Động, Lục Hồn, Đồng Tâm, Vô Ngại...
 
 
Tại Nam Định, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị như: Phát hành tờ rơi, pa nô, áp phích giới thiệu về các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo chuỗi liên kết đến hội viên. Nhân rộng các mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. Vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. Hội ND các cấp là trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên...
 
 
Đến nay, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hầu hết các HTX trong tỉnh đều quan tâm sản xuất sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết sản xuất các sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị. Đã có hàng trăm HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, trong đó có trên 100 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 30 chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa; trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
 
 
Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân với các hộ nông dân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp nuôi trên diện tích 200ha ở huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sạch Minh Long; chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn...
 
 
Hội ND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”. Thực hiện Nghị quyết, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ban Kinh tế - Trung ương Hội NDVN tổ chức lớp tập huấn kiến thức về mô hình sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị cho 100 cán bộ Hội ND cơ sở tham gia quản lý, điều hành tổ hợp tác; các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp học viên hiểu được vai trò và lợi ích khi tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn theo chuỗi giá trị, từ đó làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, thu mua chế biến thành hàng hóa hoặc liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa.
 
 
Năm 2020, các cấp Hội đã vận động được 200.220 hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, các cấp Hội tiếp tục tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân…
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội chủ động liên kết với các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị; tiếp tục phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; tăng cường phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và cộng đồng dân cư nông thôn về kinh tế tập thể… góp phần phát triển về quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế tập thể một cách bền vững, hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn.
Nhật Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá