Vận động hội viên, nông dân phát huy ý chí tinh thần tự lực, tự cường, hợp tác sản xuất nông nghiệp
(Cổng ĐT HND)- Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy ý chí tự lực, tự cường, có ý thức trách nhiệm tập thể; khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng; cần, kiệm, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương pháp luật, quy ước của cộng đồng; lao động chăm chỉ, sáng tạo, trung thực trong giao thương và hợp tác sản xuất; có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau vì mục tiêu ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.
 |
Hội viên, nông dân đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. |
Tại Bắc Kạn, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Qua đó từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh và hội nhập quốc tế.
Tháng 9/2019, ông Nguyễn Tiến Lực- Chi Hội trưởng chi Hội ND thôn Tổng Sâu, xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) cùng 4 hộ khác trên địa bàn đăng ký thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi thỏ, trong đó liên kết cung ứng sản phẩm đầu ra cho HTX Bình Hà (phường Lương Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên).
THT đầu tư hệ thống chuồng trại có máy móc, thiết bị điều chỉnh nhiệt độ theo mùa để đàn thỏ phát triển ổn định, khỏe mạnh. Hiện, THT đang chăn nuôi theo tiêu chuẩn Nhật Bản, thỏ thương phẩm khi xuất bán phải đạt các yêu cầu như: Không có dư lượng kháng sinh, trọng lượng chỉ từ 2 - 2,3kg/con. Mỗi năm, THT xuất bán khoảng 5 tấn thỏ thương phẩm, thu về 400 triệu đồng.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao đang ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các loại cây trồng, vật nuôi mới cho giá trị kinh tế vượt trội cũng xuất hiện ngày càng nhiều, như: Mô hình nuôi dúi của bà Nguyễn Thị Ngoan ở xã Phúc Lộc (huyện Ba Bể) quy mô gần 1.000 con; nuôi chim bồ câu của bà Nông Thị Liệu ở xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) với số lượng gần 400 con; trồng nho Hạ Đen của chị Triệu Thị Nga ở xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn), anh Hà Văn Cầm ở xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể); trồng dâu tây của HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân, xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn); trồng dưa lê, dưa lưới Hàn Quốc tại HTX Dương Quang (thành phố Bắc Kạn)...
Với sự chủ động tiếp thu, học hỏi, ứng dụng kiến thức mới một cách linh hoạt, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, từng bước tiếp cận với sản xuất nông nghiệp thông minh, canh tác tự động hóa. Điển hình như anh Lê Đình Trúc, ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh đã thành lập HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng từ cuối năm 2015. Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của anh là trồng nấm với quy mô nhà xưởng khoảng 100m2. Đồng thời, anh còn đầu tư 1,5 tỷ đồng để mua sắm máy cày, máy cấy, máy gặt làm thêm các dịch vụ nông nghiệp, cho doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm.
Từ những thành công ban đầu, năm 2016, anh Trúc đã có thêm nguồn vốn để mở rộng nhà xưởng sản xuất nấm lên quy mô 3.000m2 và đầu tư dây chuyền đóng bịch nấm tự động. Đặc biệt, trong quy trình trồng nấm, anh đã tận dụng nguồn phế phẩm để sản xuất mạ khay. Mỗi năm, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng sản xuất khoảng 2 tấn nấm, với doanh thu từ 500 - 600 triệu đồng. Đồng thời, cung cấp khoảng 30.000 khay mạ cho người dân trên địa bàn xã, doanh thu gần 300 triệu đồng. Trong những năm tới, HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng còn có kế hoạch đưa một số giống cây ăn quả, rau màu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; liên kết với người nông dân địa phương đưa vào gieo cấy thí nghiệm từ 20 - 30 ha lúa hữu cơ.
Tại Đồng Tháp, năm 2016, sản phẩm quýt đường có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) chính thức được Công ty VinEco của Tập đoàn Vingroup bao tiêu toàn bộ sản lượng. Nhờ đảm bảo giữ uy tín với đối tác nên không những mặt hàng quýt đường được bao tiêu với mức giá ổn định mà đã có trên 5 mặt hàng trái cây khác của HTX cũng được bao tiêu với tổng sản lượng trên 1.000 tấn.
Hiện, ngoài làm nhà cung cấp cho công ty VinEco, trái cây của HTX còn có mặt tại hệ thống siêu thị Big C, dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục có mặt tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Từ chỗ nông sản sạch làm ra không biết bán cho ai, bán ở đâu thì hiện nay nông sản của HTX gần như đã chen chân vào được phần lớn các hệ thống và kênh phân phối hiện đại.
Hay vườn xoài của ông Nguyễn Phú Hiệp ở xã Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh) từ nền tảng sản xuất VietGAP đã mạnh dạn sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Theo đó, chất lượng của trái xoài sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn khác biệt so với việc trồng bình thường. Do không bón phân hóa học, không phun xịt tăng trưởng, hương vị trái đậm đà và ít bị thối hỏng hơn. Ông cũng đã mạnh dạn cam kết với phía doanh nghiệp về trái xoài không bị hỏng trong vòng từ 3-5 ngày.
Nhờ đó, ông đã được doanh nghiệp chú ý và bao tiêu sản phẩm. Không chỉ làm một mình mà ông Hiệp còn hướng dẫn, vận động những nhà vườn lân cận cùng sản xuất theo hướng hữu cơ để bán sản phẩm sạch cho doanh nghiệp. Toàn bộ sản lượng xoài của THT sản xuất dịch vụ xoài Bà Két do ông Hiệp làm tổ trưởng đã được Công ty Đại Thuận Thiên, TP Cần Thơ bao tiêu với mức cao hơn trung bình gấp 2-3 lần so với giá bán ngoài thị trường.
Không riêng ở THT sản xuất dịch vụ xoài Bà Két mà hiện nay nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp cũng bắt đầu thay đổi. Người nông dân hiểu rằng sản xuất sạch không chỉ vì lợi ích cộng đồng, sức khỏe cho chính mình, mà còn vì sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau này.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tổ chức đào tạo và phổ biến cho người nông dân về pháp luật trong bối cảnh hội nhập; đặc biệt, trong các vấn đề về phòng chống hàng giả và sở hữu trí tuệ để thực thi cam kết hội nhập có hiệu quả, gắn mục tiêu xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các sản phẩm nông sản có đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.