(Cổng ĐT Hội ND)- Đến nay, cả nước đã có 2.101 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 24.343 tổ Hội nông dân nghề nghiệp được Hội ND các cấp thành lập với ngành nghề sản xuất đa dạng, phong phú. Các chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp được thành lập, đi vào hoạt động đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, giữa hội viên với doanh nghiệp.
 |
Từ các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Hội hướng tới thành lập HTX để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. |
Toàn tỉnh Bắc Giang có 22 chi Hội nghề nghiệp và 84 tổ Hội nghề nghiệp được thành lập, nâng tổng số chi, tổ Hội nghề nghiệp cả tỉnh lên 258 đơn vị với gần 3.000 hội viên tham gia, hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu như: Trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Sau khi các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp được thành lập, Hội ND tỉnh cùng chính quyền, cơ quan chức năng các huyện, thành phố tạo điều kiện để các đơn vị này hoạt động hiệu quả như: Tạo nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu…; kết nối các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh đến liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm.
Hội ND thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn) thành lập Tổ Hội ND nghề nghiệp nuôi chim bồ câu sinh sản xã Giáp Sơn do anh Vi Văn Vít- Chi Hội trưởng Chi Hội ND thôn làm Tổ trưởng. Tổ có 8 thành viên, nuôi hơn 11.000 đôi bồ câu. Hộ ít nhất 300 đôi, nhiều hơn 3.000 đôi.
Ngoài gặp gỡ hàng ngày, các thành viên trong Tổ họp định kỳ hàng tháng, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng, chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Cứ 1.000 đôi bồ câu bố mẹ, trừ chi phí, chủ nuôi lãi khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Hơn 3 năm trước, Hội ND xã Đông Phú (huyện Lục Nam) đã thành lập Tổ hợp tác trồng cây ăn quả với 20 hộ tham gia. Từ việc mỗi hộ trồng nhiều loại cây ăn quả trên diện tích không lớn dẫn đến sản lượng, hiệu quả thấp, các hộ thống nhất chỉ trồng 3 loại cây chính là: Nhãn, bưởi và ổi, liên kết tạo thành vùng tập trung rộng hàng chục ha. Nhờ đó, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Để giúp thành viên có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, đầu tháng 10 năm 2021, Hội ND xã đã chuyển đổi mô hình Tổ hợp tác thành chi Hội ND nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Đông Phú với 32 hội viên, nòng cốt là thành viên Tổ hợp tác cũ.
Từ các chi, tổ Hội nghề nghiệp, Hội đã hướng tới thành lập HTX để xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Điển hình như: HTX Na dai Nghĩa Phương (huyện Lục Nam); HTX Ba kích tím Thanh Luận (huyện Sơn Động); HTX sản xuất, tiêu thụ dê và mật ong Hồng Kỳ (huyện Yên Thế)…
Tại Ninh Bình, năm 2021, các cấp Hội đã chủ động và phối hợp hướng dẫn thành lập 10 chi Hội, 122 tổ Hội nghề nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, ngành nghề cơ khí, chế tác đá mỹ nghệ, mộc, dịch vụ thương mại, kinh doanh du lịch cộng đồng... 100% cán bộ chi Hội, tổ Hội được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp và kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội.
Điển hình như: Tổ Hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) có 40 thành viên với tổng thu nhập sau khi trừ mọi chi phí đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm; chi Hội nghề nghiệp Du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) với 27 thành viên kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, doanh thu có hộ đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm; tổ Hội chăn nuôi xóm 7 xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) có 10 thành viên, doanh thu có hộ đạt trên 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng; tổ Hội nuôi dê xã Xích Thổ, huyện Nho Quan với 10 thành viên, quy mô chăn nuôi 240 con dê, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng đồng…
Tổ Hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) ban đầu thành lập có 30 hội viên. Sau khi được vay 1 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND TW Hội, các thành viên đã đầu tư mua máy móc, mở rộng nhà xưởng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm/hộ, nhiều hộ thu nhập hàng tỷ đồng. Tổ Hội thu hút thêm thành viên, nâng tổng số lên 40 hộ.
Chị Đinh Thị Hiền - thành viên chi Hội nghề nghiệp Du lịch cộng đồng phát triển bền vững xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư) vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư nâng cấp khu Homestay của gia đình với cảnh quan đẹp mắt và nhiều dịch vụ tiện ích phục vụ du khách. Được các thành viên trong chi Hội nghề nghiệp thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, liên kết trong hoạt động đón tiếp khách nên cơ sở lưu trú của gia đình chị luôn nhận được sự hài lòng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Từ các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các cấp Hội đã vận động thành lập các HTX, tiêu biểu như: HTX chăn nuôi và thủy sản Sông Đằng xã Yên Đồng (huyện Yên Mô), HTX trồng nấm xã Gia Tường (huyện Nho Quan), HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp), HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu xã Khánh Công (huyện Yên Khánh)...
Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã xây dựng 34 mô hình tổ Hội nghề nghiệp với 676 thành viên tham gia. Bước đầu, một số mô hình tổ Hội nghề nghiệp đã đi vào ổn định, sản xuất hiệu quả. Tiêu biểu như Hội ND xã Yên Nghĩa (huyện Ý Yên) triển khai xây dựng mô hình “Chi Hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” với 15 thành viên tham gia, đăng ký nuôi gần 15 nghìn con gà chủ yếu là giống gà M18 được nhập từ Viện Chăn nuôi, thức ăn cho gà là cám của hãng VINA và CP để tạo ra sản phẩm trứng đồng nhất về chất lượng. Hiện đã có 5 hộ thành viên đăng ký nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hướng dẫn.
Hay như tổ Hội nghề nghiệp nuôi tôm thẻ chân trắng của Hội ND xã Bạch Long (huyện Giao Thủy) với 20 hộ nuôi thủy sản trong xã tham gia. Trong đó, hộ ông Trần Đức Văn, xóm Tân Phú có diện tích nuôi tôm gần 2ha, thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng. Các thành viên trong tổ Hội đã khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất.
Ngoài ra, các cấp Hội ND trong tỉnh đã ưu tiên sử dụng nguồn lực từ Quỹ HTND; tín chấp và nhận ủy thác từ các tổ chức tín dụng để xây dựng các mô hình. Tổ Hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống tại xã Giao Châu (huyện Giao Thủy) nhờ được vay vốn Quỹ HTND đã đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu nước mắm của địa phương. Điển hình như ông Trần Minh Sơ, tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp với kinh nghiệm 35 năm làm nghề trung bình mỗi năm sản xuất hơn 100 tấn nguyên liệu, thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Năm, 2022, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ tham gia thành lập các chi, tổ Hội nghề nghiệp, góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của hội viên, nông dân.