Thứ sáu, 31/03/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp – xu hướng tất yếu
14:10 - 17/01/2022
(Cổng ĐT HND)- Những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...
Hội NDVN sẽ đẩy mạnh nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho hội viên, nông dân.


Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big data ứng dụng thông qua phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk.
 
 
Trong lâm nghiệp, công nghệ DND mã mạch được áp dụng trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng. Công nghệ AI đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi...
 
 
Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng rau thủy canh và dưa lưới trong nhà màng theo hướng nông nghiệp sạch áp dụng công nghệ cao. Công ty dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng thiết bị điện thoại thông minh.
 
 
Với công nghệ này, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây; phân bón được hòa vào nước, theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống này tự động tưới chính xác cho mỗi cây, nên dưa phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón, thời gian và nhân công chăm sóc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Hiện mỗi ha dưa cho năng suất khoảng 60-70 tấn/năm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
 
 
Với hơn 30 năm làm nông nghiệp, vài năm gần đây, ông Bùi Ngọc Cung ở huyện Ðơn Dương (tỉnh Lâm Ðồng) đã ứng dụng công nghệ IoT trên trang trại rộng 2 ha. Hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại cà chua và dưa baby dài hút tầm mắt, do vậy chỉ cần vài nhân công làm việc trong vườn. Ông chỉ cần mở điện thoại thông minh là biết rõ tình trạng dinh dưỡng và sinh trưởng của cây, công nhân làm việc, bớt được rất nhiều chi phí lao động.
 
 
Tại Lâm Ðồng, Công ty TNHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) giờ các công nhân chỉ ngồi văn phòng đọc dữ liệu quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm cho khu vườn rộng gần 30 ha chuyên canh tác rau khí canh trong nhà kính. Hiện trang trại có hơn 10 loại rau cho thu hoạch cuốn chiếu hằng tuần.
 
 
Ðến nay, toàn tỉnh có hơn 60.000 ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 400 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình đạt doanh thu hàng tỷ đồng/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh có 26 doanh nghiệp tiếp cận công nghệ IoT, dữ liệu lớn (big data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), camera nhằm theo dõi sự sinh trưởng của cây, các thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh; công nghệ ươm giống trong phòng thí nghiệm (in vitro), công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa..., nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm, đặc biệt có trang trại trồng hoa cao cấp đạt doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm.
 
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều địa phương đã chủ động quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, giảm bớt gánh nặng cho nông dân như: Tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương hay nhãn ở Sơn La, Hưng Yên và xoài, thanh long, sầu riêng… ở các địa phương phía nam. Với việc giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp tiêu thụ được một lượng không nhỏ nông sản, giảm bớt khó khăn cho nông dân.
 
 
Tại Hà Tĩnh, do dịch Covid-19 việc tiêu thụ gần 21.000 tấn bưởi Phúc Trạch của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tỉnh phối hợp các đơn vị, địa phương số hóa việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi với diện tích hơn 1.000 ha tại huyện Hương Khê, đưa bưởi lên sàn thương mại điện tử qua cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn. Khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác, ngày thu hoạch sản phẩm.
 
 
 
 
 
Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cũng kết nối với 3 sàn thương mại điện tử là Sendo, Voso, Cuccu và xây dựng trang thương mại điện tử dongtrieumart.vn để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm. Đây được coi là bước đi mạnh dạn cho mục tiêu ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này.
 
 
Tại đây, người mua hàng có thể quét mã tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn, kích thước quả và giá cả. Do giảm các kênh trung gian, nên giá na bán trên các sàn thương mại điện tử ổn định từ 35.000-40.000 đồng/kg.
 
 
Tổ công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19) của Bộ NN&PTNT đã đẩy mạnh việc ứng dụng trang Web, Zalo vào kết nối cung-cầu.
 
 
Hiện, đã có hàng nghìn doanh nghiệp, khách hàng truy cập thường xuyên. Mỗi ngày, các ứng dụng công nghệ số đã giúp tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản. Ðến nay đã có trên 1.250 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970. Sản phẩm cung cấp rất đa dạng, gồm: Thủy hải sản; rau, củ, quả các loại; trái cây các loại; trứng và thịt; lương thực; nông sản chế biến và thực phẩm thiết yếu khác.
 
 
Tới đây, Hội NDVN sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội NDVN trong cả nước; phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (app Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân; xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Momo…) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân, như: Cho vay ngang hàng, thanh toán không tiền mặt, Mobile money.
Văn Thành
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá