(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, từ hiệu quả thực tiễn đạt được của công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy hoạt động này đã và đang đóng một vai trò thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của hội viên, nông dân cũng như của người dân ở địa bàn nông thôn nói chung.
 |
Ảnh minh họa |
Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN cũng xác định rõ tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN rất quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội trong cả nước hàng năm cần lên kế hoạch sớm, chủ động phối hợp với ngành chức năng liên quan triển khai thường xuyên công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân để từ đó tập trung chỉ đạo và thực hiện cho tốt.
Đáng chú ý, Trung ương Hội NDVN cho ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật; đồng thời, hướng dẫn Hội ND các tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện tại các địa phương. Trong thời gian thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền (vào tháng 10 và 11 hàng năm), Trung ương Hội NDVN đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các kênh truyền thông như: Cổng thông tin điện tử Hội NDVN, Báo Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, qua băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền… Qua đó, tích cực thực hiện các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Hiện nay, trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân đã và đang được các cấp Hội tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đem lại hiệu quả tuyên truyền tốt hơn. Nhìn chung, Hội ND các tỉnh, thành phố đều đã xây dựng các Trang Thông tin điện tử để thường xuyên đăng tải tin, bài về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; cập nhật các chủ trương, chính sách pháp luật mới; tuyên truyền những tấm gương điển hình, kinh nghiệm về công tác phổ biến giáo dục pháp luật… nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật và được đông đảo cán bộ, hội viên đồng tình, hưởng ứng, tích cực thực hiện.
Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp Hội đó là đã xây dựng nhiều mô hình điểm về phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đánh giá bước đầu, nhìn chung các mô hình đều cho thấy mang lại những hiệu quả tích cực và đáng ghi nhận.
Các cấp Hội đã xây dựng và duy trì gần 100 mô hình điểm về “Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”. Trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm, Hội ND các tỉnh, thành phố luôn quan tâm và chú ý hơn ở những nơi có các dự án thu hồi nhiều đất nông nghiệp hoặc những địa bàn nhạy cảm về tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội có liên quan đến các vấn đề dân tộc, tôn giáo dễ phát sinh tình trạng khiếu kiện phức tạp…
Cụ thể, Trung ương Hội NDVN trực tiếp chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp ở địa phương xây dựng được 28 mô hình mới và duy trì 70 mô hình điểm. Đồng thời, tại các mô hình điểm được triển khai, các cấp Hội đã hướng dẫn thành lập mới được 98 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”.
Đến nay, các cấp Hội đã thành lập và duy trì hoạt động trên 6.480 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với hơn 185.700 thành viên tham gia. Có thể thấy, đây vừa là mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên tích cực, cũng vừa là lực lượng nòng cốt trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật và vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ở địa bàn các thôn ấp, bản làng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng quan tâm, tích cực phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng trên địa bàn thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân, nông thôn để có hướng giải quyết, tháo gỡ. Theo định kì, các cấp Hội phối hợp tổ chức các buổi đối thoại, lắng nghe nguyện vọng cùng những đề xuất, kiến nghị chính đáng của hội viên, nông dân…
Trung ương Hội NDVN đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tiếp tục xây dựng và thường xuyên kiện toàn, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện nay, các cấp Hội hình thành được mạng lưới đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật với hơn 21.600 người tham gia.
Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với ngành chuyên môn ở các địa phương tổ chức 20.410 lớp tập huấn về kiến thức, nghiệp vụ cho hơn 1,8 triệu lượt cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, các cộng tác viên của Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”… Thông qua đó, giúp đội ngũ này nâng cao hiểu biết về những chính sách pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng; góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân ở cơ sở.
Mặt khác, các cấp Hội đã chủ động cử cán bộ tham gia cùng với chính quyền và thanh tra cùng cấp tổ chức trên 35.900 buổi tiếp công dân định kỳ với hơn 67.400 lượt người. Ngoài ra, các cấp Hội còn bố trí lịch tiếp cán bộ, hội viên, nông dân ngay tại trụ sở cơ quan để trao đổi, đối thoại và giải thích những vướng mắc của nông dân. Thông qua các buổi tiếp xúc được triển khai tại nhiều tỉnh, thành phố, các cấp Hội đã tiếp nhận và tham gia phối hợp giải quyết trên 27.080 đơn thư.
Công tác tham gia hoà giải ở cơ sở được các cấp Hội triển khai thực hiện tốt. Theo báo cáo của Hội ND các tỉnh, thành phố, hiện đang có hơn 220.270 cán bộ Hội các cấp tích cực tham gia vào làm thành viên của 127.000 tổ hoà giải ở cơ sở. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã tham gia với các ngành, đoàn thể tiến hành hoà giải hơn 47.260 vụ việc phát sinh.
Có thể thấy, tại nhiều địa phương, Hội ND các cấp đã có sự chủ động, kịp thời đề xuất cùng chính quyền tổ chức các buổi đối thoại để tiếp thu những ý kiến phản ánh, kiến nghị để có căn cứ đề xuất các giải pháp phù hợp. Đặc biệt, nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài đã được các cấp Hội tham gia hiệu quả, đề xuất những nội dung, giải pháp khả thi và giải quyết dứt điểm vụ việc, không để trở thành "điểm nóng", bảo vệ quyền và lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.