(TVPL) - Hàng năm Hội ND các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động thu hút đông đảo hội viên tham gia.
 |
Hòa giải có vai trò quan trọng trong việc hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư ảnh minh họa |
Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh được sự cứng nhắc, khô khan. Đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật hoàn toàn chủ động, qua đó khả năng áp dụng pháp luật của đối tượng được nâng cao. góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Năm qua, các cấp Hội tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật 3.526 buổi có 67.463 lượt tham gia, trợ giúp pháp lý 375 buổi cho 13.642 nông dân, tham gia các buổi tiếp công dân, các cấp Hội phối hợp tham gia giải quyết khiếu kiện đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng quốc lộ IA, 267 đơn, thư khiếu nại, hòa giải thành 242 vụ mâu thuẩn trong nông dân, thành lập mới 02 CLB nông dân với pháp luật, duy trì củng cố hoạt động 100 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.021 tổ hòa giải cơ sở với tổng cộng 6.712 hội viên. Thời gian qua, các tổ hòa giải cơ sở tiếp nhận 876 vụ việc, qua đó hòa giải thành công 774 vụ, đạt tỷ lệ 88%. Hoạt động hiệu quả của các tổ hòa giải cơ sở đã góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương; giúp hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; làm thắt chặt tình làng, nghĩa xóm…
Để việc hòa giải có hiệu quả tốt, các cán bộ Hội làm công tác hòa giải không chỉ có kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hòa giải, hiểu biết về phong tục, tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa và kinh nghiệm cuộc sống xã hội mà còn phải có khả năng vận dụng thành thạo những kiến thức, hiểu biết đó để phân tích, giải thích, thuyết phục, cảm hóa các bên giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp trong cộng đồng.
Việc vận dụng linh hoạt các quy phạm pháp luật và phong tục tập quán trên địa bàn sẽ giúp hòa giải viên hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của đối tượng tranh chấp, dễ nhận được sự nhất trí của cộng đồng dân cư nơi xảy ra tranh chấp nói riêng và của xã hội nói chung. Từ đó việc đưa ra cách thức giải quyết dễ được các bên chấp thuận hơn do họ có sẵn lòng tin với phong tục tập quán ở địa phương, giúp cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
Thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, các cấp Hội cần tăng cường phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ, việc tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.