 |
Lò đốt rác công suất nhỏ liệu có phù hợp để xử lý rác thải vùng nông thôn? |
Những bất cập khi thực hiện tiêu chí 17
Tiêu chí số 17 về Môi trường:
1. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia
2. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường
3. Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp
4. Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch
5. Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo qui định. |
Tiêu chí 17 về Môi trường của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đang có những vướng mắc khiến các địa phương khó hoàn thành cũng như duy trì được tiêu chí này đối với các xã đã đạt chuẩn. Tính đến hết năm 2015, cả nước có 1.674 xã (chiếm 18,7%) được công nhận đạt chuẩn NTM và 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó tỷ lệ các xã thực hiện Tiêu chí số 17 chỉ đạt 42,4%, là một tiêu chí đạt tỷ lệ thấp nhất đến thời điểm này.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ kết quả tại các địa phương cũng như qua khảo sát thí điểm một số xã đạt chuẩn điển hình của Đoàn thẩm tra các huyện đề xuất đạt chuẩn NTM của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tỷ lệ các xã đạt đủ và đúng 5 chỉ tiêu của tiêu chí số 17 còn thấp hơn nhiều so với báo cáo. Nguyên nhân chính phải kể đến: Do nguồn lực hạn chế nên các địa phương thường ưu tiên triển khai trước các tiêu chí hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ bản, thay đổi mô hình sản xuất...; Do áp lực về thời gian nên nhiều hoạt động về tiêu chí này chỉ mang tính thời điểm mà chưa được kiểm tra, hậu thẩm thường xuyên, liên tục trong quá trình các địa phương duy trì và nâng chất; Nhiều báo cáo mang tính hình thức, số liệu chưa tin cậy; Một số quy định còn bất cập, chưa phù hợp với các đối tượng tại khu vực nông thôn (như đối với xử lý nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).
Trong những năm gần đây, công tác thu gom chất thải tại khu vực nông thôn chưa được thực sự coi trọng. Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom rác thải nông thôn, nhiều địa phương thu gom với quy mô nhỏ, phương tiện thô sơ, hoạt động thu gom không diễn ra thường xuyên... Công tác xử lý rác thải nông thôn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hoặc đổ thải lộ thiên, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường.
Một trong những vấn đề gặp nhiều khó khăn thách thức trong quá trình thực hiện tiêu chí 17 là nước sạch sinh hoạt. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), các cơ chế chính sách còn nhiều bất cập và chưa đủ mạnh để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, bao gồm khu vực tư nhân, làm chậm tiến trình xã hội hóa chương trình nước sạch. Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành ở các cấp còn hạn chế, sự quan tâm của các cấp chính quyền về thúc đẩy mục tiêu vệ sinh và nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều công trình cấp nước có chất lượng chưa cao, thiếu đồng bộ, không đảm bảo nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng các hệ thống cấp nước trong quá trình khai thác, dẫn đến 27% các công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả.
Đề xuất sửa đổi tiêu chí Môi trường
Đứng trước những khó khăn, bất cập đã và đang tồn tại của Tiêu chí 17 về Môi trường, tại hội thảo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất sửa đổi. Theo đó, nhằm khuyến khích phát triển các nghề tạo sản phẩm thủ công truyền thống và thân thiện với môi trường; không khuyến khích mô hình “mỗi làng một nghề” đối với các loại hình sản xuất, sử dụng hóa chất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như tái chế phế liệu, thuộc da... Đối với các làng nghề truyền thống thân thiện với môi trường sẽ được ưu tiên xem xét công nhận, các làng nghề tái chế, thuộc da... gây ô nhiễm môi trường yêu cầu phải có kế hoạch xử lý ô nhiễm, coi đó làm căn cứ xem xét, công nhận NTM.
Tiêu chí Môi trường cần quản lý theo các nhóm đối tượng: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường chung của xã như: Hệ thống tiêu thoát nước mưa, nước thải bảo đảm nhu cầu tiêu thoát của khu vực, không có hiện tượng tắc nghẽn, tù động nước thải và ngập úng vào mùa mưa; có điểm tập kết và áp dụng biện pháp xử lý nước thải phù hợp trước khi đổ vào các kênh, mương, sông, hồ; có điểm tập kết chất thải rắn hợp vệ sinh hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý nằm ngoài địa bàn. Ngoài ra, cần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp (tỷ lệ cây xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, không có hiện tượng phóng uế, xả rác bừa bãi...).
Cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại khu vực nông thôn: Có biện pháp phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sản xuất theo quy định; thu gom, xử lý nước thải sản xuất theo đúng quy định trước khi thải ra môi trường; có hồ sơ, thủ tục về môi trường; nộp phí bảo vệ môi trường theo đúng quy định hiện hành.
Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường hộ gia đình: Nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước (nếu có) phải đạt tiêu chuẩn quy định; chất thải rắn được thu gom và xử lý theo quy định của địa phương (khuyến khích việc tận thu, tái sử dụng chất thải có nguồn gốc hữu cơ vào mục đích trồng trọt...); hệ thống thoát nước thải đảm bảo vệ sinh, không có hiện tượng ứ đọng, gây mùi hôi thối. Thu gom, xử lý bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy, hải sản.