image banner
Nhà sử học Anh quốc nghiên cứu kiến trúc cảnh quan Sài Gòn
Lượt xem: 69
Nhà sử học Anh quốc Tim Doling cùng với hai tác giả người Việt viết cuốn sách ‘Kiến trúc cảnh quan và đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn xưa và nay’.

Nhà sử học Tim Doling là một chuyên gia Anh quốc, từng làm cố vấn cho nhiều công trình nghiên cứu văn hóa của UNESCO. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhà sử học Tim Doling đã đến Việt Nam và dành nhiều tình cảm cho các di sản Việt Nam.

Những bài viết của ông về Hà Nội, Huế, Hội An và Hải Phòng từng khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam.

Nhờ sự quen biết qua mạng xã hội, nhà sử học Tim Doling đã kết hợp với hai Việt kiều là tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp đang sinh sống ở Úc và nha sĩ Võ Chi Mai đang sinh sống tại Canada, để lập trang Facebook “Cửa tiệm mặt phố di sản Sài Gòn - Chợ Lớn” cùng trao đổi những tâm đắc khi tìm hiểu những giá trị văn hóa Việt Nam.

Cuốn sách “Kiến trúc cảnh quan và đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn xưa và nay” dày gần 400 trang, vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành, là thành quả đáng phấn khởi của ba tác giả Tim Doling, Nguyễn Đức Hiệp và Võ Chi Mai.

Các tác giả với chuyên môn khác nhau đã đưa ra những góc nhìn đa dạng cho sự hình thành và phát triển của đô thị lớn nhất phương Nam. Mỗi một con đường, một góc phố đều có một câu chuyện gắn liền với quá khứ. Từ các hình ảnh xưa và nay ở cùng địa điểm, dễ dàng thấy sự thay đổi theo thời gian còn lưu lại những ký ức và những đặc thù của TP.HCM.

Những công trình kiến trúc tiêu biểu như khách sạn Continental, nhà hát TP.HCM, Dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Tòa án Nhân dân TP.HCM, khách sạn Majestic, hay chợ Tân Định, chợ Bình Tây, ga xe lửa Sài Gòn … đều gợi mở nhiều suy tư về lịch sử phát triển.

 

Anh-tin-bai

Cuốn sách "Kiến trúc cảnh quan và đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn xưa và nay"

 

Nhóm tác giả cuốn sách “Kiến trúc cảnh quan và đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn xưa và nay” cho rằng, một thành phố có sức thu hút quyến rũ du khách và người dân không chỉ ở sức mạnh kinh tế, bề dày lịch sử của nó mà còn do cá tính nhân văn của cư dân và cảnh quan gây những ấn tượng, cảm hứng nghệ thuật cho cộng đồng và các sáng tác văn hóa nghệ thuật đa dạng của những nghệ sĩ. Mà cảnh quan đặc thù đó phát sinh và duy trì chính từ tư duy của con người và phản ảnh phong cách và triết lý sống của cư dân nơi đó.

Một thành phố lớn có tầm vóc thu hút đều có các đặc tính trên và những người nhập cư cũng làm phong phú thêm đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của thành phố mà họ được nuôi dưỡng đã bộc lộ được tài năng của họ. Một sự hỗ tương có lợi cho cá nhân và cộng đồng. Sự thanh lịch nhân văn đó cần được bảo trì và phát huy trong một hệ sinh thái năng động hữu cơ.

Ngày nay, bộ mặt TP.HCM đổi thay rất nhiều. Nơi đây đã và sẽ tiếp tục thu hút nhiều du khách đến thăm nếu chúng ta vẫn bảo tồn được các di sản kiến trúc văn hóa, cảnh quan đặc thù của thành phố “lịch sử”. Bài học từ các nước trong công tác bảo tồn di sản cho thấy ý thức về di sản văn hóa lịch sử chỉ có thể phát triển và bảo tồn tốt đẹp hay đánh giá đúng giá trị thực của di sản, thông qua sự tham gia của người dân và cộng đồng.

Nhà sử học Tim Doling bằng tình cảm chân thành dành cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, đã nhấn mạnh điều quan trọng là các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử, nơi sinh hoạt tôn giáo, văn hóa nên được bảo tồn, gìn giữ để trở thành cảnh quan có giá trị trường tồn theo tháng năm.

Nguồn bài viết: nongnghiep.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1