image banner
Thái Nguyên: Chương trình FFF II giúp từng bước thay đổi tư duy sản xuất của nông dân
Lượt xem: 250
(Cổng ĐT Hội ND) - Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại giai đoạn II (FFF II) của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) tài trợ tại Việt Nam được triển khai tại địa bàn 5 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh là đơn vị triển khai Chương trình đã và đang cho thấy đạt được những kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.

Theo đó, Hội ND các cấp đã tổ chức các cuộc họp trọng tâm, hội nghị bàn tròn các cấp; tổ chức cuộc họp thường niên giữa Hội ND, các tổ nhóm, tổ hợp tác, Hợp tác xã với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể các cấp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh về đất đai, vốn, chính sách, đầu ra cho sản phẩm...

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất những kiến nghị xây dựng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp... Đặc biệt là đề xuất chuyển đổi cơ chế hỗ trợ cho các hộ sang hỗ trợ cho các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông - lâm nghiệp của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh. 

 

Anh-tin-bai

Hội nghị bàn tròn cấp xã được tổ chức tại thị trấn Quân Chu nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức cho nông dân sản xuất kinh doanh rừng và trang trại bền vững

 

Trong khuôn khổ Chương trình FFF II, vừa qua, Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Đại Từ tổ chức Hội nghị bàn tròn cho 30 thành viên đại diện tổ hợp tác chuối tiêu hồng, tổ hợp tác cây dược liệu, tổ hợp tác trồng chè… tại địa bàn thị trấn Quân Chu. Qua đó, nhằm nêu những đề xuất, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức cho nông dân sản xuất kinh doanh rừng và trang trại bền vững.

 

Tại Hội nghị, các thành viên trong tổ hợp tác đã tích cực phát biểu, chia sẻ những khó khăn gặp phải trong hoạt động sản xuất như: Sản phẩm chuối tiêu hồng, cây dược liệu, chè của nông dân chưa được cấp chứng chỉ chứng nhận an toàn thực phẩm, hữu cơ, VietGap… Mặt khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ theo nhóm hộ, chưa hình thành Hợp tác xã nên rất khó trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ; còn nhiều khó khăn về nguồn vốn vay…

 

Ngoài ra, thị trấn Quân Chu hiện vẫn đang còn khoảng 600 ha rừng sản xuất chưa được cấp chứng chỉ rừng FSC, người dân chưa chuyển hướng sang khai thác rừng gỗ lớn nên giá trị sản phẩm thu được từ rừng chưa cao. Do đó, hội viên, nông dân mong muốn được trồng cây dược liệu dưới tán rừng Tam Đảo phát huy lợi thế từ rừng…

 

Anh-tin-bai

Thông qua các Hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm nâng cao kiến thức, năng lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, giúp gia tăng năng suất và giá trị

 

Đại diện Hội Nông dân tỉnh đã giải đáp, tháo gỡ khó khăn về vốn vay bằng cách thông qua nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT sẽ cung cấp đầy đủ nhu cầu về vốn cho thành viên tổ hợp tác; đồng thời, tổ chức hoạt động cung ứng vật tư, phân bón hữu cơ trả chậm khi có nhu cầu. Theo kế hoạch, đại diện lãnh đạo địa phương cũng cam kết sẽ lãnh đạo, chỉ đạo và giao cho Hội Nông dân thị trấn Quân Chu phối hợp, hướng dẫn trong năm 2024 thành lập 02 Hợp tác xã chuối tiêu hồng và Hợp tác xã trồng cây dược liệu; năm 2025 tiếp tục thành lập Hợp tác xã chè hữu cơ tại địa phương.

 

Thông qua Hội nghị bàn tròn, phần nào đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân trên địa bàn. Từ đó, nhằm khuyến khích, hỗ trợ hội viên, nông dân yên tâm lao động sản xuất đem lại các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng và tiếp cận các thị trường tiêu thụ mới.

 

Đáng chú ý, bên cạnh việc giúp nâng cao về năng lực cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất rừng, trang trại trong việc phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả; Chương trình FFF II còn giúp các Tổ hợp tác, Hợp tác xã khai thác tốt những tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng.

 

Anh-tin-bai

Đoàn công tác đến thăm, trao đổi với Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Việt Bắc ở xóm Na Dau, xã Phủ Lý (huyện Phú Lương)

 

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Việt Bắc ở xóm Na Dau, xã Phủ Lý (huyện Phú Lương), là một tổ chức sản xuất rừng và trang trại được thành lập vào năm 2021 với các hợp phần FFF chính gồm: Trồng rừng bền vững và chăn nuôi lợn rừng đảm bảo an toàn sinh học. Hiện nay, Hợp tác xã đang có 8 thành viên tham gia sinh hoạt và 10 hộ dân là thành viên liên kết; các xã viên đang quản lý 55 ha rừng trồng.

 

Mô hình sản xuất chủ yếu của Hợp tác xã đang tập trung triển khai gồm: Chăn nuôi lợn rừng; trồng các loài cây bản địa (cây trám, dỗi, thắng cố); kết hợp cùng với một số loại cây nông nghiệp (chuối, mía) để đa dạng hóa các nguồn thu nhập. Sản phẩm chính đầu ra của Hợp tác xã là lợn giống, thịt lợn và các sản phẩm nông nghiệp. Nông sản được sử dụng trong chăn nuôi và bán ra trên thị trường.

 

Anh-tin-bai

Các thành viên HTX được nâng cao kiến thức, áp dụng vào sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn

 

Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình FFF II, thành viên Hợp tác xã đã tích cực cải tạo chuồng trại phù hợp, tạo môi trường tự nhiên cho việc nuôi thả giống lợn rừng. Đặc biệt, Hợp tác xã đã đầu tư sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn rừng vừa góp phần làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh thường gặp ở lợn trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn lợn và chất lượng sản phẩm; đồng thời,giúp phân hủy phân, nước tiểu, giảm thiểu khí độc và mùi hôi trong chuồng trại chăn nuôi, tạo môi trường sạch sẽ, không ô nhiễm.

 

Cùng với chăn nuôi, Hợp tác xã đã tích cực trồng rừng bền vững. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đa dạng sinh học dưới tán rừng do dự án FFF tổ chức, Hợp tác xã đã chuyển đổi sang việc trồng cây rừng bản địa như: Trám, dỗi. Đây đều là những loại cây có tán cao, có thể tạo môi trường tốt cho đàn lợn rừng.

 

Mặt khác, bà con nông dân đã phát huy tính sáng tạo trong xây dựng và phát triển mô hình sản xuất và chăn nuôi bằng cách trồng xen canh cây chuối, mía và lá thắng cố được sử dụng để dùng làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi lợn rừng, hoặc đem bán ra thị trường.

 

Mô hình này là phương pháp quản lý đất đai tổng hợp với chi phí thấp nhằm thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững và có khả năng phục hồi, mang lại lợi ích về kinh tế cho nông dân nuôi trồng với quy mô nhỏ và góp phần vào nền kinh tế xanh. Cùng với đó, giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho người nông dân với các sản phẩm từ lợn rừng và nông sản (chuối, mía). Ngoài ra, Hợp tác xã còn hỗ trợ thu mua sản phẩm và giúp cải thiện nguồn thu nhập, tăng từ 10- 30% cho hơn 50 người dân tại địa phương.

 

Anh-tin-bai

Sản phẩm chuối với chứng nhận Vietgap

 

Chương trình FFF II đã từng bước tạo sự gắn kết cộng đồng trong nông dân, nông thôn, đặc biệt là các đối tượng: phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số, giúp thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo tín hiệu thị trường để tạo ra sản phẩm hữu cơ, có giá trị kinh tế cao. Qua đó cũng đồng thời nâng cao nhận thức cho đợn vị kinh tế tập thể về tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông, lâm nghiệp  và triển khai các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Lê Giang
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1