image banner
Yên Bái: Tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các hộ trồng rừng
Lượt xem: 310
(Cổng ĐT HND) – Tiếp nối những thành công đạt được trong giai đoạn I (năm 2014-2017), Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái triển khai từ năm 2019 đến nay. Qua đánh giá, sau thời gian triển khai, chương trình FFF giai đoạn II cũng đã mang lại những kết quả bước đầu, tạo đà cho các nhóm cộng đồng hộ nông dân tiếp tục phát triển sản xuất dưới tán rừng.

 

Anh-tin-bai

Đồng chí Tạ Văn Long- Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Vĩnh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng các đại biểu tham gia hoạt động trồng cây, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao năm 2024 tại địa bàn xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên

 

Với mục tiêu chủ yếu của Chương trình là nhằm nâng cao năng lực cho các tổ chức, nông dân làm rừng và trang trại; các hộ gia đình, phụ nữ, thanh niên người dân tộc phát triển rừng, trang trại bền vững, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, đời sống cho những người dân sống dựa vào rừng.

 

Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình, đã hỗ trợ thành lập được Hợp tác xã Quế hồi Việt Nam tại địa bàn xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên; Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bình Minh tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC. Đến nay, Chương trình FFF II tiếp tục phát triển diện tích rừng có chứng chỉ FSC, phát triển vùng trồng quế hữu cơ trên địa bàn huyện Trấn Yên.

 

Bên cạnh đó, các xã tham gia Chương trình cũng đã tích cực phát triển thêm các tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho sản phẩm. Hiện, các sản phẩm của thành viên các tổ hợp tác, Hợp tác xã đã được mở rộng kết nối tới nhiều thị trường tiêu thụ với giá bán ổn định.

 

Thời gian qua, Chương trình FFF giai đoạn II trên địa bàn tỉnh đang được Hội Nông dân tỉnh triển khai với nhiều hoạt động phong phú như: Tổ chức các Hội nghị bàn tròn cấp xã, hội nghị đánh giá giữa kỳ, công tác tập huấn, tổ chức đưa các đoàn đi tham quan, bàn giao hỗ trợ cây giống để xây dựng mô hình…

 

Anh-tin-bai

Các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ cá giống cho hộ hội viên, nông dân owe địa bàn xã Phú Thịnh

 

Mới đây, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình FFF II Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện Yên Bình và xã Tân Nguyên tổ chức lễ phát động trồng rừng gỗ lớn nhằm hưởng ứng chiến dịch truyền thông về trồng rừng và phục hồi rừng, giảm nhẹ khí nhà kính.

 

Đáng chú ý, thông qua Chương trình FFF II, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ xã Tân Nguyên về phân bón để thực hiện việc chuyển hóa 5 ha rừng gỗ lớn theo quy trình kỹ thuật; 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tạo sinh kế dưới tán rừng.

 

Ngoài ra, hỗ trợ trên 200 ha rừng được giao khoán bảo vệ gắn với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư; tổ chức trao Quỹ tín dụng xanh cho Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên và tổ hợp tác thôn Đông Ké… 

 

Ngay sau lễ phát động, các Sở, ban, ngành, các tổ hợp tác, Hợp tác xã cùng rất đông hội viên, nông dân trên địa bàn đã tham gia hỗ trợ gia đình bà Bùi Thị Hoa ở thôn Tiến Minh, xã Tân Nguyên trồng mới 1,5 ha cây vù hương.  

 

Được hưởng lợi từ Chương trình, hộ gia đình bà Bùi Thị Hoa phấn khởi cho biết: Gia đình bà tập trung phát triển kinh tế bằng việc trồng rừng từ nhiều năm nay. Đến khi tích lũy được quỹ đất, gia đình bà đã mạnh dạn chuyển dần sang trồng cây gỗ lớn, giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần giảm nhẹ khí nhà kính.

 

Đến nay, gia đình bà có tổng diện tích 80 ha rừng trồng, trong đó, có gần 10 ha trồng các loại cây gỗ lớn như: Vù hương, dổi, lát, keo. Để chuyển đổi được diện tích trồng rừng gỗ lớn, gia đình bà đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cấp Hội Nông dân thông qua Chương trình FFF II. 

 

Anh-tin-bai

Gian hàng của FFF tỉnh Yên Bái thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan sản phẩm

 

Những năm gần đây, tại địa bàn huyện Trấn Yên, các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể của huyện cũng đang tập trung hướng dẫn, vận động bà con nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất rừng nhằm tận dụng tối đa những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng của địa phương. Trong năm 2024, huyện phấn đấu trồng mới 2.700 ha rừng với cơ cấu cây trồng chủ yếu gồm: Quế, măng tre Bát Độ, cây nguyên liệu giấy… giúp duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng khoảng 70%.

 

Theo đó, để thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, các cấp chính quyền trong huyện đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành quy hoạch đất rừng để trồng giống tre Bát Độ. Ngay trong những tháng đầu năm 2024, huyện đã làm tốt công tác chuẩn bị quỹ đất, phát dọn thực bì và nguồn cây giống; đồng thời, tổ chức trồng mới thay thế được 1.200 ha rừng, trong đó có 800 ha rừng tập trung.

 

Hộ gia đình ông Hà Chí Nguyện ở thôn Kim Bình, xã Hưng Thịnh cho biết: Để triển khai Chương trình FFF II tại địa bàn xã, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lâm sinh, Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (Dự án ITTO) hỗ trợ gia đình ông 1.100 cây giống, phân bón và một phần công làm đất để xây dựng mô hình. Nhận được sự hỗ trợ thiết thực này, gia đình ông sẽ tập trung tổ chức trồng và chăm sóc tốt diện tích rừng. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra những sản phẩm hữu cơ có giá trị kinh tế cao và bảo vệ môi trường sống. 

 

Anh-tin-bai

Nhiều sản phẩm nông sản đặc thù của bà con nông dân được giới thiệu tại các Hội chợ, triển lãm về nông nghiệp

 

Theo thống kê, thông qua Chương trình FFF II được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp hỗ trợ 16.390 cây giống (vù hương, dổi, tếch) cho các hộ hội viên, nông dân trên địa bàn các huyện gồm: Trấn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải. Qua đó, tích cực tham gia xây dựng các mô hình trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh. 

 

Anh-tin-bai

Nhiều sản phẩm đang là thế mạnh của địa phương

 

Có thể thấy, thông qua các hoạt động và những hỗ trợ cụ thể, thiết thực của Chương trình FFF II tại tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và độ che phủ của rừng; đồng thời, thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, góp phần đảm bảo môi trường sinh thái, đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành động lực để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương.

Minh Hạnh
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1