image banner
Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 802

(Cổng ĐT HND) -  Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, do đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để hoạt động dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân tỉnh phát huy hiệu quả.

Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề

 

Đặc biệt, Trung tâm chú trọng đào tạo nghề gắn với mô hình được Quỹ HTND các cấp hỗ trợ vốn nhằm trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật gắn với nguồn vốn vay để hội viên, nông dân có đủ điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững bằng chính nghề được đào tạo.


Ngoài ra, Hội ND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Hội ND tỉnh đã mở 18 lớp dạy nghề ngắn hạn các nghề chủ yếu như: Chăn nuôi thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, kỹ thuật máy nông nghiệp, sản xuất phân vi sinh và cấp chứng chỉ cho trên 549 học viên. Các huyện, thành Hội đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức 450 lớp cho trên 13.560 học viên, nông dân, bình quân mỗi năm dạy nghề cho 2.712 hội viên, nông dân.


Xác định việc dạy nghề hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy các nhiệm vụ của Hội, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tổ chức quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn.


Nguồn vốn Quỹ HTND đã hỗ trợ cho trên 1.069 lượt hộ vay trên 30 tỷ đồng xây dựng 84 mô hình sản xuất hiệu quả. Trong đó: Nguồn Trung ương ủy thác: 11,66 tỷ đồng; nguồn tỉnh: 4,015 tỷ đồng; nguồn huyện, xã: 3,677 tỷ đồng.


Nguồn vốn trên giúp bà con xây dựng nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng và chăm sóc cam quýt, chăn nuôi ngựa bạch, trồng chuối và sấy khô nông sản, nuôi rắn hổ mang. Các mô hình đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn.


Các nguồn vốn trên đã giúp hội viên, nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.


Bên cạnh đó, các cấp Hội đã hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn với cung ứng cây con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp thu hút các nguồn lực giúp nông dân phát triển sản xuất gồm: 4.087 tấn phân bón, 120.428 cây giống, 21.973 con giống các loại.


Hội ND các cấp đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 4.872 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 244.910 lượt hội viên, nông dân.


Nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển thương hiệu sản phẩm, Hội ND các cấp đã chủ động phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các nhãn hiệu tập thể: Miến dong Bắc Kạn, gạo bao thai Chợ Đồn, gạo nếp khẩu nua lếch; phối hợp với các ngành xây dựng Chỉ dẫn địa lý quýt Bắc Kạn, hồng không hạt. Đến nay, các nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý được quản lý tốt và có hiệu quả, qua đó giá trị sản phẩm được nâng lên.


Hội đã chủ động ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng các Tổ hợp tác và Hợp tác xã sản xuất hàng hóa, có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, nông dân; phối hợp với Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn thành lập các Tổ hợp tác trồng nghệ có ký kết tiêu thụ sản phẩm; với Công ty chè Hiệp Thành (Thành phố Hà Nội) bao tiêu sản phẩm gừng cho hội viên, nông dân.
 

Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể; đồng thời trực tiếp hướng dẫn thành lập 07 Hợp tác xã nông nghiệp với 81 thành viên, 48 Tổ hợp tác.


50 xã xây dựng được mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Qua các mô hình kinh tế tập thể đã gắn kết nông dân với nông dân và doanh nghiệp để cùng nhau phát triển sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực của thị trường, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung kết nối thị trường, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân. Hoạt động của Hội đã góp phần nâng tổng số Hợp tác xã nông, lâm nghiệp trong toàn tỉnh lên 101 Hợp tác xã, 62 Tổ hợp tác.


Có thể khẳng định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp nông dân nghèo, nông dân bị thu hồi đất, nông dân thuộc đối tượng chính sách được tiếp cận với những kiến thức mới trong sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp, biết cách tự đầu tư sản xuất, tạo việc làm tại chỗ để có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất.


Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thời gian tới, scác cấp Hội tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của địa phương.
 
 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1