image banner
Bình Phước: Đa dạng hóa phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 758
(Cổng ĐT HND) -  Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm tạo thêm  việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Dạy nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện để người dân nâng cao trình độ tay nghề, biết cách tổ chức sản xuất, làm giàu
 

Thực hiện kế hoạch và nhiệm vụ được giao, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 5.166 lao động nông thôn. Trong đó, các ngành nghề chủ yếu là chăm sóc và khai thác mủ cao su, kỹ thuật trồng tiêu, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm.


Theo đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 35 lớp đào tạo nghề ngắn hạncho 1.019 lao động nông thôn gồm: 31 lớp về kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; 03 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà; 01 lớp kỹ thuật trồng nấm.


Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp với Công ty TNHH Cao su Bình Phước, Công ty TNHH Tinh Thần Việt đào tạo theo địa chỉ. Sau đào tạo có 913 học viên được 02 Công ty nhận vào làm công nhân cạo mủ; phối hợp tổ chức 04 lớp Trung cấp nghề Thú y cho 140 học viên đang tham gia học.


Nhằm hỗ trợ bà con nông dân về thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức đưa xưởng sản xuất nấm vào hoạt động, là địa chỉ giới thiệu dây chuyền sản xuất, cung ứng các bịch nấm cho thị trường, điểm tham quan cho hội viên, nông dân trong tỉnh.


Hiện, Quỹ HTND các cấp phát triển được 6,633 tỷ đồng (trong đó, cấp tỉnh là 2 tỷ đồng, cấp huyện là 2,794 tỷ đồng và cơ sở là 1,839 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 57,703 tỷ đồng. Thông qua các dự án đã giúp hàng ngàn lao động nông thôn có việc làm và thu nhập khá.


Ngoài ra, công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được các cấp Hội xác định là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là một trong những nội dung thi đua sôi nổi trong hoạt động Hội.


Thông qua chương trình, dự án nông dân nghèo cùng các đối tượng chính sách khác trong toàn tỉnh được hỗ trợ kịp thời để có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đang quản lý 602 Tổ Tiết kiệm và vay vốn với 26.216 thành viên, dư nợ đạt 658,820 tỷ đồng.


Các hộ vay vốn cơ bản đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích; tích cực tham gia sinh hoạt Tổ TK & VV, học tập kinh nghiệm, chuyển giao KHKT để chuyển đổi cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.


Đồng thời, Hội ND tỉnh ký chương trình liên tịch với ngân hàng NN & PTNT tỉnh triển khai Nghị định 55 của Chính phủ giúp nông dân có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.


Các cấp Hội tích cực phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng 1.484 tấn phân bón, 3972 lít thuốc bảo vệ thực vật, 25.160 sản phẩm giống cây trồng và vật nuôi, 51 máy nông nghiệp các loại cho hội viên, nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.


Các cấp Hội phối hợp phối hợp tổ chức 16 buổi hội thảo, tập huấn, giới thiệu quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học, thức ăn chăn nuôi cho 1.100 lượt hội viên, nông dân; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm bào ngư xám cho 50 lượt hội viên, nông dân; tổ chức 11 lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh trên cây điều; tập huấn lớp kỹ thuật phân loại, xử lý chất thải hữu cơ, chất thải rắn và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nông thôn; bàn giao thiết bị cho 50 hộ dân thuộc dự án “Phân loại và xử lý rác hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” tại phường Tiến Thành.


Các cấp Hội phối hợp tổ chức 2.042 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 81.924 lượt hội viên, nông dân. Hội ND tỉnh phối hợp tổ chức 05 lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật sản xuất rau, quả, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGap cho 289 hội viên, nông dân; phối hợp cung cấp khoảng 35.000 cây điều giống PN1 cho hội viên; tổ chức 09 Hội thảo và triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân sử dụng các sản phẩm sữa có nguồn gốc từ thực vật do Công ty cổ phần Rồng Vàng sản xuất và phân phối.


Hội ND tỉnh hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình trồng bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGap sử dụng phân vi sinh tự ủ; so sánh hiệu quả bảo vệ môi trường giữa hầm biogas và đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo với 5 mô hình điểm cho các hộ nông dân tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và huyện Lộc Ninh; tổ chức trao giấy chứng nhận 4 mô hình VietGap cho các tổ hợp tác trồng bưởi da xanh tại các huyện, thị, thành: Đồng Xoài, Bình Long và Lộc Ninh.


Hội ND tỉnh tổ chức Đoàn tham gia và trưng bày các thương hiệu nông sản Bình Phước tại Festival vật tư Nông nghiệp lần thứ I tại tỉnh Vĩnh Long; chọn sản phẩm tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh bao gồm: Phân bón NPK Việt Tiệp và dưa lưới, rau thủy canh.


Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho hội viên nông dân; phối hợp tổ chức đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.


Đến nay, toàn tỉnh có 136 Tổ hợp tác, Hợp tác xã do Hội hướng dẫn thành lập. Hoạt động của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã ngày càng phát triển, từng bước gắn kết với các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như: Hợp tác xã điều tại Bù Đăng hỗ trợ xã viên ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty chế biến hạt điều; các Hợp tác xã tiêu sạch tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty chế biến tiêu xuất khẩu; lãnh đạo Trung ương Hội và lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã đi thăm một số mô hình kinh tế có hiệu quả. Với kết quả đó được Trung ương Hội đánh giá cao trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh, qua đó được Tỉnh ủy tiếp tục giao triển khai hình thành các Câu lạc bộ nông dân tự nguyện, liên kết trong sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật.


Ngoài ra, Hội còn đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, toàn tỉnh có 136 mô hình trồng trọt, 43 mô hình chăn nuôi, 26 mô hình thủy sản, 18 mô hình dịch vụ và ngành nghề gắn với địa chỉ tiêu thụ sản phẩm.


Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề, tư vấn học nghề và việc làm; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân  nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau đào tạo.

 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1