image banner
Đào tạo nghề góp phần xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 1183
(Cổng ĐT HND)- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) được thực hiện theo hướng gắn chặt với hoạt động tạo việc làm, do đó 85% lao động nông thôn đều có việc làm ổn định, tăng thu nhập sau khi học nghề.
Các học viên tham gia lớp học nghề do Hội tổ chức


Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện nội dung đào tạo nghề trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân đã triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi với sự tham gia của 35 cơ sở, tổ chức đào tạo cho gần 10 ngàn lao động nông thôn với 17 nghề và 250 mô hình hiệu quả. Đồng thời tổ chức đào tạo cho 670 người khuyết tật gắn với giải quyết việc làm tại chỗ.

 
Năm 2017, các cấp hội tiếp tục thực hiện nhân rộng mô hình đào tạo nghề gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho gần 2000 người với mục tiêu đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập thực tế cho lao động nông thôn; đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu trang bị kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp cho các đối tượng học nghề.

 
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hội NDVN được thực hiện theo hướng gắn chặt với hoạt động tạo việc làm, do đó 85% lao động nông thôn đều có việc làm ổn định, tăng thu nhập sau khi học nghề.

 
Việc hỗ trợ việc làm sau khi học nghề cho lao động nông thôn được thực hiện thông qua tín chấp vay vốn tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bảo lãnh mua giống, vật tư, phân bón trả chậm, hỗ trợ thành lập các nhóm hộ nông dân theo các hình thức hợp tác, liên kết các hộ gia đình nông dân về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các nhóm truyền nghề tại chỗ theo phương thức vừa học nghề, vừa làm nghề…

 
Các cấp Hội đã triển khai xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. 95% số lao động nông thôn tham gia học nghề theo mô hình đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập; một số lao động nông thôn đã mạnh dạn đầu tư để sản xuất ngành nghề, tạo việc làm cho các lao động khác. Việc triển khai các mô hình đảm bảo cơ cấu hợp lý về đào tạo nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp.

 
Ở nhiều tỉnh như Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Bình Định, các cấp Hội đã xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp có hiệu quả như: nuôi trồng thủy, hải sản, chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi đại gia súc, kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, ươm giống cây lâm nghiệp, kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, kỹ thuật nuôi lợn, bảo vệ thực vật, chăn nuôi trâu bò vùng núi, nuôi trồng thủy hải sản nước lợ, thú y, nghề trồng hoa cây cảnh…

 
Các mô hình nghề phi nông nghiệp: may công nghiệp, may dân dụng, chế biến nông sản, chế biến thủy hải sản, đào tạo nghề hàn để phục vụ cho xuất khẩu lao động, cơ khí gò hàn, khai thác vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, mây tre đan, chế biến nước mắm, sửa chữa máy nông nghiệp …

 
Hội cũng hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi cho người học nghề thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội (tổng nguồn khoảng trên trên 2.000 tỷ đồng); ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các tổ chức tín dụng theo nội dung các Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân Việt Nam với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để tín chấp cho vay vốn sản xuất; phối hợp với các doanh ghiệp để bảo lãnh mua vật tư, phân bón trả chậm cho người học nghề.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn mở rộng thông tin thị trường lao động thông qua việc phối hợp với các đơn vị chức năng để tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm; thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục bằng nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giúp người lao động nắm được những thông tin cơ bản về việc làm, học nghề.

 
Đồng thời, tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề tại các Trung tâm giới thiệu việc làm của Hội Nông dân cấp tỉnh. Tư vấn việc làm cho con em nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn trẻ theo hình thức hợp đồng cung ứng lao động.
 

Hội đã khuyến khích nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, những người có vốn, có trình độ, có tay nghề đầu tư cơ sở sản xuất để thu hút lao động trên địa bàn; khôi phục, phát triển đầu ra cho ngành nghề truyền thống tại làng nghề địa phương ở vùng nông thôn, thu hút lực lượng lao động khi nhàn rỗi. Phối hợp với các doanh nghiệp để đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu lao động.

 
Trung ương Hội và các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch và phân công các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại các địa phương; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc Hội Nông dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện công tác và báo cáo kết quả thực hiện về Trung ương Hội. Nội dung gồm kiểm tra, giám sát đánh giá tình hinh thực Đề án tại địa phương và kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện cho vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm.

 
Năm 2016 - 2017, Hội Trung ương Hội và các cấp Hội đã tiến hành kiểm tra, giám sát tại gần 20 tỉnh, thành phố, và tổ chức kiểm tra, giám sát việc nhân rộng mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, đồng thời lồng ghép nội dung kiểm tra đào tạo nghề cho lao động nông thôn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng công tác dạy nghề của các cấp Hội trong cả nước, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1