image banner
Điện Biên: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 812
(Cổng ĐT HND)- Năm năm qua (2013-2018), Hội ND tỉnh đã triển khai các hoạt động dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, ổn định đời sống nông dân.
Đến nay, Trung tâm DN&HTND đã mở được 21 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 735 nông dân.


Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các cấp Hội tập trung đẩy mạnh. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh được Trung ương Hội NDVN quan tâm đầu tư với tổng kinh phí là 28,8 tỷ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
 
 
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã phối hợp khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, đăng ký ngành nghề đào tạo; tuyên truyền về học nghề và chính sách học nghề cho nông dân.
 
 
Đến nay, Trung tâm đã mở được 21 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 735 nông dân. Hội ND các cấp đã phối hợp tổ chức 346 lớp dạy nghề cho 12.110 hội viên, nông dân về kiến thức, kỹ năng trồng trọt, thú y, nuôi trồng nấm, dệt thổ cẩm, nghề xây dựng, điện dân dụng... Sau học nghề, các cấp Hội tiếp tục hỗ trợ cho nông dân áp dụng được kiến thức vào sản xuất, nhiều lao động đã trở thành chủ hộ sản xuất giỏi, giúp đỡ cho nhiều lao động trong nông dân có việc làm.
 
 
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 13,842 tỷ đồng. Trong đó: Trung ương uỷ thác cho Quỹ HTND tỉnh là 10,7 tỷ đồng; UBND tỉnh cấp 1,5 tỷ đồng; huyện và cơ sở là 1,642 tỷ đồng.
 
 
Nguồn vốn Quỹ đã xây dựng được 28 dự án cho trên 600 hộ nông dân vay để liên kết sản xuất theo nhóm hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi lợn sinh sản, trồng và thâm canh cây cà phê, mô hình nuôi trồng thủy sản, góp phần giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. Nguồn vốn vay đã được các cấp Hội giải ngân kịp thời, đúng đối tượng theo dự án được phê duyệt.
 
 
Hội còn phối hợp với ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT thực hiện chương trình ủy thác cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ do Hội ND các cấp quản lý tại các ngân hàng trên 802 tỷ đồng. Trong đó, ủy thác vay vốn với ngân hàng CSXH cho 22.530 lượt hộ vay với số dư nợ 743,784 tỷ đồng; vay qua ngân hàng NN&PTNT cho 2.055 hộ vay trên 59 tỷ đồng
 
 
Thông qua chương trình vay vốn, đã giúp hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước và kịp thời có vốn đầu tư vào sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
 
 
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ký kết và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với UBND tỉnh và 17 sở, ngành gồm: Sở Nông nghiệp &PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Công thương... Thông qua chương trình phối hợp đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; khẳng định vị thế, vai trò của tổ chức Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
 
 
Các cấp Hội đã phối hợp hướng dẫn chuyển đổi ngành nghề cho nông dân vùng tái định cư Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, huyện Tủa Chùa, thành phố Điện Biên Phủ; phối hợp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nông dân vùng sắp xếp dân cư theo Đề án 79 tại huyện Mường Nhé; xây dựng các mô hình "Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm", “mô hình xoá đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 17 xã điểm, thuộc 8 huyện, thị trong tỉnh với 1.295 con trâu, bò sinh sản, đến nay đàn gia súc đã có 2.848 con, luân chuyển cho hàng ngàn hộ để hỗ trợ phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Ngoài ra, các cấp Hội còn hỗ trợ 17 con bò sinh sản, 120 con lợn giống cho 77 hộ nông dân nghèo.
 
 
Hội ND các cấp chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với các đơn vị tổ chức đưa hàng tiêu dùng Việt Nam đảm bảo chất lượng về các thôn bản vùng cao, do vậy hội viên nông dân tin tưởng chất lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất.
 
 
Hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp cho nông dân được tăng cường. Các cấp Hội đã phối hợp với Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Sông Gianh, Công ty thức ăn chăn nuôi Con heo vàng cung ứng hơn 3.000 tấn phân bón trả chậm không tính lãi cho nông dân ở huyện Điện Biên và Mường Ảng; xây dựng 16 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK trên cây lúa và cây cà phê; cung ứng 3.500 tấn thức ăn chăn nuôi cho nông dân.
 
 
Hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ được các các cấp Hội tích cực triển khai. Các cấp Hội phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Dân tộc tỉnh, tổ chức triển khai tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho trên 97.255 lượt nông dân. Trong đó, phối hợp mở lớp tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật sản xuất, trồng cây ăn quả, bảo vệ thực vật... cho 1.035 hội viên, nông dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La; tổ chức 513 cuộc hội thảo đầu bờ giúp nông dân ứng dụng KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao vào sản xuất kinh doanh. Hội còn triển khai xây dựng gần 120 mô hình trồng rau an toàn và bón phân sinh học trên cây rau, mô hình bón phân trên cây dứa, cây lúa, cây cà phê, mô hình nuôi trồng thủy sản, mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm...
 
 
Để hỗ trợ bà con thông tin và tiêu thụ nông sản, Hội phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ đăng tải thông tin thị trường nông sản, giá cả thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên các phương tiện truyền thông; đồng thời giải đáp những thắc mắc của nông dân, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản. Hàng năm, tham gia các Hội chợ được tổ chức thúc đẩy quảng bá, giới thiệu mô hình sản xuất kinh doanh giỏi cho hội viên, nông dân.  
 
 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể, HTX; tập trung phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển HTX, đặc biệt là Luật Hợp tác xã năm 2012. Các cấp Hội đã tổ chức thành lập 52 mô hình kinh tế tập thể theo hình thức Tổ hợp tác, trong đó có 41 mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi lợn sinh sản, 04 mô hình chăn nuôi dê sinh sản, 07 mô hình nuôi trồng thủy sản.
 
 
Đã có nhiều mô hình đã phát triển lên thành HTX như: Mô hình chăn nuôi gà đen của Chị Mai ở thị trấn Tủa Chùa, mô hình liên kết trồng cây dong giềng của anh Lò Văn Pâng ở xã Nà Tấu... góp phần nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên trên 200 HTX.
 
 
Hội còn tập trung nguồn vốn Quỹ HTND xây dựng các dự án đầu tư cho Tổ hợp tác phát triển hiệu quả, thành lập các chi Hội nghề nghiệp trong mô hình Tổ hợp tác để nông dân hỗ trợ nhau phát triển bền vững.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập và đời sống; xây dựng phát triển mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu 100% Hội ND huyện, thị, thành Hội và Hội nông dân cơ sở tổ chức hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; tuyên truyền vận động nông dân tham gia học nghề, trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho hơn 15.000 hội viên, nông dân. Phối hợp hỗ trợ nông dân vay vốn sau học nghề, phối hợp với các cơ quan tư vấn và giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1